Bộ Y tế trần tình vụ bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm

Sự kiện: Thời sự

“Bộ Y tế đã bàn bạc kỹ lưỡng và quyết định chọn giải pháp “Quy định việc hiến máu là tự nguyện đưa vào Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, nội dung “bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm chỉ là bàn bạc”, đại diện Bộ Y tế cho hay.

Bộ Y tế trần tình vụ bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm - 1

Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện vào Dự thảo.

Trong  báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với Dự án Luật về máu và tế bào gốc Bộ Y tế vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định có nội dung “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu và nội dung quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.

Sau khi thông tin này được đưa ra, có nhiều ý kiến bày tỏ: “Hiến máu là tự nguyện của mỗi công dân, chứ không  thể bắt buộc mà chỉ nên đề nghị mọi người ủng hộ tích cực phong trào tự nguyện hiến máu”.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Nếu cứ để với tinh thần người dân tự nguyện, thích thì đi, không thích thì thôi, vậy chúng ta còn thiếu nguồn máu điều trị cho người bệnh dài dài. Bắt buộc công dân hiến máu sẽ giúp người dân có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.

Trao đổi với phóng viên chiều 9/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc và nhận thấy, “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần” là không phù hợp nên không thể đưa vào Dự thảo. Bộ Y tế chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.

Bộ Y tế trần tình vụ bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm - 2

 Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế

Trước câu hỏi, “tại sao không có nội dung “bắt buộc” hiến máu trong dự thảo mà trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại có?”, ông Quang nói: “Đã là thảo luận, có giải pháp nào chúng tôi phải đưa hết ra chứ. Sau khi đưa ra và lấy ý kiến mới quyết định chọn nội dung nào phù hợp”.

Ông Quang lý giải, “quy định bắt buộc hiến máu” là một trong những giải pháp đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án Luật về máu và tế bào gốc. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trong thời gian chỉ có 30,25% đồng ý; có 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 69,75%.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, nếu “bắt buộc người dân hiến máu” thì chi phí đi lại mà người dân phải bỏ ra cho một lần đi hiến máu trong một năm là trên 588 tỷ đồng. (Mức bình quân khoảng cách phải đi lại nhân với định mức bình quân chỉ cho 1 lượt đi lại nhân số lượt  và nhân số người hiến máu. Định mức bình quân chỉ cho một lượt đi lại được tính bằng 0,2 lít xăng/1km x 16.000 đồng/lít.)

Nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu. Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.

Từ những phân tích trên, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp 2 vì phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Cũng theo ông Quang, để không làm ảnh hưởng đến phong trào hiến máu tự nguyện hiện nay, trong Dự thảo Bộ Y tế cấm các hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN