Nhói lòng cảnh bà cháu côi cút trên đồi

Bà Ngẫm và đứa cháu ngoại côi cút sống trên đồi, niềm hi vọng tìm được cô con gái duy nhất dường như đã vụt tắt. Đôi mắt bà lòa đi theo năm tháng, đôi chân tàn tật của bà vẫn phải lê lết kiếm miếng ăn, nuôi đứa cháu 6 tuổi từ khi còn bú mớm.

Cuộc đời bà là chuỗi ngày cơ cực không bao giờ dứt, nước mắt bà rơi cạn khi cảnh mái đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Con người khốn khổ ấy là bà Nguyễn Thị Ngẫm, ở thôn Vườn, xã Cương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang.

Hai đời chồng...

Căn nhà mái ngói nằm lọt thỏm trong vườn vải thiều ùm tùm những cây dại. Cậu bé Sơn cháu bà Ngẫm, đứng bên bụi hàng rào, bất chợt nhìn thấy người lạ liền chạy vào nhà mất dạng.

Mời chúng tôi vào nhà, bà lê cái chân gãy đi lấy chiếc ghế mới nhất trong nhà ra mời khách. Đó là chiếc ghế mới được xếp ngay ngắn bên cửa sổ để dành cho Sơn học chữ.

Nhói lòng cảnh bà cháu côi cút trên đồi - 1

Bà Ngẫm sống cùng cháu trong căn nhà cũ nát

Rót nước mời khách, bà kể về cuộc đời mình. Là con cả của bà hai, nên mọi việc lớn nhỏ đều đổ lên vai bà. Nhà đông con mới 12 tuổi bà đã đi lấy chồng với cái “duyên tiền định” do bố bà đính ước.

Bà kể: “Bố tôi đi bộ đội, ông tận mắt chứng kiến quân địch cắt cổ một đôi vợ chồng. Đứa con trai ngồi bên xác bố mẹ khóc gào thảm thiết. Nhìn tội quá, người đồng đội của ông bế nó về nhà nuôi. Rồi hai người hẹn ước, hai ông sẽ làm thông gia của nhau”.

Sống với nhau chưa được mụn con nào, hai người lục đục ra tòa li dị. Bà thở dài: “Nào đâu có yêu thương gì nhau, lại trẻ ranh chẳng biết gì, tôi 12 tuổi, ông ấy mới có 11, về nhà chồng chỉ biết lo xay thóc, cấy lúa. Chẳng hợp nhau, suốt ngày cãi vã. Bỏ chồng, tôi về quê chèo đò ở bến thôn Vườn, đêm đêm giúp bộ đội chở gạo, vũ khí qua sông. Tôi nghĩ là sẽ không lấy một ai nữa".

17 tuổi, bố bà lại mai mối cho một anh chàng vợ vừa mới mất có đến 3 đứa con riêng. Chẳng cưới xin, 2 người về ở với nhau trong túp lều nhỏ góc vườn vải nhà bà.

Bà rưng rưng nhớ lại: “Bố tôi ưng cái mắt vì chồng tôi khéo tay lại khéo ăn nói. Hàng ngày ông đi câu cá trên sông, được con nào, ông đem nướng cho bọn trẻ ăn. Thằng út Đỗ Đình Vụ mới được 2 tuổi ngồi lọt thỏm trong lòng ông ngoại “hờ”. Con Đỗ Thị Bé 11 tuổi bám một bên đùi, thằng anh lớn Đỗ Đình Nhiệm 13 tuổi ôm một bên. Ông đút cho ba đứa cháu ăn, chăm chúng như chăm cháu ruột mình. Thế là tôi chấp nhận có thêm một ông chồng với 3 đứa con chỉ sau một cái gật đầu”.

Nhói lòng cảnh bà cháu côi cút trên đồi - 2

Hai đời chồng nhưng bà vẫn sống côi cút, không ai chăm sóc

Chồng bà làm nghề thợ may rất khéo tay nhưng chưa bao giờ ông ra đồng cầm cái cuốc. Mọi việc đồng áng, việc nhà một thân bà lo liệu, nuôi 3 đứa con chồng và 5 đứa con chung.

Câu hát “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, chiêm nghiệm với cuộc đời bà nó lại hoàn toàn sai.

Vẫn côi cút một đời

Cuộc sống bên nhau vui vẻ cũng chẳng được lâu, những đứa con bà sinh ra cứ lần lượt bỏ bà mà đi. Đứa đầu tiên lên 3 tuổi mắc bệnh bạch hầu mà chết, đứa thứ hai mới được 12 tháng thì lên cơn sài giật cũng đi theo anh. Nhưng cảnh đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh vẫn chưa dứt, người con gái thứ 5, Đỗ Thị Ngọc của bà lại bất ngờ lên cơn điên dại.

Năm 17 tuổi, Ngọc theo anh trai lên lên Lạng Sơn buôn bán, khi quay trở về,  Ngọc lên cơn bạo bệnh rồi thần kinh cứ ngẩn ngơ. Mỗi khi lên cơn là chị tồng ngồng chạy ra đường, la hét. 20 năm, vợ chồng bà thăm nom con trong viện tâm thần. Rồi đến năm 2001, chồng bà Ngẫm đổ bệnh, nằm liệt giường gần 8 năm mới ra đi.

Những đứa con đã lập gia thất và đi làm ăn xa, chẳng đứa nào quan tâm đến bà. Ông nằm liệt, người con gái tâm thần chẳng ai chăm sóc. Bà ngậm ngùi đón Ngọc về bên mảnh vườn vải để chăm nom.

Chị tâm thần, bố bạo bệnh, cô con gái út Đỗ Thị Ngà, của bà cũng bỏ đi biệt xứ. Khi trở về thân tàn ma dại với căn bệnh thế kỉ HIV, vật vã trong chiếc buồng nhỏ bên hông nhà rồi cũng chết.

Nhói lòng cảnh bà cháu côi cút trên đồi - 3

Vào lớp 1, Sơn được các bạn hàng xóm chở đi học

Đau đớn không ngờ, những ngày lang thang đầu đường xó chợ, cái bụng chị Ngọc to lên từ lúc nào. Thằng Sơn cũng được mẹ Ngọc đẻ rơi bên gốc vải.

Sơn còn đỏ hỏn luôn kêu khóc vì đói sữa thì chị Ngọc lại lên cơn và bỏ nhà đi biệt tích. Trong căn nhà mái ngói đã chóc hết vôi vữa, bà Ngẫm chăm nom đứa cháu suốt 6 năm trời vẫn không thấy tung tích mẹ nó.

Hai bà cháu sống côi cút trong mảnh vườn vải rộng mênh mông, Sơn đi học bà Ngẫm lại lọ mọ một mình ra vườn nhổ cỏ, vơ lá. Chiếc bếp tận góc vườn được xếp bằng gạch tạm bợ mới bị đổ ụp, bà lại chuyển xoong nồi vào trong gian buồng trước đây mẹ Sơn ở. Bà Ngẫm than thở: “Ruộng nương tôi cho hết rồi, người ta trả cho ít thóc nào thì ăn ít đấy, có khi thì chẳng có, bếp sập, đun trong nhà cứ đen hết đồ đạc, nhưng cũng đành chịu. Già cả chẳng có tiền mà sửa sang cái gì”.

Hiện nay, mỗi tháng hai bà cháu Sơn nhận trợ cấp hộ nghèo được 180 nghìn. Bà bảo, có tiền tích cóp mua gạo ăn, rau dại đầy vườn, tôi còn khỏe thì trồng được ít rau, ít củ. Năm học mới, thằng Sơn có áo trắng mặc đến trường, một bộ bàn ghế mới do các cô hảo tâm ở xã xuống tặng.

Tiếng trẻ con tíu tít đầu ngõ, bà Ngẫm lật đật đi kiếm cái mũ đội lên đầu đứa cháu. Sơn vội chào bà đi học. Chị hàng xóm đèo Sơn khuất xa, bà Ngẫm thở dài: "Đến khi tôi chết đi, thằng bé biết nương tựa vào ai".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN