Châu Á đua nhau sắm tàu ngầm đối phó với TQ

Tàu ngầm xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các vùng biển châu Á trước mối đe dọa đến từ lực lượng hải quân ngày càng hùng hậu của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng “lợi ích quốc gia” ra phạm vi xa hơn trong khu vực, đặc biệt là trên biển, bằng cách mạnh tay đầu tư hiện đại hóa lực lượng quân sự của mình.

Với việc Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng của mình lên mức kỷ lục gấp đôi chi tiêu quân sự của Nga vào năm 2013, các quốc gia trong khu vực đang vô cùng bất an, lo lắng trước những chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia phân tích quốc phòng, Trung Quốc đang dần dần chuyển đổi hải quân của mình thành một lực lượng phòng thủ và tấn công biển xanh bằng chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực (A2/AD) phối hợp với một lực lượng tấn công và phòng thủ trên không.

Châu Á đua nhau sắm tàu ngầm đối phó với TQ - 1

Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu ngầm hùng hậu để thực hiện chiến lược chống tiếp cận

Mục tiêu mà chiến lược chống can thiệp A2/AD của Trung Quốc nhắm đến chính là ngăn cản Mỹ và các đồng minh có thể tự do hoạt động trong các vùng biển gần bờ của Trung Quốc.

Tâm điểm của chiến lược chống tiếp cận nhiều lớn này là một loạt tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới mà Trung Quốc chế tạo trong thời gian gần đây. Hiện hải quân Trung Quốc đang sở hữu khoảng 45 tàu ngầm thuộc 6 lớp khác nhau, trong đó có 4 loại tàu ngầm hạt nhân gồm tàu ngầm lớp Thương (Type 039), tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn (Type 094), tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Type 095 và Type 096.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 041 được cải tiến để có thể mang thêm các thiết bị thủy âm tần số cao và các hệ thống vũ khí được nâng cấp.

Ngoài ra, Trung Quốc còn mua khoảng 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và đang đàm phán mua ít nhất 4 tàu ngầm thế hệ thứ tư lớp Lada hoặc tàu ngầm thế hệ thứ năm lớp Kalina với hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) hiện đại.

Trước một lực lượng tàu ngầm hùng hậu mà hải quân Trung Quốc đang xây dựng, các quốc gia châu Á không khỏi bất an và đang có những chiến lược của riêng mình để đối phó với mối đe dọa đến từ người láng giềng khổng lồ.

Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ưu tiên mua sắm, chế tạo các loại tàu ngầm mới có tính năng ngày càng ưu việt hơn. Hồi tháng 9/2013, Hàn Quốc bắt tay vào đóng chiếc tàu ngầm 1.800 tấn lớp Son Won-il thứ tư với các hệ thống AIP và quản lý tác chiến hiện đại. Hiện hải quân Hàn Quốc đang sở hữu 13 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm lớp Type 209.

Châu Á đua nhau sắm tàu ngầm đối phó với TQ - 2

Tàu ngầm lớp Son Won-il của hải quân Hàn Quốc

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng chế tạo chiếc tàu ngầm thứ sáu mang tên Kokuryu trong tổng số 10 tàu ngầm lớp Soryu mà nước này đang lên kế hoạch đóng mới. Với hệ thống vũ khí, cảm biến hiện đại, trong đó có tên lửa chống hạm Harpoon, tàu ngầm lớp Soryu được coi là tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất trong hạm đội của Nhật Bản hiện nay.

Tại Đông Nam Á, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm và bảo dưỡng tàu ngầm do chi phí quá cao, song các quốc gia ở đây cũng bắt đầu chú trọng hơn vào việc nâng cao năng lực phòng thủ trong lòng biển bằng một lực lượng tàu ngầm hùng hậu chưa từng có.

Gần đây nhất, Việt Nam đã tiếp nhận 2 trong số 6 tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo trong giai đoạn 2013-2014. Tàu ngầm Kilo là loại tàu ngầm diesel-điện được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, chống tàu và chống tàu ngầm.

Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đang lên kế hoạch nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình. Từ năm 2007-2009, Malaysia đã tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp chế tạo, được trang bị tên lửa chống tàu Exocet có thể phóng lên từ dưới biển.

Châu Á đua nhau sắm tàu ngầm đối phó với TQ - 3

Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là "hố đen dưới đại dương"

Cả hai tàu ngầm này đều được bố trí tại căn cứ hải quân Kota Kinabalu ở bán đảo phía đông của Malaysia, chứng tỏ nhiệm vụ chính của chúng là bảo vệ chủ quyền của Malaysia trên Biển Đông.

Trong khi đó, Indonesia cũng có những kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình thêm ít nhất 12 chiếc vào năm 2024 để tạo thành một “Lực lượng Cần thiết Tối thiểu” nhằm phát triển hải quân “biển xanh”.

Năm 2012, hải quân Indonesia đã ký hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD mua 3 tàu ngầm diesel-điện lớp Type-209/1400 của Hàn Quốc.

Cuối năm 2013, Singapore ký hợp đồng với hãng đóng tàu ThyssenKrupp của Đức để mua 2 tàu ngầm Type-218SG để bổ sung cho hạm đội tàu ngầm lớp Archer và thay thế những tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển vào năm 2020.

Điều dễ nhận thấy là các loại tàu ngầm mà các quốc gia châu Á đang phát triển để có thể nâng cao khả năng phòng thủ của mình đều được cải thiện đáng kể về khả năng tàng hình và được trang bị các loại tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình hiện đại, giúp lực lượng tàu ngầm cải thiện được khả năng cơ động, độ linh hoạt, tầm hoạt động và sức hủy diệt của mình.

Bởi vậy, trong tương lai gần, tàu ngầm vẫn là lực lượng chiến lược vô giá của các quốc gia nhỏ ở Đông và Đông Nam Á với lực lượng hải quân quy mô nhỏ chủ yếu là để phòng thủ, bảo vệ chủ quyền. Với các hạm đội tàu ngầm hiện diện ngày càng dày đặc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, điều làm nên sự khác biệt hiện nay chính là kinh nghiệm tác chiến, trình độ huấn luyện và kỹ chiến thuật của những người lính tàu ngầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN