Cho phá rừng làm “siêu nghĩa trang”

Sự kiện: Thời sự Vĩnh Phúc

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương cho một doanh nghiệp xây khu công viên nghĩa trang rộng tới 153 ha trên đất rừng phòng hộ, bất chấp người dân phản đối.

Mới đây, 700 người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, xin dừng triển khai dự án khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý.

Vội vàng chấp thuận

Sự phản đối của người dân bắt nguồn từ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản chấp thuận chủ trương quy hoạch, cho phép một doanh nghiệp xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang.

Cho phá rừng làm “siêu nghĩa trang” - 1

Khu vực dự kiến làm “siêu nghĩa trang” có đền thờ “Thất vị đại vương” Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Theo đó, tổng vốn của dự án khoảng 685 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I/2017 đến năm 2025, do Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh (trụ sở tại Hà Nội) đầu tư. Dự án có quy mô 153 ha, trong đó đất dự kiến xây “siêu nghĩa trang” chiếm khoảng 105,5 ha. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng.

Việc chấp thuận lập khu công viên nghĩa trang này được coi là khá vội vàng. Bởi lẽ, ngày 4-1, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 02/TTr-UBND thì chỉ sau đó 2 ngày, 6-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất với tờ trình. Điều đáng nói, trong một số báo cáo của tỉnh đều nêu rõ sự phản đối của người dân về việc lập công viên nghĩa trang này.

Một trong những lý do mà người dân phản đối là vì địa điểm xây nghĩa trang nằm trên khu vực rừng phòng hộ đã được nhà nước giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Theo thống kê, tính đến năm 2014, Vĩnh Phúc có khoảng 4.000 ha đất rừng phòng hộ. Riêng Tam Đảo chỉ còn khoảng hơn 500 ha với chức năng vừa phòng hộ vừa bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu 105,5 ha rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý tiếp tục bị “thôn tính” thì diện tích rừng phòng hộ tại đây còn rất ít.

Trên thực tế, việc xây dựng công viên nghĩa trang lớn này chưa hề được lấy ý kiến của người dân. “Không ai biết họ làm nghĩa trang cả. Phải làm gì có lợi cho dân chứ như thế này là không được” - một người dân bức xúc.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất

Chỉ cho chúng tôi dãy núi Ngang dự kiến thực hiện “siêu nghĩa trang”, ông Trần Tiến Quý - ngụ thôn Trại Mái, xã Bồ Lý - thở dài: “Dự án kéo dài tới mấy cây số, coi như vùng này mất trắng”. Theo ông Lý, núi Ngang có địa hình cao nhất so với các khu vực trong xã. Vì thế, việc xây công viên nghĩa trang ở đây sẽ khiến mạch nước ngầm và nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Ông Năng Văn Diên, ngụ xã Bố Lý, thẳng thắn: “Cả xã này không ai đồng ý.”.

Ông Diên cho biết cách đây nhiều năm, chương trình xóa đói giảm nghèo, giao đất rừng cho dân đã giúp bà con sống sót qua những cơn đói khát. Dân bám vào rừng để sống. Dãy núi Ngang kéo dài 6-7 km, là lá chắn quan trọng trong việc ngăn lũ lụt cho dân. Ngoài ra, khu vực núi Ngang còn mang giá trị về du lịch, văn hóa tâm linh. Trên đỉnh núi còn có cả di tích quốc gia, có đền thờ “Thất vị đại vương” được nhân dân dựng lên để tưởng nhớ công ơn các anh hùng có công đánh giặc bảo vệ quê hương.

Ông Bùi Minh Hồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đã ghi nhận ý kiến của người dân. “Chúng tôi chưa thể trả lời ngay. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức họp báo để thông tin rõ hơn” - ông Hồng nói.

Không thể tự làm, tự quyết

Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết để xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải thông qua rất nhiều bước, trong đó có việc phải xin ý kiến và phải có sự đồng ý của Bộ NN-PTNT.

“Theo tôi biết, dự án này mới chỉ ở giai đoạn UBND tỉnh báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thôi. Muốn chuyển đổi rừng phòng hộ sang sử dụng mục đích khác thì phải theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chứ không phải muốn chuyển là chuyển được” - ông Trị nhận xét.

Ông Trị cho rằng dự án này muốn thực hiện được thì phải làm theo quy trình, quy định của pháp luật. Ông nhấn mạnh: “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định rất rõ việc chuyển đổi bao nhiêu hecta thì phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ NN-PTNT. Tỉnh Vĩnh Phúc không thể tự làm, tự quyết được đâu!”.

Nằm sát danh thắng Tây Thiên

Trước và trong các kỳ họp HĐND, cử tri huyện Tam Đảo và xã Bồ Lý liên tục phản đối việc quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang trên địa bàn. Bởi lẽ, Tam Đảo được định hướng phát triển trọng điểm về du lịch, việc cho làm nghĩa trang trên núi Ngang sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch nơi đây.

Đáng nói là khu vực cho xây nghĩa trang nằm sát Khu Di tích danh thắng Tây Thiên. Từ xã Bồ Lý, đi qua dãy núi và rừng phòng hộ sẽ là rừng quốc gia Tam Đảo và khu di tích này - nơi được coi là vùng đất thiêng, du lịch tâm linh quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGUYỄN QUYẾT - VĂN DUẨN (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN