Bầu cử TT Mỹ: Đảng Cộng hòa “huynh đệ tương tàn”

Đảng Cộng hòa vẫn đang trong quá trình tìm kiếm ứng cử viên tranh cử Tổng thống với cuộc đấu khốc liệt giữa hai người từng là thầy trò.

Ngày 13/4, trong bối cảnh ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ Hillary Clinton vừa tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, đảng Cộng hòa vẫn đang trong tình trạng “huynh đệ tương tàn” giữa những nhân vật muốn tham gia cuộc đua khốc liệt này.

Từ trước tới nay, nhiều đảng viên Cộng hòa vẫn tin rằng nếu cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống, người bạn-người học trò lâu năm của ông này là Marco Rubio sẽ náu mình và chờ đợi đến lượt.

Bầu cử TT Mỹ: Đảng Cộng hòa “huynh đệ tương tàn” - 1
Ông Marco Rubio (trái) và người thầy lâu năm Jeb Bush trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng

Thế nhưng, niềm tin đó đã bị dội một gáo nước lạnh vào ngày hôm qua, khi ông Rubio chính thức tuyên bố sẽ chạy đua để giành vị trí đề cử chính thức của đảng Cộng hòa tham gia vào cuộc đấu. Với tuyên bố này, ông đã biến mối quan hệ “thầy trò” như trong một nhà giữa mình và Jeb Bush trở thành một cuộc “tương tàn” giữa hai kình địch.

Trong diễn văn tuyên bố tranh cử của mình, ông Rubio nhấn mạnh: “Ở nhiều nước khác, vị trí cao nhất luôn được dành cho những kẻ giàu có và quyền lực. Nhưng tôi sống ở một đất nước phi thường, nơi con trai của một người pha chế rượu và hầu bàn vẫn có thể có những giấc mơ và tương lai y hệt như những người có quyền lực và đặc quyền”.

Trong bài diễn văn đọc trước 1000 người ủng hộ đang hô vang tên mình, ông Rubio không cần phải nêu tên của người thầy Jeb Bush – con trai của một cựu tổng thống và em trai của một tổng thống khác – để làm nổi bật sự tương phản giữa họ.

Bầu cử TT Mỹ: Đảng Cộng hòa “huynh đệ tương tàn” - 2
Ông Rubio nhận thanh kiếm từ ông Bush trong lễ chỉ định Chủ tịch Hạ viện tiếp theo của Mỹ

Ông Rubio giờ đây là một trong số rất ít những đảng viên đảng Cộng hòa có đủ uy tín và khả năng để được đề cử tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống, mặc dù ông chỉ mới 43 tuổi và mới chỉ có 4 năm kinh nghiệm làm Thượng nghị sĩ. Ông Rubio cũng không thể có được khả năng gây quỹ tranh cử lớn, trong khi đây lại là một trong những thế mạnh của ông Bush.

Tuy nhiên Rubio cũng có thế mạnh của riêng mình, đó là câu chuyện đời đầy cảm động của một chàng trai xuất thân nghèo khó vươn lên, là thông điệp đầy lạc quan về một “thế kỷ mới của Mỹ” và một phong thái khiêm nhường dễ dàng kết nối với đông đảo cử tri.

Nhờ những lợi thế đó, Rubio đã nhanh chóng leo cao trong đảng Cộng hòa, được bầu vào Thượng viện năm 2010 và có mối quan hệ rất tốt với các thành viên cấp cao trong đảng.

Bầu cử TT Mỹ: Đảng Cộng hòa “huynh đệ tương tàn” - 3
Ông Rubio là một trong số ít đảng viên Cộng hòa đủ khả năng ra tranh cử Tổng thống

Trong quá trình Rubio vươn lên ở bang Florida, Bush đã đóng vai trò là người bảo trợ, đồng minh quan trọng của ông ta. Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ “thầy trò” đó giờ đây đã chấm dứt, khi cả hai cùng bước vào một cuộc đua quyết liệt vào Nhà Trắng.

Điều giúp ông Rubio tự tin có thể chiến thắng trước cả ông Bush lẫn bà Clinton là sự nhấn mạnh vào thay đổi thế hệ, về sự khác biệt trong nguồn gốc xuất thân giữa ông và những “người giàu quyền lực” như hai đối thủ của mình.

Ông Rubio chế giễu khẩu hiệu tranh cử của bà Clinton: “Mới hôm qua thôi, một lãnh đạo thời xưa đã bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống bằng cách hứa hẹn sẽ đưa chúng ta quay trở về với ngày hôm qua”.

Ông này nhấn mạnh: “Nhiều người nói với tôi rằng tôi nên đứng sang một bên và chờ đến lượt mình. Không, tôi không thể”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN