Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga

Những tay súng mang theo nhiều vũ khí và chúng đặt lượng thuốc nổ lớn ngay trung tâm thính phòng khiến lực lượng an ninh Nga khó tước vũ khí của chúng mà không làm hại hàng trăm người vô tội trong tòa nhà

Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga - 1

Những kẻ khủng bố khống chế gần 1.000 con tin trong rạp hát Dubrovka, Moscow

Thế giới ngày càng bất ổn với những vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở nhiều nơi. Qua loạt bài này, mời bạn đọc cùng nhìn lại những vụ bắt cóc con tin lớn nhất thế giới, và cách các nước xử lý những vụ khủng hoảng như vậy.

Thời gian vẫn chưa thể làm nguôi ngoai nỗi đau của ông Dmitry Milovidov trước cái chết của cô con gái 14 tuổi Nina trong vụ bắt cóc gần 1.000 con tin ở rạp hát Moscow. Cuộc vây ráp căng thẳng suốt 3 ngày kết thúc bằng việc gần 1.000 con tin và những kẻ bắt cóc đều bất tỉnh, sau đó hàng trăm nạn nhân thiệt mạng vì một loại khí bí ẩn.

Ông Milovidov vẫn phải cố nén xúc động khi nhớ lại lần Nina bị khống chế suốt 57 giờ đồng hồ trong tay nhóm nổi dậy Chechnya và cuộc giải cứu của quân chính phủ Nga khiến cô bé mất mạng vào ngày 26.10.2002.

Cũng giống như 130 con tin thiệt mạng trong vụ vây ráp, Nina chết vì loại khí mà quân Nga bơm vào rạp Dubrovka để hạ gục những kẻ bắt cóc. Loại khí đó tác động vào hệ hô hấp của Nina khiến cô bé không thể thở được.

Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga - 2

Lính đặc nhiệm chuẩn bị xông vào Nhà hát Dubrovka

Ông Milovidov không đến rạp trong cái đêm định mệnh đó. 40 tay súng do lãnh chúa Movsar Barayev cầm đầu đã ập vào sân khấu đang diễn vở Nord-Ost rồi khống chế 912 khán giả và diễn viên. Barayev tuyên bố trước các con tin, nếu quân đội Nga không rút khỏi Chechnya, rạp hát sẽ bị nổ tung.

Nina đi xem buổi biểu diễn cùng em gái 12 tuổi Yelena. Khi các tay súng đồng ý thả trẻ em, phụ nữ có thai, người Hồi giáo và người nước ngoài, Nina đã xin cho hai chị em được ra. Nhưng chỉ em gái Yelena được tha.

“Nina ở trong hội trường đó...vĩnh viễn”, ông Milovidov nhớ lại.

Giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000, Nga tiến hành hai cuộc chiến tại nước cộng hòa Chechnya đòi ly khai. Vào thời gian đó, đa số những vụ tấn công vào Nga để trả đũa đều xảy ra ở các thành phố miền nam vì khu vực này gần Bắc Caucasus.

Moscow trước đó từng hứng chịu hành động khủng bố với vụ đánh bom trong một căn hộ năm 1999 khiến 233 người thiệt mạng, hay vụ đánh bom chết người trong đường hầm dưới quảng trường Pushkin năm 2000. Nhưng thủ đô của Nga chưa từng chứng kiến vụ khống chế con tin nào khủng khiếp như ở rạp Dubrovka.

Những tay súng mang theo nhiều vũ khí và chúng đặt lượng thuốc nổ lớn ngay trung tâm thính phòng khiến lực lượng an ninh Nga khó tước vũ khí của chúng mà không làm hại hàng trăm người vô tội trong tòa nhà.

Một số khán giả được phép dùng điện thoại di động gọi về gia đình để thông báo rằng những kẻ khủng bố sẽ hành quyết 10 con tin nếu mỗi một tên khủng bố bị chết hoặc bị thương.

Bước sang ngày thứ 3, lực lượng Nga bơm loại khí gây choáng vào hệ thống thông gió của rạp hát, khiến cả những tên khủng bố và các nạn nhân bất tỉnh.

Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga - 3

Lực lượng an ninh chuyển các con tin ra ngoài rạp hát

Khí gas đã phát huy tác dụng. Quân Nga ập vào rạp hát, bắn chết những kẻ khủng bố và chuyển những con tin bất tỉnh ra ngoài. Lực lượng y tế không được báo trước về vụ việc. Cảnh sát không phong tỏa các con phố gần đó, nên đường bị kẹt và 1 giờ 30 phút sau đội xe cứu thương mới có mặt ở hiện trường.

Không phải các nhân viên y tế mà cảnh sát là những người chuyển con tin ra ngoài và bị đặt la liệt khiến đội ngũ y tế không giám sát được ai đã được điều trị và ai chưa. 8 giờ đồng hồ sau đó, giới chức mới thừa nhận việc sử dụng khí gas, nhưng họ không cho biết đã dùng loại khí gì, khiến các bác sĩ không biết điều trị cho bệnh nhân như thế nào.

Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga - 4

Nhiều người bị bất tỉnh nằm trên mặt đất

Giám đốc y tế Moscow và Tổng thống Nga khẳng định loại khí này không gây chết người, nhưng tên và công thức hóa học của nó không được tiết lộ. Nhưng 130 con tin thiệt mạng rõ ràng do ảnh hưởng của khí gas. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là loại khí gốc fentanyl – một hợp chất giống thuốc phiện nhưng có thể độc hơn mooc-phin (morphine) hàng trăm lần.

Loại khí này gây chết người giống như dùng heroin quá liều, nhưng các triệu chứng có thể bị đảo ngược bằng naloxone. Nhiều chuyên gia nói rằng vụ việc đã được giải quyết theo cách chuyên nghiệp, nhưng có vẻ mạng sống của những người này đã phải hy sinh để bảo đảm bí mật tuyệt đối.

Gia đình của các nạn nhân cho rằng thân nhân của họ chết vì không được cứu chữa. Họ cũng cho rằng chính phủ Nga đã che giấu vai trò của mình trong vụ việc. 10 năm sau, cuộc điều tra về cái chết của 130 nạn nhân vẫn chưa hoàn tất, và những người được giao nhiệm vụ điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận sơ bộ. Trước cơn giận giữ của những người sống sót và thân nhân những người thiệt mạng, chính quyền vẫn từ chối công bố thành phần khí gas.

Vào thời điểm đó, chính quyền nói rằng không có trẻ em nào thiệt mạng trong vụ vây ráp. Nhưng gia đình của những người xấu số cho biết có đến 10 trẻ em thiệt mạng và 69 trẻ khác mất ít nhất bố hoặc mẹ trong thảm họa này. Chính quyền lúc đầu ca ngợi chiến dịch thành công. Phó giám đốc Cơ quan an ninh liên bang, ông Vladimir Pronichev – người đã chỉ huy chiến dịch – còn được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Nga.

Nhưng sau đó những chi tiết đau lòng bắt đầu xuất hiện. Những đoạn phim ghi lại cảnh các nạn nhân bất tỉnh bị lôi ra khỏi rạp hát và chất lên xe buýt. Rất ít bác sĩ đến hiện trường, họ còn không biết chữa cách nào cho nạn nhân vì tên loại khí không được tiết lộ. Rất nhiều con tin bị nôn mửa hay thậm chí chết ngạt trong những chiếc xe buýt chật chội.

Vụ bắt giữ gần 1.000 con tin bi thảm ở rạp hát Nga - 5

Năm 2003, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa ở nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng ở nhà hát Dubrovka

Nhiều người dân không hài lòng khi vụ việc sau đó không được điều tra công khai. Một nhóm thân nhân những người thiệt mạng đã kiện chính phủ để đòi điều tra công khai và giải mật các thông tin liên quan. Nhưng vào tháng 1/2003, tòa án Tverskoy tại Moscow đã bác bỏ đơn kiện.

Nhóm nổi dậy Chechnya mang đến Moscow hơn 100kg thuốc nổ, khoảng 100 lựu đạn cầm tay, 3 quả bom lớn, 18 khẩu súng trường Kalashnikov và 20 súng lục. Giới báo chí, các nhà hoạt động và người dân băn khoăn vì sao chúng có thể làm được như vậy. Một số người đoán rằng chúng đã hối lộ cảnh sát tại các trạm kiểm soát để được cho qua.

Đón đọc bài tiếp theo vào 19h ngày 9.9: Nỗi xấu hổ của biệt kích Mỹ trong vụ khủng hoảng con tin Iran

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh (theo (BBC, The Moscow Times) ([Tên nguồn])
Những vụ bắt cóc con tin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN