Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ

Hơn 1 triệu quân tham chiến của cả hai phe Mỹ và phát xít Đức, 200.000 người thương vong đánh dấu một trong những trận chiến có thương vong lớn nhất trong Thế chiến 2.

Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 1

Xe tăng Đức tấn công cùng với sự yểm trợ  của máy bay ném bom (Ảnh minh họa)

Tuyệt vọng trước viễn cảnh thua cuộc trong Thế chiến 2, trùm phát xít Đức Adolf Hitler mở cuộc tấn công cuối cùng, gây sức ép để Mỹ và Anh phải ký hiệp định hòa bình riêng rẽ.

Kế hoạch táo bạo

Mùa thu năm 1944, cục diện chiến trường ở mặt trận phía tây phe phát xít Đức chuyển biến theo hướng bất lợi. Từ phía nam, phe Đồng minh tiến sát đến Italy. Từ phía đông, Liên Xô chiến thắng trong cuộc chiến tiêu hao và giờ chuyển sang thế tấn công.

Ở phía tây, cuộc đổ bộ D-Day hồi giữa năm 1944 lên bờ biển Normandie, đã mở mặt trận thứ ba với hàng trăm nghìn binh sĩ phe Đồng minh rầm rộ tiến quân hướng đến Rhine. Thời điểm đó, quân Đức cầm cự giữ được một cầu lớn phía tây sông Rhine.

Mặt trận thứ ba là nơi mà Hitler nhìn thấy hy vọng. Sự thù hận với Liên Xô khiến cho Hitler nghĩ rằng, nếu tấn công chớp nhoáng thành công, phe Đồng minh thậm chí còn có thể thay đổi quan điểm và đứng về phía Đức quốc xã.

Ngày 16.9, Hitler điều tổng cộng 450.000 quân, 1.500 xe tăng, xe chống tăng, 4.224 xe pháo rầm rộ tiến quân qua Ardennes để đánh chiếm cảng Antwerp, miền bắc nước Bỉ. Nếu thành công, phát xít Đức có thể chia cắt quân Anh và Mỹ trong khu vực, khiến Đồng minh mất một cảng hậu cần, tiếp tế cực kỳ quan trọng.

Chiến dịch được lên kế hoạch hoàn toàn bí mật. Thống chế Gerd Von Rundstedt, chỉ huy lực lượng Đức ở phía tây thậm chí còn tỏ ra sợ hãi với kế hoạch này. Von Rundstedt cho rằng, quân Đức quá mỏng trong khi kế hoạch quá tham vọng và vô nghĩa.

Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 2

Hitler và các tướng lĩnh vạch chiến lược tấn công.

Hitler không quan tâm đến cảnh báo của Von Rundstedt bởi những thành công mà trùm phát xít gây dựng được đều phải đến từ kế hoạch tấn công mạo hiểm, chớp nhoáng.

Chiến dịch tấn công cuối cùng của Hitler

5 giờ 35 phút sáng ngày 16.12.1944, chiến dịch Herbstnebel bắt đầu. 2.000 khẩu súng đồng loạt nã đạn vào phòng tuyến quân Đồng minh. 1.420 xe tăng tấn công cùng với sự yểm trợ trên không của 1.000 máy bay ném bom.

Von Rundstedt tóm lược lại tình hình chiến sự bằng lời phát biểu trước các binh sĩ: “Quãng thời gian vĩ đại đã đến… Chúng ta đánh cược với tất cả”. Đây là cuộc tấn công táo bạo nhưng nó huy động toàn bộ lực lượng ở mặt trận phía tây. Nếu thất bại, quân Đức sẽ phải đối mặt với thảm họa rút quân.

Kế hoạch tập trung vào đợt tiến công của hai đơn vị xe tăng Panzer dọc theo mặt trận dài 144 km.

Quân Đức cũng chiêu mộ binh sĩ biết nói tiếng Anh, mặc trang phục, dùng vũ khí lính Mỹ để tấn công từ phía sau phòng tuyến phe Đồng minh. Chỉ huy bởi Đại tá Otto Skorzeny, đơn vị này được kỳ vọng sẽ khiến cho quân Đồng minh rơi vào hỗn loạn, tấn công lẫn nhau. Đích thân Hitler chỉ huy toàn cảnh cuộc tấn công.

Vận may trong trận đánh này thuộc về quân Đức. Lính Mỹ sau một quãng đường dài di chuyển không ngờ rằng phát xít Đức lại tấn công từ Ardennes. Lực lượng Mỹ đóng vai trò phòng thủ cũng không phải là đơn vị tinh nhuệ. Thời tiết xấu cũng khiến cho phe Đồng minh mất đi sự yểm trợ quan trọng trên không.

Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 3

Lính Mỹ phòng thủ trong chiến hào tại rừng Ardennes.

Tiến sâu 80 km qua phòng tuyến quân Đồng minh, phát xít Đức nhanh chóng giành được thành công đầu tiên, đặc biệt là đơn vị xe tăng Panzer. Nhóm binh sĩ trà trộn của Skorzeny lại không may mắn như vậy, không ai tin đó là những người Mỹ. Đa số lính Đức cải trang đều bị bắn chết vì hoạt động gián điệp.

Bước tiến của phát xít Đức không duy trì được lâu sau những thất bại ở Nga và trên biển. Quân Đức không có nhiều nhiên liệu dự trữ và phải tăng cường thu thập từ các phương tiện di chuyển mà quân Đồng minh bỏ lại. Thiếu nhiên liệu cũng khiến cho đơn vị xe tăng Panzer tiếp tục tận dụng sức mạnh chênh lệch.

Thời tiết tốt hơn từ ngày 17.12 cũng tạo cơ hội để phe Đồng minh phản công, cắt đứt đường tiến công của quân Đức tới thị trấn Bastogne.

Trận đánh lớn nhất của Mỹ

Ngày 19.12, phe Đồng minh do tướng Dwight D. Eisenhower chỉ huy nhận thấy sức tấn công của quân Đức đã giảm sút đáng kể và đây là thời cơ cho phe Đồng minh. Đơn vị xe tăng Panzer chiếm St Vitth nhưng đà tấn công cũng tiêu tan kể từ đó.

Với hai phe, không nơi nào quan trọng hơn St Vitth và Bastogne, mọi con đường lớn giao nhau giữa hai thị trấn nhỏ ở Bỉ.

Ngày hôm sau, Von Rundstedt đề nghị được rút quân nhưng Hitler từ chối. Vào dịp Giáng sinh, quân Đồng minh đè bẹp đơn vị xe tăng Panzer và thị trấn Bastogne giải phóng trong ngày lễ tặng quà. Cuối cùng, Hitler phải ra lệnh rút quân sau khi lực lượng bị đẩy khỏi vùng Ardennes.

Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 4

Xe tăng M4 Sherman Mỹ băng qua rừng Ardennes.

Lần lượt các binh sĩ rút lui dần về Berlin một cách có trật tự, chiến dịch tấn công của phát xít Đức phá sản.

Kết thúc trận đánh ở Ardennes, Mỹ thiệt hại tới 19.000 binh sĩ. Đây là con số thương vong nặng nề nhất mà quân Mỹ phải hứng chịu trong một trận đánh trong Thế chiến 2. Dù vậy, phe Đồng minh đã bảo vệ thành công phòng tuyến quan trọng trước quân Đức.

Đức tổn thất 15.652 lính, và lực lượng tăng thiết giáp của họ hứng chịu tổn thất nặng nề không thể khôi phục được. Sau thất bại, quân Đức không còn khả năng phát động tấn công ở mặt trận phía Tây dù phe Đồng minh cần thêm 6 tuần để củng cố lực lượng trước khi hướng đến Berlin.

Tính cả số người bị thương, con số thương vong của Mỹ là 89.500 người và phe Đức là khoảng 120.000 người.

"Đây là trận đánh lớn nhất, được xem như chiến thắng nổi tiếng nhất của Mỹ trong Thế chiến 2", cựu thủ tướng Anh Winston Churchill nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - War History Online ([Tên nguồn])
Những trận chiến lừng lẫy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN