Triều Tiên làm gì "bịt mắt" Mỹ trước khi phóng tên lửa cực mạnh?

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mạnh nhất từ trước đến nay được coi là lời thách thức mạnh mẽ trước lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới chuyên gia nhận định.

Triều Tiên làm gì "bịt mắt" Mỹ trước khi phóng tên lửa cực mạnh? - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên.

Theo New York Times, Triều Tiên sáng sớm ngày 29.11 đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. Đây được coi là vụ phóng tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm.

Giới quan sát nhận định động thái trên được cho là nhằm phản ứng trước những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và đáp trả quyết định của ông Trump khi đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

"Thật sự ấn tượng", ông David Wright, chuyên gia về tên lửa Triều Tiên nói. “Bình Nhưỡng đang phô diễn uy lực, cho người Mỹ thấy rằng họ vẫn đạt được những bước tiến nhất định".

Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington cho rằng, lần phóng tên lửa này là vụ thử ICBM "mạnh mẽ nhất" của Triều Tiên. Vụ phóng ngày 29.11 đưa tên lửa bay cao kỷ lục 4.500km, xa 950km, rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

Giới phân tích nhận định, vụ phóng mới nhất diễn ra bất ngờ trong đêm, không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về việc Triều Tiên đang dần hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ.

Triều Tiên làm gì "bịt mắt" Mỹ trước khi phóng tên lửa cực mạnh? - 2

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân và chế tạo tên lửa đạn đạo.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh tại các bãi thử của Triều Tiên trước đó không cho thấy bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào.

Rodger Baker, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn tình báo Stratfor nhận định, Triều Tiên trong quá khứ thường chuẩn bị phóng tên lửa trong nhiều ngày. Quá trình đưa tên lửa tới bãi thử, nạp nhiên liệu dễ dàng bị tình báo Mỹ và đồng minh phát hiện.

Hiện tại, Bình Nhưỡng đã nạp nhiên liệu cho tên lửa theo chiều ngang, trước khi nó được đưa lên bệ phóng để rút ngắn thời gian.

"Việc làm này giúp giảm thời gian kể từ lúc tên lửa lộ diện cho đến lúc nó được phóng vào không trung, khiến việc tấn công tên lửa trước thời điểm phóng trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ", ông Baker nhấn mạnh. "Nếu bạn muốn dùng chúng như công cụ răn đe thì bạn phải có một hệ thống mà Mỹ không thể chống đỡ".

Trước đó vài ngày, tình báo Mỹ và đồng minh nêu khả năng Triều Tiên sắp phóng tên lửa. Nhưng quân đội Mỹ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, còn Nhật Bản tuyên bố chặn được tín hiệu liên lạc radio đáng ngờ từ Triều Tiên.

Giới chức Nhật Bản khi đó đánh giá thấp khả năng Triều Tiên thử tên lửa, nói rằng đây có thể chỉ là tín hiệu liên quan đến cuộc tập trận mùa đông của Bình Nhưỡng.

Theo giới phân tích, vụ phóng tên lửa thể hiện ý chí kiên định không hề lay chuyển của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về chương trình phát triển hạt nhân và chế tạo tên lửa tầm xa.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc Song Tao đã trở về sau chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên. Chuyến thăm gửi gắm hy vọng rằng Trung Quốc, với tư cách là đồng minh duy nhất, sẽ kiềm chế được tham vọng hạt nhân Triều Tiên.

Nhưng điều đáng tiếc là ông Song đã không thể thu xếp được cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Triều Tiên làm gì "bịt mắt" Mỹ trước khi phóng tên lửa cực mạnh? - 3

Cây cầu nối Trung Quốc-Triều Tiên hiện đang tạm thời bị đóng cửa.

“Dường như Kim Jong-un quá bận rộn với việc chuẩn bị phóng tên lửa nên không gặp đại diện phái đoàn Trung Quốc”, nhà phân tích Lu Chao đến từ Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh nhận định.

Theo ông Lu, vụ phóng tên lửa ngày 29.11 cũng là lời đáp trả việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố.

“Tình hình đang trở nên rất căng thẳng, hết sức nguy hiểm”, ông Lu nhận định. “Mỹ và Triều Tiên nên tìm cách ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt”.

Chuyên gia Wu Xinbo đến từ Đại học Fudan cho rằng, Trung Quốc đã hết lựa chọn với Triều Tiên. “Trung Quốc đã thử mọi cách. Chúng tôi đưa phái đoàn đến đề xuất ý kiến, áp đặt lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn Triều Tiên”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham nói trên CNN rằng một cuộc xung đột với Triều Tiên hoàn toàn có khả năng bùng phát nếu "mọi chuyện không thay đổi".

"Nếu chúng ta phải phát động chiến tranh để chấm dứt việc này, chúng ta sẽ làm vậy", ông Graham tuyên bố. "Nếu có một cuộc chiến xảy ra với Triều Tiên thì đó là bởi vì Triều Tiên tự chuốc lấy".

Chuyên gia ”sốc” với tên lửa mạnh chưa từng có Triều Tiên vừa phóng

Triều Tiên sáng sớm ngày 29.11 đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh chưa từng có từ trước đến nay, ước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN