“Vua tăng” Type 99 Trung Quốc đả bại xe tăng Nga, Mỹ?

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 Trung Quốc sở hữu tính năng vượt trội, khả năng vận hành linh hoạt được cho là mạnh mẽ hơn T-90 Nga và chỉ yếu hơn xe tăng Mỹ ở hỏa lực.

“Vua tăng” Type 99 Trung Quốc đả bại xe tăng Nga, Mỹ? - 1

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 của Trung Quốc.

Mẫu xe tăng mới nhất Type 99 của Trung Quốc được giới quan sát quốc tế đánh giá cao dù chưa từng được xuất khẩu hay tham gia thực chiến. Sở dĩ như vậy vì theo số liệu công bố, xe tăng Trung Quốc sản xuất tiêu chuẩn ngang với châu Âu và có những đặc tính nổi bật, độc đáo hơn.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định trên National Interest, khả năng xe tăng Type 99 Trung Quốc đối đầu với xe tăng M1 Abrams Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi Đài Loan đã bày tỏ quan tâm đến mẫu M1 Abrams còn Australia sở hữu 60 xe tăng loại này.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian siêu tăng T-14 Armata chưa sản xuất đại trà, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 Nga vẫn được xem là đối thủ ngang tầm với xe tăng Trung Quốc.

Hỏa lực

Xe tăng Type 99 sử dụng pháo nòng trơn 125 mm, tương tự như T-90 Nga. Mẫu pháo này không mạnh mẽ so với phiên bản gắn trên chiếc Abrams. Loại đạn cải tiến mới tăng cường khả năng xuyên giáp khi chiến đấu ở cự ly gần.

Phiên bản Type 99A2 được trang bị pháo nòng dài hơn, trên lý thuyết giúp viên đạn bắn ra đạt vận tốc lớn hơn, tăng khả năng chính xác và công phá. Trung Quốc cố gắng gắn pháo 140 mm lên chiếc Type 99 nhưng không thành công.

Lợi thế của xe tăng Mỹ là đạn chứa uranium nghèo cỡ 120 mm M829, tăng khả năng xuyên giáp từ 15-25%. Washington cũng nghiên cứu thế hệ đạn pháo mới cho xe tăng, với khả năng xuyên phá giáp phản ứng nổ Kontakt và Relikt của Nga.

Trung Quốc cũng phát triển loại đạn uranium nghèo riêng với khả năng xuyên giáp M1 Abrams ở khoảng cách 1,4 km.

Cả hai mẫu Type 99 và T-90 đều có thể phóng tên lửa chống tăng từ ống phóng thiết kế riêng trong khi xe tăng Mỹ không được trang bị tính năng này. Nhờ vậy, xe tăng có thể chống lại các mục tiêu ngoài tầm bắn hoặc trực thăng tầm thấp.

“Vua tăng” Type 99 Trung Quốc đả bại xe tăng Nga, Mỹ? - 2

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ.

Cảm biến để phát hiện và ngắm bắn mục tiêu là yếu tốt then chốt trong các cuộc đấu xe tăng. Về điểm này, mẫu T-90 Nga được cho là chưa thể sánh bằng với xe tăng phương Tây. Xe tăng Trung Quốc nổi tiếng với thiết bị điện tử, có khả năng theo dõi bằng hồng ngoại để săn xe tăng địch một cách hiệu quả.

Khả năng phòng vệ

Chiếc Type 99 thừa hưởng thiết kế giáp composite dày, thậm chí là vượt trội hơn Mỹ và giáp phản ứng nổ (ERA) của Nga. Nhờ vậy mà xe tăng có thể chủ động kích nổ tên lửa, đạn pháo trước khi chúng xuyên qua lớp giáp phòng vệ cuối cùng.

Xe tăng Trung Quốc cũng có năng lực thu nhận cảnh báo bằng laser, giúp kíp lái nhận biết nếu xe tăng bị đối phương ngắm bắn. Nhờ vậy mà kíp lái có thời gian kịp thời đổi hướng, tránh nguy hiểm.

Bên cạnh đó, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Trung Quốc còn được trang bị hệ thống laser công suất lớn, có khả năng gây nhiễu hệ thống ngắm bắn bằng laser hay hồng ngoại, thậm chí là làm mù vĩnh viễn xạ thủ đối phương. Tính năng này cho đến nay chưa từng được trải qua thực chiến.

Phiên bản nâng cấp Type 99A2 được trang bị thêm khả năng phân biệt “địch-ta” và gửi dữ liệu mã hóa.

Trong khi đó, khả năng phòng thủ xe tăng T-90 Nga dựa trên “mắt thần” Shtora, không chỉ gây nhiễu hệ thống laser đối phương mà còn có thể phóng ra lựu đạn khói, giúp bảo vệ xe tăng khỏi tầm ngắm.

“Vua tăng” Type 99 Trung Quốc đả bại xe tăng Nga, Mỹ? - 3

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga.

Xe tăng Mỹ không được trang bị khả năng phòng vệ chủ động như phiên bản của Nga và Trung Quốc. M1A2 Abrams chỉ dựa vào phần giáp composite dày. Kho đạn thiết kế riêng cũng giúp cho xe tăng ít phát nổ khi bị đối phương bắn trúng.

Khả năng vận hành

Type 99 có thể đạt vận tốc tối đa tới 80 km/giờ trong khi hai mẫu xe tăng Nga, Mỹ lần lượt chỉ đạt 72 km/giờ và 67 km/giờ. Xe tăng Mỹ quá cồng kềnh và nặng nề nên khó vận chuyển cũng như chuẩn bị cho tác chiến.

M1 Abrams chỉ có thể di chuyển quãng đường 386 km trước khi cần phải nạp nhiên liệu còn xe tăng Type 99 và T-90 có thể vượt qua mức 480 km.

Type 99 cũng có hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật số, tương tự như phiên bản nâng cấp mới nhất trên M1 Abrams.

Chuyên gia Sebastien Roblin kết luận, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Mỹ chiếm ưu thế về hỏa lực trong khi Type 99 Trung Quốc được trang bị giáp phòng vệ và khả năng di chuyển vượt trội.

T-90 Nga trở nên yếu thế hơn nhưng vẫn là mẫu xe tăng tin cậy nhờ “mắt thần” Shrota. Trong tương lai, T-14 Armata sẽ là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới của Nga.

Ông Roblin lưu ý, các hệ thống tác chiến của Type 99 chưa từng được xuất khẩu hay thực chiến. Do đó, năng lực thực sự của xe tăng chiến đấu chủ lực Trung Quốc vẫn là ẩn số.

Dù vậy, Type 99 ra đời phù hợp với yêu cầu cắt giảm số lượng nhưng tăng chất lượng trong quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN