Trung Quốc chống khủng bố khác kiểu Mỹ

Sau các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, Trung Quốc đối mặt với nhiều áp lực, cả trong nước lẫn quốc tế - để làm rõ cam kết của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Trung Quốc đã mạnh mẽ cam kết sẽ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau vụ tấn công đẫm máu khiến 130 người thiệt mạng tại Paris đêm 13.11. Thảm kịch ở Paris phần nào cũng tác động trực tiếp đến Trung Quốc khi một công dân nước này đã bị bắn nhưng may mắn sống sót.

Một tuần sau đó, các tay súng có vũ trang xông vào khách sạn hạng sang Radisson Blu ở Bamako, thủ đô của Mali bắt 170 con tin và bắn giết hàng chục người. 3 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố này.

Trung Quốc chống khủng bố khác kiểu Mỹ - 1

Cảnh sát đưa một người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại khách sạn hạng sang Radisson Blu ở thủ đô của Mali ra khỏi hiện trường.

Trước đó, tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng tuyên bố sát hại con tin Trung Quốc Fan Jinghui. Bộ Ngoại giao nước này lên án hành động bắt cóc và giết người của IS đồng thời tuyên bố sẽ “đưa thủ phạm ra trước công lý”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila - Phillippines thời điểm đó nhắc lại rằng, chủ nghĩa khủng bố là “kẻ thù chung của nhân loại” và nhấn mạnh “Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố và chắc chắn sẽ mạnh tay đối với bất kỳ hoạt động khủng bố bạo lực nào”.

Trong khi phản ứng của chính phủ Trung Quốc về vụ hành quyết có phần ngắn gọn, dư luận nước này lại dậy sóng. Trên khắp các trang mạng xã hội, cái chết của Fan Jinghui – con tin Trung Quốc đầu tiên bị IS sát hại trở thành một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất. Cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra sốc và kinh hãi, đồng thời gọi IS là “bệnh hoạn”.

Trung Quốc chống khủng bố khác kiểu Mỹ - 2

Con tin Trung Quốc Fan Jinghui vừa bị IS sát hại.

Với một chuỗi sự kiện khủng bố liên quan đến Trung Quốc trong những tuần qua, chính phủ Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều áp lực hơn – cả trong nước và quốc tế - để làm rõ cam kết của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Câu hỏi được đặt ra là, kế hoạch chống khủng bố của Bắc Kinh là gì?

Theo The Diplomat, mặc dù giới chức Trung Quốc, từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho tới Chủ tịch Tập Cận Bình đều mạnh mẽ lên án chủ nghĩa khủng bố, song Bắc Kinh chắc chắn sẽ không phát động “cuộc chiến chống khủng bố kiểu Mỹ” với các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Một bài xã luận về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi bao gồm các nhóm khủng bố khét tiếng như Boko Haram, Al-Shabaab, và al-Mourabitoun (nhận trách nhiệm tấn công khách sạn Mali) được đăng tải trên hãng tin Tân Hoa  nhấn mạnh, Bắc Kinh chỉ cam kết “viện trợ công nghệ và chia sẻ thông tin tình báo” mà không đề cập đến khả năng sẽ phát động các hoạt động quân sự trong khu vực.

Chính sách đối ngoại không can thiệp vốn được Trung Quốc duy trì lâu nay không ngăn chặn Bắc Kinh điều quân ra nước ngoài, chẳng hạn, Syria và Iraq để chống lại các nhóm khủng bố như IS. Tuy nhiên, ngay cả với quốc gia đã công khai đề nghị Trung Quốc giúp sức đẩy lùi khủng bố như Iraq, Bắc Kinh cũng chỉ hứa hẹn sẽ giúp đào tạo binh sĩ và cung cấp thêm các loại viện trợ khác.

Bắc Kinh đơn giản không cân nhắc khả năng tham chiến chống lại các nhóm khủng bố như IS trên mặt đất hoặc không kích chúng từ trên không. Theo The Diplomat, có lẽ Bắc Kinh dễ dàng và kiên quyết đi đến quyết định như vậy sau khi chứng kiến sự kém hiệu quả của chiến dịch không kích chống IS tại Iraq và Syria của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng như cuộc chiến dài chống lại lực lượng Taliban vừa tốn kém vừa nhiều mất mát nhưng vẫn chưa đến hồi kết thúc của Mỹ tại Afghanistan.

Trung Quốc chống khủng bố khác kiểu Mỹ - 3

Ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, song Trung Quốc không theo đuổi chiến lược đưa lực lượng ra nước ngoài chống khủng bố.

Ngoài ra, Bắc Kinh vốn duy trì quan điểm cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã tập trung quá nhiều vào các dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố mà lãng quên “những nguyên nhân gốc rễ” tạo ra những kẻ khủng bố. Theo quan điểm này, Trung Quốc cho rằng việc loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ tạo ra khủng bố là phải loại bỏ đói nghèo và tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp để họ không bị các nhóm khủng bố “quyến rũ”.

Ngoài ra, một bài xã luận được hãng tin Tân Hoa Xã đăng tải gần đây cũng cáo buộc, việc phương Tây liên tục trang bị vũ khí và cung cấp tiền cho các lực lượng nổi dậy trên toàn thế giới là một trong những nguyên nhân khiến các nhóm khủng bố ngày càng mạnh hơn.    

Vậy Trung Quốc sẽ làm những gì để đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, nếu quyết không tham chiến?  

 Khi được đặt câu hỏi như vậy, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời khá mơ hồ rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan hợp tác với nhau và củng cố sức mạnh tổng thể theo khuôn khổ Liên Hợp Quốc”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng từng nhấn mạnh vai trò của Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

“Vai trò dẫn đầu của Liên Hợp Quốc nên được phát huy đầy đủ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố”, ông Vương Nghị tuyên bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau các cuộc tấn công đẫm máu tại Paris.

Cách tiếp cận của Bắc Kinh xem Liên Hợp Quốc là cơ quan điều phối và dẫn đầu các hoạt động chống khủng bố xuất phát từ lợi ích của nước này.  Bắc Kinh muốn thấy định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố được Liên Hợp Quốc phê chuẩn sẽ bao gồm các nhóm ly khai người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương bất ổn của nước này. Điều này sẽ chấm dứt cái mà Bắc Kinh xem là “tiêu chuẩn kép” của phương Tây về chủ nghĩa khủng bố. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN