TQ "giật mình" trước sự nguy hiểm từ bãi thử bom H của Triều Tiên

Vụ thử bom H tại bãi thử Punggye-ri hôm 3/9 của Triều Tiên khiến các nhà khoa học Trung Quốc không khỏi lo ngại về nguy cơ phát tán nhiều chất phóng xạ nguy hiểm sang quốc gia này.

Trang web 38 North của Đại học Johns Hopkins tại Mỹ đã cho đăng một số bức ảnh vệ tinh chụp ngày 4/9 liên quan tới những thay đổi lớn trên bề mặt khu vực ngọn núi diễn ra vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên tại bãi thử Punggye-ri.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), những bức ảnh vệ tinh được công bố vào hôm nay cho thấy vụ thử bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom H của Triều Tiên vào ngày 3/9 đã tạo ra các vụ sạt lở đất quy mô nhỏ ngay phía trên và ngoài vị trí thử bom. Tuy nhiên, khi quan sát bằng mắt thường, vụ thử bom này không tạo ra bất cứ lỗ hổng nào trên mặt đất.

TQ "giật mình" trước sự nguy hiểm từ bãi thử bom H của Triều Tiên - 1

Nguy cơ gây mất an ninh khu vực và phát tán phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khiến Trung Quốc lo ngại. 

Trước đó, theo cơ quan địa lý Mỹ, vụ thử bom của Triều Tiên đã tạo ra một trận động đất mạnh 6,3 độ richter và chỉ vài phút sau đã xuất hiện thêm một trận động đất có cường độ nhẹ hơn là 4,1 độ richter.

Điều này đồng nghĩa với việc khu vực núi mà Triều Tiên chọn làm nơi tiến hành vụ thử bom H có nguy cơ bị sụp hoàn toàn và có thể phát tán các chất phóng xạ nguy hiểm ra bầu khí quyển.

Về phần mình, Bình Nhưỡng khẳng định quốc gia này có thể tích hợp bom H trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vụ thử bom H cũng một lần nữa nhấn mạnh tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hành động này càng khiến làn sóng phản đối Triều Tiên trong cộng đồng quốc tế trở nên mạnh mẽ. 

"Những nhiễu loạn xảy ra nhiều hơn và có quy mô lớn hơn so với 5 vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Song, không có bằng chứng nào cho thấy xuất hiện hố thủng tạo nguy cơ phát tán phóng xạ", trang web 38 North viết. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, bom H mà Triều Tiên thử nghiệm hồi cuối tuần qua có sức nổ là 50 kiloton. Song theo 38 North, sức nổ của quả bom này phải là hơn 100 kiloton. Còn theo Nhật Bản, quả bom của Triều Tiên có sức nổ lên tới 120 kiloton, lớn gấp 8 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima vào năm 1945.

Cũng trong hôm nay (6/9), cơ quan an toàn hạt nhân của Seoul công bố họ không phát hiện các chất phóng xạ như khí xenon ở trong các mẫu không khí, nước và đất được lấy đi làm thử nghiệm ngay sau vụ thử bom H của Triều Tiên. Ngay cả nồng độ phóng xạ dưới lòng đất tại Hàn Quốc cũng không bị ảnh hưởng sau vụ thử của Bình Nhưỡng. 

Nhóm nhà khoa học do nhà địa vật lý Wen Lianxing đứng đầu ở Đại học Khoa học và Công nghệ tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy của Trung Quốc cho rằng, ngọn núi ở bãi thử Punggye-ri nơi Triều Tiên tiến hành 5 vụ thử hạt nhân trước đây và vụ thử bom H hôm 3/9 có nguy cơ sụp đổ và phát tán phóng xạ nguy hiểm vào bầu không khí.

Cũng theo nhóm của ông Wen, sức nổ từ quả bom nhiệt hạch mà Triều Tiên mới thử là khoảng 108,3 kiloton, lớn gấp 7,8 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima. Sức nổ của quả bom này vượt xa so với 5 vụ thử hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng.

Ngay cả một nhóm nhà khoa học ở Na Uy cũng cho rằng, quả bom nhiệt hạch mà Triều Tiên thử có sức nổ mạnh hơn 10 lần so với quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima.

Do đó, nếu phán đoán của các nhà khoa học Na Uy đúng thì một thảm họa môi trường quy mô lớn hoàn toàn có thể xảy ra. Nói cách khác, theo ông Wang Naiyan, cựu chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc và nhà nghiên cứu cấp cao trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nếu Triều Tiên còn chọn vùng núi này để tiến hành thêm các vụ thử trong tương lai, toàn bộ ngọn núi có thể đổ sụp và tạo ra một lỗ hổng làm phát tán phóng xạ ra toàn khu vực.

"Chúng tôi gọi đây là hiện tượng 'thổi tung phần chóp ngọn núi'. Nếu ngọn núi đổ sụp, một lỗ hổng sẽ xuất hiện và phát tán phóng xạ ra ngoài", SCMP dẫn lời ông Wang.

Song theo ông Wang, mức độ nghiêm trọng của vấn đề còn hoàn toàn phụ thuộc và vị trí Triều Tiên đặt bom để thử nghiệm.

"Nếu như các quả bom được đặt ở phía đáy của các đường hầm thẳng đứng, sức nổ sẽ được giảm bớt và tạo ra ít thiệt hại", ông Wang nói thêm.

Tuy nhiên, viễn cảnh này khó xảy ra bởi thực tế, việc xây dựng một đường hầm thẳng đứng là đắt đỏ và khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, việc sử dụng đường hầm nằm ngang và ngay giữa tâm ngọn núi làm tăng nguy cơ "thổi bay phần chóp núi". 

Bên cạnh đó, việc tăng kích cỡ của các quả bom hạt nhân thử nghiệm cũng sẽ làm nguy cơ "mở mái" ngọn núi gia tăng, theo ông Wang.

"Một quả bom có sức nổ lên tới 100 kiloton đã là khá lớn. Chính phủ Triều Tiên nên dừng các vụ thử nghiệm bởi nói không chỉ có nguy cơ tạo ra thảm họa lớn cho Triều Tiên mà còn nhiều quốc gia khác trong đó có Trung Quốc", ông Wang chia sẻ. 

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ông Han Tae-song còn khẳng định: "Các biện pháp phòng vệ gần đây của Triều Tiên là nhằm chuyển gói quà cho Mỹ chứ không phải quốc gia nào khác. Mỹ sẽ còn nhận được thêm nhiều gói quà từ Triều Tiên chừng nào Mỹ còn có những hành động khiêu khích và gia tăng áp đặt với Triều Tiên". 

TQ hưởng lợi bất ngờ từ vụ thử bom nhiệt hạch Triều Tiên?

Lập trường trái chiều của Trung Quốc về vụ thử bom nhiệt hạch Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh không loại trừ khả năng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN