Bãi biển thành bãi rác: “Đừng đòi hỏi du khách tự giác”

Dịp nghỉ lễ, các bãi biển miền Bắc biến thành bãi rác, đại điện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng cao trách nhiệm hơn.

Bãi biển thành bãi rác: “Đừng đòi hỏi du khách tự giác” - 1

Hình ảnh rác ngập bãi biển Cồn Vành (Thái Bình) dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 (Ảnh: Linh Phương)

Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, các bãi biển nổi tiếng khu vực phía Bắc như Quất Lâm (Nam Định), Cồn Vành (Thái Bình), Đồ Sơn (Hải Phòng) xuất hiện những hình ảnh khiến nhiều người rùng mình.

Bãi biển giống như một bãi rác, người lớn, trẻ nhỏ chen chân đứng trên rác. Vỏ chai, túi nilon, rác thải sinh hoạt, bèo tây, thùng xốp theo sóng trôi dạt khắp bờ biển.

Trong khi đó, mới đây, TP Vũng Tàu đã có văn bản cấm tất cả các hoạt động kinh doanh ăn uống tại bãi biển. Ngày 4.5, lực lượng chức năng TP Vũng Tàu đã lập biên bản để xử phạt 3 khu du lịch vì đã để du khách ăn nhậu và xả rác ra bãi biển.

Cuối năm 2015, TP Đã Nẵng đã thí điểm xử phạt hành vi xả rác trên bãi biển du lịch.

Xung quanh vấn đề ô nhiễm rác thải bờ biển trong đợt cao điểm du lịch, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thưa ông, ông nghĩ gì khi xem những hình ảnh rác thải phủ kín bãi biển trong dịp nghỉ lễ vừa qua?

Bãi biển đầy rác do một bộ phận du khách thiếu ý thức và do sự quản lý lỏng lẻo. Tôi đang liên hệ lại với các báo đã phản ánh, xem ở những bãi biển đó có thùng rác để du khách bỏ vào chưa.

Nếu không có nên xem xét lại nguyên nhân. Chính quyền địa phương đã quản lý, nhắc nhở như thế nào.

Khi mà những người quản lý còn chưa ý thức được chuyện này, tổ chức thiếu chặt chẽ, đừng đòi hỏi du khách phải tự giác cao độ. Quản lý du lịch đừng mong chờ du khách rủ lòng thương hay để người ta tự giác. Trước hết, phải giáo dục ý thức cho người ta cùng những hành động cụ thể và cả chế tài.

Tuyên truyền một vài câu mà người ta phải nghe theo, chuyện đấy tôi chắc chắn rằng còn lâu mới làm được.

Bãi biển thành bãi rác: “Đừng đòi hỏi du khách tự giác” - 2

"Quản lý du lịch đừng mong chờ du khách rủ lòng thương hay để người ta tự giác", PGS.TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói (Ảnh: Linh Phương)

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch như thế nào? Bộ có những hình thức gì để xử phạt các đơn vị đó, thưa ông?

Trong đợt bình xét cuối năm, Bộ sẽ lấy đó làm cơ sở để đánh giá các đơn vị, tỉnh/thành. Nơi nào quản lý chưa tốt sẽ bị trừ điểm, đánh giá thấp.

Có thể người ngoài cảm thấy chưa đủ sức răn đe. Nhưng tôi thấy việc chấm điểm đánh vào trách nhiệm, uy tín, lòng tự trọng... của người quản lý. Mỗi con người đều cảm thấy bị tổn thương khi bị phê phán chứ không chỉ là chuyện phạt bao nhiêu tiền để làm cho tốt.

Mỗi điểm du lịch, các sở, tỉnh/thành đều mong muốn vị thế của mình được nâng lên. Khi bị chấm điểm thấp, anh hãy coi chừng. Anh đã tự đánh mất mình, không làm tròn trách nhiệm, tự làm xấu hình ảnh bản thân của anh và của địa phương đó.

Hiện nay, đã có quy định xử phạt du khách xả rác thải, gây ô nhiễm môi trường hay chưa, thưa ông?

Hiện tại, chưa có chế tài cụ thể để xử phạt các hành vi đó. Chúng ta không vì hành động gây bức xúc đó mà phạt nặng khi không có quy định. Người ta sai lầm, mình lại phạt không có cơ sở nữa, càng nguy, có thể từ sai lầm này lại chuyển sang sai lầm khác.

Tôi thấy nhiều nơi đã xử lý, buộc người xả rác phải đi dọn rác do mình vứt ra và xung quanh chỗ mình ngồi. Một số hình thức xử phạt rất hay, xử phạt không nhất thiết phải bằng tiền, như ở Đà Nẵng, cảnh sát giao thông yêu cầu người vi phạm viết bản kiểm điểm 30 lần. 

Chế tài tưởng nhẹ nhưng nó hằn sâu vào ý thức của người bị phạt, đem lại hiệu ứng xã hội tốt.

Theo ông, làm thế nào để bãi biển du lịch không biến thành bãi rác sau mỗi kỳ nghỉ lễ?

Giải pháp không có gì khó cả, rất đơn giản. Khi các khu du lịch vào mùa cao điểm, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, phân chia cụ thể bao nhiêu mét, một người chịu trách nhiệm.

Những người được hưởng lợi, kinh doanh ở khu du lịch cần phải đóng góp để phục vụ đội ngũ này làm tốt hơn.

Trách du khách một phần, đối với công tác quản lý nhà nước, chúng tôi trách những người tổ chức ở đó. Có thể họ làm chưa tròn bổn phận của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao giáo dục ý thức cho mọi người.

Bộ, Tổng cục Du lịch từng phát động phong trào bảo vệ môi trường theo hình thức xã hội hóa, tuyên truyền cổ động, cấp thùng rác hoặc kêu gọi xã hội hóa các thùng rác. Việc này không cần đầu tư quá lớn, nếu duy trì được thường xuyên thì vấn nạn xả rác bừa bãi cơ bản sẽ được xử lý.

Một số ý kiến cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục đã được thực hiện từ lâu nhưng không đem lại hiệu quả gì đáng kể. Đã đến lúc cần có những quy định phạt nghiêm khắc hơn như Đà Nẵng, Vũng Tàu đã làm. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Những lời nói để đạt đến được kết quả thì phải kèm theo hành động. Đúng là các từ: nâng cao, tuyên truyền, đẩy mạnh, tăng cường, thúc đẩy… chúng ta nghe thường xuyên rồi mà hiệu quả chưa cao.

Mô hình du lịch của Đà Nẵng, Vũng Tàu tốt nhưng biết đâu có mô hình khác tốt hơn. Và biết đâu sau một thời gian, mô hình đó sẽ bộc lộ một số điểm chưa tốt.

Tôi nghĩ cứ để thời gian kiểm chứng. Nếu cách quản lý đó đạt được mục đích lập lại trật tự xã hội về vệ sinh môi trường tốt thì chúng ta nhân rộng. Đó cũng là căn cứ, cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những văn bản, yêu cầu các tỉnh, các doanh nghiệp cam kết thực hiện.

Ông đánh giá thế nào về đề xuất thành lập cảnh sát du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách, quản lý trật tự tại các khu du lịch?

Một số nước cũng đã thành lập cảnh sát du lịch. Tuy nhiên, ở nước ta, vẫn còn rất nhiều thứ khó khăn.

Hàng loạt các câu hỏi cần trả lời như: Cảnh sát du lịch sẽ do đơn vị nào quản lý? Biên chế bao nhiêu là vừa? Kinh phí ngân sách duy trì? Quyền hạn của họ đến đâu? Hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể. Quy định trình độ của cảnh sát du lịch ra sao? Cảnh sát du lịch liên quan đến yếu tố người nước ngoài, họ có được đào tạo tốt về ngoại ngữ hay không, họ có cần kỹ năng và kiến thức về lịch sử-văn hóa dân tộc để khi cần có thể giải thích cho du khách?

Như vậy, để thành lập cảnh sát du lịch có một chuỗi các công việc, vấn đề liên quan cần giải quyết. Không đơn giản là ý muốn hay câu chuyện phòng, chống cướp giật, móc túi du khách. Nếu hiện tượng đó xảy ra thì người dân, cảnh sát khu vực, dân phòng… đều có thể tham gia truy đuổi cướp.

Còn việc giữ trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường khu du lịch trong những đợt cao điểm, các Sở quản lý về Văn hóa, quản lý về Du lịch ở đâu? Vai trò chính quyền địa phương ở đâu?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN