Trái đất nóng lên sắp tới ngưỡng “không thể phục hồi”

Tác động từ biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và ảnh hưởng mạnh hơn những gì nhân loại từng đánh giá vì bỏ qua yếu tố quan trọng.

Trái đất nóng lên sắp tới ngưỡng “không thể phục hồi” - 1

Trái đất nóng lên sắp đạt đến ngưỡng "không thể phục hồi".

Theo Independent, những tác động toàn diện của hiện tượng biến đổi khí hậu đã bị đánh giá thấp. Bởi các nhà khoa học chưa tính toán đến lượng lớn carbon trong môi trường.

Tiến sĩ Thomas Crowther thuộc Viện nghiên cứu năng lượng và khí hậu Yale (Mỹ) tiết lộ, nguồn sản sinh carbon từ đất là một trong những tác nhân làm gia tăng tốc độ ấm lên toàn cầu.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature đã thu thập số liệu trong vòng 20 năm tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.

"Cũng không sai nếu cho rằng hiện tượng Trái đất nóng lên đã vượt ngưỡng phục hồi. Dù có thể hãm lại, chúng ta cũng không thể đảo ngược quá trình này nữa. Tốc độ biến đổi khí hậu lớn hơn những gì nhân loại đang lầm tưởng", ông Crowther nói.

Trái đất nóng lên sắp tới ngưỡng “không thể phục hồi” - 2

Lượng băng tan ở hai cực sẽ khiến mực nước biển dâng cao.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Crowther chỉ ra rằng, trong lòng đất đang chứa khoảng 55 tỉ tấn carbon. Tất cả sẽ được giải phóng dần vào khí quyển cho đến năm 2050. Lượng khí này có thể khiến nhiệt độ Trái đất nóng lên khoảng 5 độ C.

"Khí hậu ấm lên, sinh vật trong đất hoạt động mạnh hơn. Chúng hoạt động càng mạnh, đất càng phải ‘thở’ mạnh hơn, giống như cách con người tồn tại", ông Crowther chia sẻ.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng quá trình này đang xảy ra và sẽ có tác động nghiêm trọng đến khí hậu trong vài thập kỷ tiếp theo". Thông tin này là lời cảnh báo, giúp con người hiểu hơn về sự thay đổi của khí hậu trong tương lai, từ đó đưa ra hướng để kìm hãm một cách phù hợp.

Trái đất nóng lên sắp tới ngưỡng “không thể phục hồi” - 3

Tiến sĩ Thomas Crowther diễn giải nghiên cứu.

"Biến đổi khí hậu có thể làm nước biển dâng lên. Quá trình này sẽ làm hại nhiều hệ sinh thái, cũng như hủy diệt nhiều vùng đất sống", Tiến sĩ Crowther nhận định."Đó sẽ là thảm họa đối với loài người”.

Giáo sư Ivan Janssens thuộc Đại học Antwerp (Bỉ), người được coi là cha đẻ của ngành nghiên cứu sinh thái toàn cầu, cũng cho rằng nghiên cứu này đã cung cấp những thông tin quan trọng.

"Nghiên cứu này rất quan trọng, tác động của carbon tích trữ trong đất đối với khí hậu là một trong những thay đổi lớn trong mô hình của chúng tôi", ông Janssens nói.

Giáo sư Janssens tỏ ra lạc quan và tin rằng mọi chuyện chưa chắc đã quá muộn. Nhân loại cần nhanh chóng xây dựng nền kinh tế toàn cầu dựa trên nhiên liệu thay thế được và tìm cách tận dụng CO2, thay vì coi chúng là chất thải môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Independent ([Tên nguồn])
Biến đổi khí hậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN