Viên kim cương "niềm tự hào nước Thổ" giá 3 cái thìa

Spoonmaker, viên kim cương được coi là niềm tự hào của nước Thổ, từng được định giá ngang với… 3 cái thìa. Dù vậy, Spoonmaker gắn với những câu chuyện ly kỳ như chuyện tình của mẹ Napoleon.

Viên kim cương nặng 86 cara này tỏa ra ánh sáng như mặt trăng đêm rằm. Theo truyền thuyết, một người đánh cá ở Istanbul đang lang thang trên bãi biển thì bắt gặp một hòn đá sáng lấp lánh. Anh nhặt nó lên, ngắm nghía mà không biết đó là cái gì. 

Viên kim cương "niềm tự hào nước Thổ" giá 3 cái thìa - 1

Spoonmaker là một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới

Sau vài ngày để nó trong túi, anh dừng lại trước một khu chợ chuyên về đồ trang sức, đưa cho người bán hàng đầu tiên anh gặp. Người bán hàng xem xét viên đá với một vẻ không mấy hứng thú, rồi bảo anh đó chỉ là một mảnh thủy tinh. Nếu muốn anh có thể đổi lấy 3 chiếc thìa, coi như cũng bõ công anh mang nó đến đây.

Không biết làm gì với một mảnh thủy tinh, chàng ngư dân đành chấp nhận lấy 3 chiếc thìa. Đó là nguyên nhân viên kim cương vô giá được gọi tên Spoonmaker’s Diamond, nghĩa là “Kim cương của người làm thìa”.

Cũng có những dị bản khác về nguồn gốc cái tên Spoonmaker. Có chuyện cho rằng nó vốn thuộc về một người làm thìa. Những người khác bảo người ta gọi như vậy vì nó có hình giống phần dưới của cái thìa.

Viên kim cương này từng thuộc về Ali Pasha xứ Tepelena, nhà cai trị một phần đế chế Ottoman nổi tiếng cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, nay là phần đất thuộc Albania và Hi Lạp. Nó từng được người thiếp yêu của Ali Pasha luôn đeo bên mình. Sau khi ông bị hành quyết, vua nước Thổ đã tịch thu viên đá quý.

Một dị bản khác được biết đến rộng rãi liên quan đến bà Letizia Ramolino, mẹ của Napoleon và Thuyền trưởng Camus. Trong trận chiến năm 1798, một đội quân của Napoleon bị 7000 lính Thổ - Albanian áp đảo. Trong số những người bị bắt làm tù binh có Thuyền trưởng Camus, tình nhân của mẹ Napoleon.

Bà lập tức liên hệ với Vua Selim III của Thổ Nhĩ Kì, gửi tới ông một viên kim cương rất lớn để chuộc lại người tình. Thuyền trưởng và những người lính Pháp được thả, trong khi viên kim cương Spoonmaker ở lại với các đời vua Thổ sau này.

Viên kim cương "niềm tự hào nước Thổ" giá 3 cái thìa - 2

Spoonmaker từng thuộc về Nhà cai trị Ali Pasha  xứ Tepelena

Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử rõ ràng để có thể khẳng định chắc chắn mối quan hệ tình cảm giữa Thuyền trưởng Camus và bà Letizia hay liệu bà có thực sự đã gửi viên kim cương đến Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Có chuyện nói rằng Thuyền trưởng Camus hồi đó đã 47 tuổi, không phù hợp với bà Letizia khi đó đã 48 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, Thuyền trưởng Camus mới 27 tuối vào năm 1798.

Nhưng cần nhấn mạnh rằng vào thời gian đó, bà Letizia vẫn chưa phải mẹ của hoàng đế mà chỉ là mẹ của một vị tướng trẻ đang nổi lên trong Cách mạng Pháp, nên khó có khả năng bà có đủ quyền trong tay để gửi viên kim cương đến Thổ Nhĩ Kỳ như câu chuyện kể trên.

Người ta tin rằng viên kim cương này mang đến bất hạnh cho người sở hữu. Điều này trùng hợp với kết cục bi đát của những người từng là chủ nhân của nó, dù rằng yếu tố lịch sử mới thực sự là yếu tố đóng vai trò quyết định. Vua Selim III là một nhà cải cách lớn, nhưng cuối đời ông bị lật đổ và cầm tù, rồi bị ám sát. Chủ nhân khác của viên đá là Ali Pasha cũng bị giết vào năm 1822 dưới thời Vua Mahmud II.

Là niềm tự hào lớn nhất trong di sản của hoàng gia, kim cương Spoonmaker nay đang được trưng bày trong điều kiện bảo đảm an ninh nghiêm ngặt tại Bảo tàng Cung điện Topkapi ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

_____________

Đón đọc bài tiếp theo vào sáng 19.2: “Đại dương ánh sáng” và lịch sử đẫm máu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN