Bộ Công an sẽ điều tra vụ tàu Sunrise 689 bị cướp

Theo thông tin từ Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 15/10, hồ sơ vụ tàu Sunrise 689 chính thức chuyển lên để Bộ Công an thụ lý điều tra.

Ngày 15/10, Thiếu tướng Đỗ Minh Dân – Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hồ sơ vụ án tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công đã chuyển lên Bộ Công an thụ lý.

“Do vụ việc liên quan đến vùng biển quốc tế nên cơ quan CSĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ là cơ quan tham gia điều tra ban đầu, sau khi chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ Công an, đến ngày 15/10 hồ sơ chính thức chuyển lên Bộ Công an thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Bộ Công an sẽ điều tra vụ tàu Sunrise 689 bị cướp - 1

Tàu Sunrise 689

Trong khi đó, đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng cho biết, đây là lần thứ 2 đồn biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận nạn nhân của vụ cướp biển. Vụ việc tàu Sunrise 689 có những nét tương đồng với vụ đầu tiên. Vụ trước đó xảy ra trên vùng biển nước ngoài đối với tàu Zafirah của Malaysia.

Quay lại vụ việc gần 2 năm về trước, rạng sáng 18/11/2012, tàu mang tên Zafizah đi từ cảng Pasir Guaang đến một cảng cũng thuộc quốc gia Malaysia để chở hàng thì gặp sự cố. Khi đi ngang qua hải phận Indonesia, nhóm cướp biển có trang bị súng ngắn và dao lưỡi dài đã tấn công các thuyền viên.

Bọn chúng bắt nhốt tất cả các thuyền viên trên một căn phòng và cung cấp một ít thức ăn để sống qua ngày. Lênh đênh trên biển hơn 2 ngày, đến 21h30 ngày 20/11/2012, bọn chúng khống chế 9 thuyền viên (5 người Myanmar và 4 người Indonesia) xuống con tàu cứu sinh. Sau hơn 8 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, nhóm thuyền viên gặp 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cứu vớt. Thông tin của vụ việc được trình báo cơ quan chức năng.

Cùng thời điểm này, Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được tin của Interpol về việc xuất hiện băng cướp có thể đang lảng vảng trên vùng biển của Việt Nam sau khi cướp tàu hàng. Cảnh sát biển Vùng 3 nhận lệnh từ Cục Cảnh sát biển đã điều động 2 biên đội tàu gồm 5 chiếc tiến hành triển khai đội hình truy bắt những tên cướp biển.

Đến rạng sáng 22/11/2012, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện con tàu nghi vấn có màu sơn, tên tàu hoàn toàn khác nên tìm cách tiếp cận. Lực lượng chức năng Việt Nam áp sát, triển khai kế hoạch khống chế và gặp phải sự kháng cự dữ dội từ những đối tượng trên tàu. Đến 11h cùng ngày, các thuyền viên được phía Việt Nam cứu giúp đã ra con tàu trên để nhận dạng. Thuyền viên phía Indonesia xác nhận đúng là tàu Zafirah bị đánh cướp. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết yêu cầu bọn cướp biển buông súng đầu hàng.

Băng cướp có vũ trang càng hung hãn hơn. Chúng bắn trả về phía lực lượng Cảnh sát biển để tìm đường tẩu thoát. Gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu, tất cả 11 tên bị lực lượng chức năng Việt Nam tóm gọn. Những ngày sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ và trao trả tội phạm cho cảnh sát Indonesia.

Bộ Công an sẽ điều tra vụ tàu Sunrise 689 bị cướp - 2

Các thuyền viên trên tàu Sunrise 689

Về vụ việc tàu Sunrise 689, theo kế hoạch của công ty, tàu Sunrise nhận hàng tại cảng Singapore và trả hàng tại cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị). Sáng 3/10, tàu đang hành trình rời Singapore về Việt Nam.

Khi ra khỏi luồng lúc 3h40 cùng ngày, tàu đang hành trình trên hướng 022’, trong lúc đang tránh va với tàu Container Sea Master vượt bên mạn phải thì có 2 tàu cá bên ngoài và 1 ca-nô cướp biển nhanh chóng tiếp cận bên mạn phải và chúng leo lên tàu. Bọn chúng dùng súng, dao tấn công lên buồng lái, khống chế thuyền viên đi ca Lê Văn Trung cùng thủy thủ Phạm Xuân Lộc và tiếp tục xuống khống chế Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cùng những thuyền viên khác.

Sau đó, chúng trói thuyền viên, cưỡng chế tất cả vào trong ca-bin cá nhân của máy trưởng. Ngày đầu, chúng không cho thuyền viên ăn uống. Những ngày tiếp theo, mỗi ngày chúng chỉ cho thuyền viên ăn 1 bữa.

Sau đó, toán cướp biển đã tự điều khiển tàu chạy tới vị trí neo để cướp hàng. Khi chạy tàu, chúng khống chế thuyền viên không cho ra ngoài. Một tàu vỏ sắt chuyên dụng chở dầu cập mạn, tàu cá mang ký hiệu KNF 7858 cập mạn phải. Còn tàu lấy hàng cập bên mạn trái không rõ tên tàu và số hiệu. Đến 2h ngày 6/10, bọn cướp biển lấy xong hàng và chuyển tàu đi chỗ khác. Thuyền trưởng Thắng đã chỉ huy anh em thuyền viên chống đối, quyết liệt buộc bọn cướp rút đi và anh em đã giành lại quyền kiểm soát tàu.

Sau khi xem xét, kiểm tra thì các thuyền viên thấy toàn bộ trang thiết bị hàng hải trên buồng lái bị phá hủy, còn lại duy nhất một la bàn. Đến 2h30 cùng ngày, tàu tiếp tục hành trình về phía Việt Nam theo kinh nghiệm hải hành của thuyền trưởng. Khoảng 5h30, anh em liên lạc được với công ty báo tin tàu bị cướp, có hai người bị thương. Lúc 7h, tàu Sunrise gặp tàu cá. Ngay trong đêm, tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận tàu Sunrise 689 và lai dắt từ khu vực biển Cà Mau về đến phao số 0 thuộc cảng biển Vũng Tàu.

Cũng theo ông Hiểu, đến nay, vùng biển Việt Nam chưa xảy ra hoạt động cướp biển nhưng lực lượng chức năng luôn sẵn sàng đối phó với hành vi nguy hiểm của bọn hải tặc.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cảnh báo các phương tiện qua lại trên vùng biển Việt Nam cần có những thông tin kịp thời để lực lượng chức năng của Biên phòng Việt Nam có những phản ứng nhanh, kịp thời để hỗ trợ cho các phương tiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Mai ([Tên nguồn])
Tàu Sunrise 689 bị cướp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN