Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới?

Gần 500 người đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng hàng chục người so với cùng kỳ năm ngoái, và số cảnh sát bị giết hại cũng tăng theo.

Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới? - 1

Người dân biểu tình hòa bình ở Dallas hôm 7.7 sau khi 2 người da màu bị cảnh sát giết hại.

Ngày 7.7 (giờ địa phương), thành phố Dallas, Mỹ đã chấn động với vụ 2 tay súng bắn tỉa phục kích tấn công khiến 5 cảnh sát thiệt mạng, 6 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công khiến cảnh sát Mỹ thiệt hại nhiều nhất kể từ vụ khủng bố 11.9. 

Mâu thuẫn giữa dân thường và cảnh sát ở quốc gia này chưa bao giờ có dấu hiệu lắng dịu. Tỉ lệ cảnh sát nổ súng bắn chết người ở châu Âu thời điểm kỉ lục vẫn rất thấp so với Mỹ. Năm 2014, số người chết vì bị cảnh sát Mỹ bắn gấp 18 lần ở Đan Mạch và 100 lần ở Phần Lan. Cảnh sát Mỹ bắn nghi phạm với tần suất đáng kể so với Pháp, Thụy Điển và nhiều quốc gia châu Âu khác.

Số người bị cảnh sát Mỹ bắn chết tăng từ 465 người trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng lên 491 người trong nửa đầu năm 2016, theo Washington Post. Sự căm phẫn với cảnh sát Mỹ cũng có xu hướng tăng lên. Năm 2016, 20 cảnh sát bị bắn chết trong 6 tháng đầu, tăng lên 4 người so với cùng kì 2015.

Tác giả  Paul Hirschfield từ tạp chí Newsweek từng có câu trả lời cho sự thật đau lòng này.

Súng đạn và sự hung hăng

Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới? - 2

Số cảnh sát bị giết hại 6 tháng đầu năm 2016 tăng so với cùng kỳ.

Sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu có lí do đơn giản từ văn hóa súng đạn được tôn thờ ở Mỹ. Không giống những quốc gia châu Âu khác, mua súng đạn ở Mỹ “dễ như ăn kẹo” và người trưởng thành được phép mang súng theo người bất kì khi nào họ muốn.

Việc mua súng trái phép ở Mỹ cũng không phải là điều khó. 57% số vụ người bị bắn chết được cho là sử dụng súng, có thể là đồ giả hoặc đồ thật. Chính sự ám ảnh súng đạn khiến cảnh sát Mỹ có xu hướng hiểu nhầm hoặc trầm trọng hóa những thứ nghi phạm cầm trên tay như điện thoại di động hay tua-vít. Lí do này giải thích vì sao cảnh sát Mỹ có xu hướng dễ nổ súng hơn các đồng nghiệp châu Âu.

Bạo lực sử dụng dao là vấn đề nghiêm trọng ở Anh nhưng cần biết rằng chỉ có duy nhất một kẻ bị cảnh sát bắn chết từ năm 2008 tới nay. Đó là một kẻ bắt cóc con tin và hắn uy hiếp tính mạng nạn nhân bằng dao. So sánh với Mỹ, con số này là 575 người bị giết hại từ năm 2013 tới cuối 2015 do cầm vật dụng sắc nhọn như dao.

Tình trạng phân biệt chủng tộc tràn lan cũng giải thích vì sao người da màu thường là nạn nhân của bạo lực cảnh sát. Các nhà lập pháp và công dân da trắng dường như cũng ủng hộ các hành động bắn giết của cảnh sát Mỹ nên những người yếm thế trong xã hội dễ trở thành mục tiêu của cảnh sát.

Không chỉ là phân biệt chủng tộc

Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới? - 3

Camera gắn trên người cảnh sát nhưng số vụ giết hại dân thường không hề giảm bớt.

Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc không phải là lời lí giải thích đáng cho việc tại sao những người da trắng không phải gốc Latinh bị cảnh sát bắn chết nhiều hơn 26 lần so với những người gốc Đức. Những bang như Montana, West Virginia và Wyoming có tỉ lệ người da trắng bị chết do cảnh sát bắn ở mức đặc biệt cao.

Một nhân tố cần xét tới ở đây chính là chủ nghĩa cục bộ địa phương. 15.500 sở cảnh sát tại các địa phương ở Mỹ chịu trách nhiệm giám sát nhân viên, áp đặt quy định và huấn luyện thường xuyên cảnh sát khi một loại vũ khí mới được đưa vào hệ thống. Tuy nhiên, nhiều sở cảnh sát thiếu nguồn lực nên quy trình này hay bị bỏ qua.

Tại một số khu vực như thành phố Ferguson bang Missouri, cảnh sát dùng vé phạt, các loại phí, biện pháp tịch biên tài sản khác nhau làm nguồn thu chính cho lực lượng cảnh sát địa phương. Chính điều này xảy ra tình trạng đụng độ không đáng có giữa dân thường và cảnh sát.

Mối nguy từ những khu vực nhỏ hẹp

Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới? - 4

Người biểu tình tháng 11.2015 phản đối cảnh sát bắn người vô tội.

Hơn 25% số nạn nhân bị cảnh sát bắn chết tại những thị trấn có số dân ít hơn 25.000 người dù số dân Mỹ sống ở những khu vực như vậy chỉ chiếm 17% dân số. Tại châu Âu, dân chúng sẽ thường gặp cảnh sát ở cấp quận hoặc cấp tỉnh.

Tòa án Tối cao Mỹ năm 1989 từng quy định cảnh sát được phép sử dụng các biện pháp tiêu diệt nghi phạm nếu thấy “có dấu hiệu nguy hiểm”. Luật pháp các bang cũng cho phép cảnh sát áp dụng triệt để quy định này.

Tiêu chuẩn khác biệt

Tiêu chuẩn ở các nước châu Âu là tuân thủ Quy ước châu Âu về Nhân quyền. Tiêu chuẩn được xem là “phù hợp” ở Mỹ nếu đối chiếu ở châu Âu sẽ là “không cần thiết”.

Chẳng hạn, vụ việc cảnh sát Darren Wilson bắn hạ nghi phạm Michael Brown ở thành phố Ferguson, bang Missouri nếu xử ở châu Âu, chắc chắn cảnh sát Wilson sẽ phải ngồi tù. Tương tự, vụ việc người đàn ông tên Jason Harrison mắc bệnh tâm thần ở Dallas bị cảnh sát giết vì cầm tua-vít trên tay sẽ không được bỏ qua.

Tại châu Âu, giết chóc được xem là hành động không cần thiết nếu có thể sử dụng các hình thức khác. Chẳng hạn, theo quy định hướng dẫn của cảnh sát Tây Ban Nha, cảnh sát Wilson nêu trên hoàn toàn có thể cảnh cáo bằng lời, bắn chỉ thiên hoặc bắn vào những phần không gây hại tính mạng nghi phạm. 6 phát bắn của cảnh sát Wilson rõ ràng là không phù hợp trong khi nghi phạm Brown không hề có súng và đang bị thương nặng.

Tại Mỹ, chỉ có 8 bang yêu cầu cảnh cáo bằng lời, trong khi hành động bắn chỉ thiên và bắn vào chân lại bị cấm. Ở Phần Lan hay Na Uy, cảnh sát phải được cấp trên đồng ý mới được phép nổ súng.

Các tiêu chuẩn ở châu Âu không chỉ giúp kiểm soát hành vi cảnh sát tốt hơn mà những trung tâm huấn luyện cảnh sát mở ra khắp cả nước giúp những nước này dạy nhân viên của mình cách tránh sử dụng vũ khí sát thương.

Tại Hà Lan, Na Uy và Phần Lan, cảnh sát phải tham gia một học viện quốc gia trong 3 năm. Ở Na Uy, 5.000 ứng viên phải cạnh tranh cho 700 suất cảnh sát mỗi năm.

Vì sao cảnh sát Mỹ bắn chết nhiều người nhất thế giới? - 5

Cảnh sát đấu súng với những tay bắn tỉa ở Dallas.

3 năm phấn đấu giúp cảnh sát châu Âu có đủ thời gian để hiểu và biết cách giao tiếp phù hợp với các cá nhân trong xã hội. Ngược lại, tại Mỹ, các học viện cảnh sát chỉ kéo dài trong 19 tuần. Thời gian cảnh sát Mỹ học thực chiến và sử dụng vũ lực nhiều gấp 20 lần thời gian cho các nghiệp vụ phi bạo lực.

Chính điều này giải thích vì sao những cá nhân hung hăng, bạo lực ở châu Âu sẽ thường gặp phải những cảnh sát mềm mỏng, có giáo dục tốt và biết kiểm soát hành vi.

Tuy nhiên, tỉ lệ bạo lực trong cảnh sát Mỹ cần nhấn mạnh nhiều hơn tới nguyên nhân về chính sách và hành vi của lực lượng hành pháp. Các vụ giết hại dân thường gia tăng đến từ việc kiểm soát súng đạn quá lỏng lẻo, các mâu thuẫn, bất công trong xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – NS, WP ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN