Vì sao trừng phạt "không tác dụng gì với Triều Tiên"?

Mặc cấm vận, ai có tiền vẫn dễ dàng uống rượu cô nhắc Remy Martin giá đến 600USD ở Bình Nhưỡng, mua mỹ phẩm của những thương hiệu hàng đầu Nhật Bản, mặc quần áo mốt mới nhất ở Seoul.

Vì sao trừng phạt "không tác dụng gì với Triều Tiên"? - 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18.2 ký thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên

Triều Tiên là một trong số ít quốc gia phải hứng chịu các lệnh trừng phạt dai dẳng. Mới đây, Tổng thống Mỹ đã ký thông qua sắc lệnh trừng phạt mới, Hàn Quốc đã đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang thảo luận biện pháp trừng phạt gia tăng trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch và phóng tên lửa tầm xa.

Tuy vậy, cuộc sống ở quốc gia này vẫn tiếp diễn như thường.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên tuần trước viết: “Các lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng gì đối với Triều Tiên, vốn đã trải qua tất cả các loại trừng phạt và phong tỏa. Dù cho lệnh cấm vận và các mối đe dọa từ kẻ thù đang không ngừng tăng lên, thì nền tảng của nền kinh tế trên tư tưởng Juche (dựa trên các điểm chính là tự cung tự cấp) vẫn tiếp tục được củng cố, và hệ thống phòng thủ hạt nhân để bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn được phát triển từng ngày.”

Vì sao trừng phạt "không tác dụng gì với Triều Tiên"? - 2

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 7.2

Trên thực tế, những lệnh trừng phạt trước đây đối với chương trình hạt nhân đã khiến nước này gặp nhiều khó khăn.

Mất điện diễn ra thường xuyên, một phần do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, một phần do cách Triều Tiên phân bổ nguồn tài nguyên khan hiếm của mình.

Với hầu hết các nhà đầu tư, các ngân hàng và thậm chí là các tổ chức viện trợ quốc tế, Triều Tiên giống như là khắc tinh của họ. Nhiều trường hợp khi các tổ chức này muốn đầu tư hay can thiệp vào Triều Tiên đều bị coi là phạm pháp. Thậm chí ngay cả khi họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì hình ảnh của họ cũng bị hủy hoại khi có dính líu tới yếu tố Triều Tiên.

Tuy nhiên, những người dân ở đây dường như không mấy quan tâm đến các lệnh trừng phạt, có thể là vì một số người vẫn có được thứ họ muốn.

Ví dụ, các lệnh trừng phạt được cho là sẽ cấm các hàng hóa xa xỉ đến Triều Tiên được áp đặt hàng năm trời nay. Ấy vậy mà ai có tiền vẫn dễ dàng tìm được một chai cô nhắc Remy Martin giá đến 600USD ở Bình Nhưỡng, hay mua được một giỏ quà mỹ phẩm của những thương hiệu hàng đầu Nhật Bản.

Giới trẻ ở Bình Nhưỡng cũng không bỏ qua các mốt thời trang ở Seoul. Các cửa hàng gia dụng tại Bình Nhưỡng luôn chất đầy hàng hóa với các gian hàng thực phẩm bán trái cây, rau củ, thịt tươi. Những cửa hàng đường phố bán đủ mọi thứ từ táo đến bim bim và bánh trái từ Việt Nam.

Ở miền quê cuộc sống có khó khăn hơn. Ngay cả ở thủ đô Bình Nhưỡng thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng rất rõ rệt. Cách không xa những cửa hàng sang trọng kia là hàng đoàn người xếp hàng chờ xe điện, hay chờ mua thực phẩm giảm giá. Các nhà tắm công cộng rất phổ biến bởi chỉ ở đây người dân mới chắc chắn có được nước nóng.

Vậy tại sao Triều Tiên vẫn bình thản các lệnh trừng phạt?

Theo Jonathan Pollack, chuyên gia cấp cao từ Viện nghiên cứu Brookings (Washington, Mỹ), kinh tế Triều Tiên vẫn kết nối với nền kinh tế thế giới thông qua Trung Quốc. Chính điều này đã giúp Triều Tiên có được nguồn tiền để phát triển các chương trình hạt nhân, tên lửa và không gian và duy trì quyền lực tuyệt đối của gia tộc Kim Jong Un.

Vì sao trừng phạt "không tác dụng gì với Triều Tiên"? - 3

Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn hội kiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng

Ông Pollack cho biết thêm rằng mặc dù sự kết nối này không đủ mạnh để thay đổi nền kinh tế Triều Tiên, nó vẫn giúp nước này tồn tại và giúp lãnh đạo cấp cao củng cố quyền lực.

“Do vậy Trung Quốc đóng vai trò then chốt cho bất cứ thay đổi đáng kể nào trong thái độ của Triều Tiên,” ông Pollack nhận định.

Trung Quốc bày tỏ tức giận trước các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song vẫn ngần ngại đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc để phát triển, mà thực tế bản thân Triều Tiên cũng đang thay đổi từ dưới lên, mặc cho những biện pháp kiểm soát từ chính phủ áp xuống.

Người dân Triều Tiên vốn không được tự do ngôn luận hay hội họp. Điều này đã diễn ra từ rất lâu và khó có thể thay đổi.

Tuy nhiên tại thời điểm này, các hoạt động kinh doanh theo hướng tư bản đã bắt đầu phát triển, cụ thể là ở Bình Nhưỡng. Mặc dù không chính thức nhưng những doanh nhân này đã thay đổi nền kinh tế vốn có chuyển sang hình thái cung-cầu tư bản. Chính phủ hoặc là làm ngơ, hoặc là ủng hộ phần nào, đổi lại nhà nước sẽ hưởng một phần lợi nhuận.

Giới lãnh đạo Triều Tiên đang phải đối mặt với một vấn đề khó giải quyết hơn cả bất cứ vấn đề bên ngoài nào. Mặc dù sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế thị trường tự do đe dọa đến vị thế của giới lãnh đạo, song họ cũng hiểu được rằng phải giải quyết các vấn đề kinh tế, nhằm thu hẹp khoảng cách với Hàn Quốc và Trung Quốc.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vừa quyết định triệu tập Đại hội đảng vào tháng 5 tới, và nhiều chuyên gia cho rằng đó sẽ là dịp các lãnh đạo thông báo những chính sách kinh tế mới quan trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Hoàng Long - ABC News ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN