Cảnh giác thôi miên lừa tiền tại Hà Nội

Sự kiện: Tin pháp luật

Cùng một chiêu thức đổi tiền từ mệnh giá lớn, tung mê trận thông tin, đối tượng lừa đảo khiến nạn nhân tự nguyện móc sạch hầu bao đưa cho mình.

Cảnh giác thôi miên lừa tiền tại Hà Nội - 1

Người nước ngoài dùng thủ thuật “thôi miên” để lừa tiền nhân viên một cửa hàng bán đồ chơi tại Hà Nội 

Tự nguyện đưa tiền cho người lạ

Thời gian gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh của nạn nhân bị đối tượng lạ mặt thôi miên lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Gần đây nhất, ngày 19/3, trong ca trực đêm, anh Đ., nhân viên bán xăng tại cửa hàng xăng dầu Đức Phượng (ngã tư Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) đã bị lừa hơn 10 triệu đồng.

Hình ảnh từ camera tại hiện trường cho thấy, khoảng 1h sáng, khi đang bơm xăng cho một chiếc taxi, bất chợt người phụ nữ trẻ đỗ xe máy, đứng ngay sau lưng anh Đ. “Thời điểm này nhiều taxi chạy về lấy xăng nên mình cũng bận, hơn nữa nghĩ người ta là con gái, lại trẻ nên cũng không đề phòng. Khi vừa bơm xăng xong, cô gái đưa tờ 500 nghìn đồng nhờ mình đổi hộ. Đổi được tiền rồi, cô ta vẫn đứng đó.

Đợi mình bơm xăng cho taxi khác, cô ấy lại đưa tiền nhờ đổi tiếp. Lần này mình không nhớ cô ấy đưa tiền gì, không hiểu đã nói gì mà mình lại ra mở cốp xe lấy cọc tiền của ca bán xăng đếm và đưa cho cô gái đó”, anh Đ. kể lại câu chuyện một cách ly kỳ. Đáng nói, sau khi đưa tiền cho người phụ nữ lạ mặt, anh Đ. vẫn làm việc bình thường. Một tiếng đồng hồ sau, khi kiểm tiền trả lại, anh Đ. mới biết bị mất tiền.   

Trước đó, anh L., nhân viên bán hàng cho công ty chè có trụ sở  trên phố Vũ Ngọc Phan (Hà Nội) kể: Trong một lần anh đi bán hàng tại ngoại thành, trời nắng, giữa trưa nên đường vắng người qua lại. Dù đói lả nhưng vì chưa bán được nhiều nên anh L. vẫn cố dong hàng. Đúng lúc này, phía sau có tiếng người đàn ông gọi giật giọng: “Bán cho cân chè nào”.

“Tôi chỉ nhớ người khách lạ đội MBH, đeo khẩu trang kín chỉ hở đôi mắt, đưa ra tờ 500 nghìn đồng. Không nhớ đã nghe những gì từ khách, tôi chỉ biết móc sạch tiền trong ví đưa cho anh ta mà không chút ngần ngại. Sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ tới khi người khách nổ máy đi tôi mới sực tỉnh và biết mình mất tiền”, anh L. kể lại.

“Tây” cũng đi lừa

Hầu hết nạn nhân sau khi thuật lại toàn bộ câu chuyện vẫn không thể hiểu tại sao mình bị lừa dễ dàng tới thế.

Là dân buôn gà lâu năm, nổi tiếng cả vùng, nhanh nhảu hoạt bát, chị H. (Đan Phượng, Hà Nội) cũng là nạn nhân bị thuật thôi miên lừa đảo. Đáng nói, đối tượng lừa đảo lại chính là người nước ngoài. Chị H. nhớ lại, cách đây 2 năm, trong một buổi cùng con trai đi ô tô chở hàng tới chợ, bỗng có nhóm 4 ông “Tây” ra tín hiệu vẫy xe, chặn đường. Nghĩ du khách nước ngoài có chuyện cần giúp đỡ nên chị H. xuống xe.

“Vừa chạm mặt, họ cứ nói ríu rít tiếng nước ngoài, thi thoảng có câu tiếng Việt. Một ông Tây chỉ vào mồm liến thoắng ý là hỏi đường tới quán cơm. Sau đó ông ta rút ra 2 tờ tiền gồm 100 nghìn đồng và 500 nghìn đồng, liến thoắng ra tín hiệu muốn đổi tiền. Sau hồi vẫy qua vẫy lại hai tờ tiền, mình chỉ hiểu họ muốn đổi 500 nghìn đồng lấy 100 nghìn đồng, nhưng không hiểu thế nào lại lôi 1 cọc tiền hàng đưa cả cho họ”, chị H. kể lại.

Rất may, đúng lúc này người con trai của chị H. xuống xe nhìn thấy sự bất thường mới hỏi lớn: “Sao lại đưa tiền như thế?”. Chợt tỉnh lại, chị H. túm lấy người nước ngoài đòi trả tiền. “Nó trả lại cả cọc rồi lên xe đi mất. Một lúc sau mình mới tĩnh tâm, kiểm lại cọc tiền mới biết đã bị rút mất 4 triệu đồng”.

Theo chị H., không chỉ mình chị mà nhiều người cũng đã từng bị lừa tiền với thủ đoạn tương tự. “Mới đây, anh bạn hàng của tôi kể có nhóm người lạ mặt vào nhà nhờ đổi tiền. Không biết họ nói năng như thế nào mà anh ấy mở két lôi hết 40 triệu đồng đưa cho. Tới khi họ đi rồi mới biết mình bị lừa”. Đáng nói, khi trao đổi với PV, tất cả nạn nhân đều không thể nhớ bất kỳ đặc điểm nhận dạng của đối tượng lừa đảo. Khi được hỏi, nạn nhân cũng chỉ cho rằng “của đi thay người” nên không trình báo chính quyền hay lực lượng công an. 

Tránh nhìn chăm chú vào mắt người lạ

Bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ Địa sinh học, Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhận định: Thôi miên không thể chữa bách bệnh, hay sai khiến người khác làm theo ý mình.

Sở dĩ các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng khiến “con mồi” hợp tác là do chúng đã biết dùng kỹ xảo để đánh thức lòng tham hoặc điểm yếu của nạn nhân. Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, tránh nhìn chăm chú vào mắt người lạ, không nên cuốn theo mạch nói chuyện của họ để tránh bị dẫn dụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN