"Cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc"

Trước chỉ đạo của Chính phủ "xây cầu vượt Đàn Xã Tắc: Hà Nội không được phạm luật", ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết "xây cầu có ảnh hưởng tới di tích nhưng dự án vành đai 1 không thể không làm".

Nói về dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc đang gây nhiều tranh cãi, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: "Nếu hỏi rằng thực hiện dự án ở đây thì có ảnh hưởng tới di tích Đàn Xã Tắc không thì phải khẳng định là có ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế vào năm 2006-2007 khi phát hiện ra di tích mà chúng ta vẫn hoàn thành được con đường, còn lần này chúng ta chỉ làm thêm một cây cầu, mà lại có cả sự vào cuộc của các nhà sử học, các chuyên gia... thì tôi tin rằng sẽ tìm ra được phương án hợp lý nhất", ông Bảo cho biết.

Trước đó, ngày 26/3, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 2 năm nghiên cứu đã có phương án kiến trúc cầu vượt hạn chế giải phóng mặt bằng tại ngã 5 Ô Chợ Dừa.

Theo đó, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân nơi đây. Mố cầu nằm ngoài di tích còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này.

"Cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc" - 1

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội

Theo chủ đầu tư, cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa bằng bê tông theo hướng vành đai 1 dài khoảng 510 mét, mặt cắt ngang rộng 14 mét gồm 4 làn xe. Ngoài ra, còn có hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông… với tổng chi phí 766 tỷ đồng. Cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành năm 2015.

Theo lý giải của ông Bảo thì dự án cầu vượt có ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc nhưng cầu vượt thì chắc chắn phải có mới thông được vành đai 1.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra nếu làm cầu vượt Đàn Xã Tắc chắc chắn sẽ xâm hại nghiêm trọng tới di tích, là vi phạm luật di sản.

GS Phan Huy Lê phân tích: "Chỉ giới được bảo vệ (mà ta gọi là vùng lõi, vùng trung tâm của di sản) không hoàn toàn trùng với đảo giao thông Xã Tắc hiện nay. Theo bản đồ của các nhà khảo cổ, đảo giao thông Xã Tắc chỉ chứa chưa tới một nửa số hố khai quật nằm trong chỉ giới bảo vệ.

Cầu vượt làm bằng bê tông, theo nguyên tắc, móng cầu phải đào sâu, rộng, xây hết sức kiên cố. Như vậy dù hai móng cầu này trên bản vẽ không động chạm đến đảo giao thông, nhưng chắc chắn sẽ động chạm ngay một phần lõi của di sản đang bảo tồn trong lòng đất nằm ngoài đảo giao thông và có thể động chạm đến phần di tích chưa khai quật.

Tôi xin nhấn mạnh là đảo giao thông hiện nay không phải là chỉ giới vùng lõi khu di tích. Nếu để xảy ra sự việc đó tức là vi phạm luật Di sản hết sức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ thi công. Bản thân dự án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Theo GS. Lê, muốn di tích bảo tồn trong lòng đất giữ được sự nguyên vẹn của nó, thứ nhất, phải tuyệt đối không đụng chạm đến, thứ hai, phải tạo điều kiện thuận lợi để sau này con cháu tiếp tục khai quật, nghiên cứu và bảo tồn. Nếu xây một cây cầu bê tông lên, kết cấu trường tồn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu đó và sẽ tạo nên một không gian phản cảm.

Cũng theo GS. Lê, giải pháp lấp cát làm đường năm 2007, cũng là giải pháp tạm thời có thể chấp nhận được, tuy nhiên việc làm một cây cầu vượt với việc lấp cát làm đường bảo vệ là hoàn toàn khác nhau.

Còn Giáo sư Quang Ngọc thì ví đó như một hành động phá đi mồ mả tổ tiên: "Dự án làm cầu vượt đã được đưa ra từ năm 2005 nhưng không được thực hiện. Khi thực hiện dự án đường Kim Liên Mới (đường Xã Đàn), các nhà quản lý đã chọn giải pháp lấp cát, lập bia đá đánh dấu di tích đó cũng là giải pháp cần thiết tạm thời.

Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích và xét cho cùng là hành động bất chấp pháp luật, không còn lương tâm, đạo lý để phá hoại mồ mả, hồn cốt của tổ tông.

Giờ Đàn Xã Tắc đã được phát lộ, chưa được khai quật toàn bộ; nhiều di tích có liên quan cũng chưa được nghiên cứu mà lại xây cầu chồng lên hay xâm hại đến nó thì cái hệ lụy có thể nhìn thấy được, không phải chỉ riêng những người làm trực tiếp mà là cả Thủ đô và đất nước", GS Ngọc nói.

"Cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc" - 2

Nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (qua Đàn Xã Tắc)

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN lại cho biết, "Hà Nội đã có bản 'Quy hoạch nghiên cứu khảo cổ học' được trình lên và phê duyệt từ năm 2010, nhưng Hà Nội đã không thực hiện và triển khai nó một cách tích cực.

Bản quy hoạch khảo cổ đó các nhà khoa học có chỉ rõ và khoanh vùng những khu vực nào cần phải bảo vệ, đồng thời cũng phân công rõ ràng từng cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn khu vực đó.

Bản Quy hoạch khảo cổ là đề xuất những khu vực cần được nghiên cứu trước, tư duy của họ là vừa cho mọi người hiểu được về giá trị lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến đồng thời cũng là đi trước một bước để cảnh báo những khu vực nhạy cảm cần được lưu giữ, cần được bảo vệ.

Bản Quy hoạch cũng chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan về việc chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn di tích tại khu vực mình quản lý.

Với Đàn xã Tắc, tôi cũng cho rằng năm 2007 Hà Nội đã có ý thức bảo vệ nhưng bị động. Nếu Hà Nội chủ động đối chiếu các dự án quy hoạch với bản Quy hoạch khảo cổ đó thì sẽ không có tình trạng đào đâu đụng đấy, đào rồi đắp chiếu như hiện nay", PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết.

PGS.TS Bài cũng chỉ ra rằng, ở ta vẫn tồn tại một loại văn hóa là "văn hóa chiến tranh" nghĩa là ai mạnh người đó xông lên, ai mạnh người nấy thắng chứ không phải là "văn hóa hòa bình" như các nước trên thế giới vẫn, đang xây dựng và hướng tới.

Nhà khoa học cứ khản cổ nói, nói mỏi mồm thì thôi, các cơ quan chức năng có quyền thì họ vẫn thực hiện. Ai biết việc người ấy, không có sự thống nhất đồng bộ nên mới có chuyện bảo vệ một di tích mà không ai chịu trách nhiệm, người nọ đổ vấy cho người kia làm kinh động đến cả Văn phòng Chính phủ.

Lên tiếng về những tranh cãi xung quanh dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4 của Chính phủ tổ chức chiều 26/4, người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: "điểm của Chính phủ là không chỉ việc này mà bất kỳ việc gì đều không được vi phạm luật".

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: "Việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, tinh thần của Chính phủ là tiếp tục thông qua các phương thức khác nhau để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học có chuyên môn về lịch sử, văn hóa, giao thông, đô thị… để có một giải pháp hài hòa, không coi trọng mặt nào hơn mặt nào".

Theo ông Vũ Đức Đam: "Hà Nội với trách nhiệm của mình sẽ trả lời là có vi phạm hay không, nếu báo chí và công luận cho rằng có vi phạm thì các cơ quan chức năng sẽ có ý kiến chính thức".

Trước đó, các nhà quản lý, chủ đầu tư đều một mực khẳng định dự án không phạm luật, không ảnh hưởng đến di tích và dự án là phương án tối ưu nhất. Vậy khi Giám đốc Ban quản lý dự án trọng điểm đã lên tiếng thừa nhận, dự án có ảnh hưởng tới di tích thì Hà Nội sẽ thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiếu Lam (Đất Việt)
Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN