Báo chí Mỹ dậy sóng vì tiết lộ gây sốc về bin Laden

Nếu thông tin gây sốc của phóng viên Hersh về cái chết của bin Laden là thật, báo chí Mỹ sẽ phải đồng loạt đăng tin đính chính, cải chính.

Ngày 11.5, phóng viên điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh, người đã phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam năm 1968, đã tung ra một “quả bom” khi tuyên bố rằng Mỹ đã “nói dối” về hầu hết những thông tin liên quan đến cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011.

Trong một bài báo hơn 10.000 từ đăng trên tờ London Review of Books, phóng viên từng đoạt giải “Nobel Báo chí” Pulitzer này cho rằng bin Laden đã bị cơ quan an ninh Pakistan cầm tù ở Abbottabad từ năm 2006, và một sĩ quan tình báo của nước này đã “bán đứng” bin Laden cho Mỹ.

Báo chí Mỹ dậy sóng vì tiết lộ gây sốc về bin Laden - 1
Phóng viên kỳ cựu Hersh, người công bố thông tin gây sốc về cái chết của bin Laden

Cũng theo ông Hersh, Mỹ đã thông báo trước cho quân đội và tình báo Pakistan về cuộc đột kích để đảm bảo trực thăng của họ không bị lưới lửa phòng không của Pakistan bắn hạ. Ngoài ra, ông này khẳng định bin Laden đã không hề chống trả khi bị biệt kích SEAL tràn vào và bắn hạ.

Ngay lập tức những tiết lộ của nhà báo Hersh đã thu hút được sự chú ý rất lớn của dư luận, đặc biệt là CIA và Nhà Trắng, những đối tượng bị cho là “dối trá” về cuộc đột kích này.

Nhà Trắng và CIA đã sớm phản pháo bằng cách cho rằng những lời cáo buộc của nhà báo Hersh là “thiếu căn cứ” và “đầy những chi tiết thiếu chính xác”, tuy nhiên họ không đưa ra những chứng cứ cụ thể để bác bỏ các cáo buộc này.

Nhà báo Hersh là người nổi tiếng với những vụ điều tra đình đám của mình, chẳng hạn như vụ thảm sát Mỹ Lai 1968 hay vụ bê bối nhà tù Abu Ghraib năm 2004 khiến quân đội và tình báo Mỹ nhiều phen lao đao. Nếu những tiết lộ trên của ông là thật, nó không chỉ làm bẽ mặt CIA và Nhà Trắng mà còn làm dậy sóng giới báo chí ở Mỹ.

Báo chí Mỹ dậy sóng vì tiết lộ gây sốc về bin Laden - 2
Trùm khủng bố Osama bin Laden

Một lý do đơn giản là nếu thông tin ông Hersh đưa ra là thật, chứng tỏ những câu chuyện mà báo chí Mỹ đưa tin từ trước tới nay về cuộc đột kích này là “giả”, và điều đó sẽ châm ngòi cho một làn sóng cải chính, đính chính thông tin quy mô lớn trên khắp các tờ báo từ nhỏ đến lớn của Mỹ và có thể là trên khắp thế giới.

Các tờ báo lớn của Mỹ đã có những phản ứng đầu tiên đối với lời tuyên bố của phóng viên Hersh. Một số tờ như Wall Street Journal và Vox đã nhanh chóng phản bác những thông tin mà Hersh đưa ra và cho rằng chúng không đáng tin cậy vì được lấy từ những nguồn không rõ danh tính.

Một số tờ báo và trang mạng thì cho rằng câu chuyện mà ông Hersh đưa ra chỉ là sự “xào nấu và phi xác tín”, không thể kiểm chứng được bằng các nguồn tin độc lập.

Ông Peter Bergen, một chuyên gia phân tích của hãng tin CNN thì viết rằng bài báo của Hersh là “một mớ hỗn tạp phi lý được hình thành từ những lời kể nhân chứng, những thực tế gây tranh cãi và nhận thức giản đơn”.

Báo chí Mỹ dậy sóng vì tiết lộ gây sốc về bin Laden - 3
Ngôi nhà nơi bin Laden từng trú ẩn bị phá dỡ

Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post về cách phản ứng sôi sục của báo chí Mỹ, ông Hersh nhún vai: “Tôi chỉ viết những gì tôi viết. Còn việc chạy theo truyền thông thì chẳng khác gì tự thiêu cả”.

Lý giải việc đăng những thông tin gây chấn động của mình trên một tờ Lodon Review of Books, ông Hersh nói: “Tôi thích họ, bởi tôi thấy họ cởi mở hơn về chính trị”.

Theo tờ Washington Post, hầu hết các thông tin mà phóng viên Hersh đưa ra đều lấy từ hai nguồn tin là viên tướng Pakistan về hưu Asad Durrani và một “sĩ quan tình báo cấp cao đã nghỉ hưu”, người được cho là biết nhiều thông tin tình báo về nơi trú ẩn của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan.

Ông Hersh cũng khẳng định rằng viên sĩ quan tình báo nghỉ hưu này là nguồn thông tin chính của ông trong tiết lộ “động trời” trên, đồng thời nhấn mạnh: “Luôn phải có một người nào đó tiết lộ cho bạn những bí mật”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN