Sức chịu đựng của liên minh Mỹ-Hàn đến đâu?

Trước các động thái thách thức không có điểm dừng của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc có sẵn sàng tìm đến giải pháp quân sự hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Vào lúc 6 giờ 57 phút sáng 15-9 (giờ địa phương), Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung từ một địa điểm gần sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng, bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, theo Yonhap.

Thử tên lửa liên hồi

Theo đánh giá của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa này đã bay được quãng đường 3.700 km với độ cao tối đa 770 km. Về lý thuyết, tên lửa của Triều Tiên đến thời điểm hiện tại có thể đe dọa cho đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương vì khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và đảo Guam là 3.400 km. Triều Tiên ngày 29-8 cũng từng phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12 bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản nhưng tên lửa chỉ bay xa 2.700 km.

Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Mỹ thành “tro tàn và bóng tối”. Để đáp trả, Hàn Quốc ngày 15-9 đã tập trận phản ứng nhanh, trong đó bắn một tên lửa trúng mục tiêu giả định ở biển Nhật Bản với khoảng cách đúng bằng khoảng cách tới sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng.

“Vụ phóng tên lửa mới nhất vừa là phản ứng của Triều Tiên đối với nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 11-9, vừa là một hồi chuông cảnh tỉnh về những hạn chế trong biện pháp trừng phạt và quân sự để làm thay đổi cách hành xử của Triều Tiên” - George Lopez, cựu chuyên gia LHQ về trừng phạt Triều Tiên, nhận định.

Theo bình luận của hãng tin CNN, năm 2017 là năm Triều Tiên đạt được tiến triển nhanh nhất đối với chương trình tên lửa của nước này. Chỉ trong năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 14 vụ thử với tổng cộng 21 tên lửa được phóng, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chưa đầy sáu năm kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo tiến hành số vụ thử tên lửa bằng số vụ thử trong giai đoạn của hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành cộng lại.

Sức chịu đựng của liên minh Mỹ-Hàn đến đâu? - 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 15-9. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc mất kiên nhẫn

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định “tất cả lựa chọn đều được xem xét” để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trên phương diện không dùng vũ lực, nước này vẫn thúc đẩy LHQ tăng tối đa trừng phạt Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Trung Quốc mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại mong muốn tìm tới đối thoại với Triều Tiên và cam kết sẽ không có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa. Về giải pháp chiến tranh, Hàn Quốc nhấn mạnh nếu Mỹ muốn phát động một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, nước này trước hết phải thông qua Seoul.

Hàn Quốc vẫn chưa quyết liệt trong việc thẳng tay dùng hành động quân sự đối phó Triều Tiên. Điều này cũng dễ hiểu bởi chiến tranh sẽ khiến không chỉ Triều Tiên “nuốt trái đắng” mà Hàn Quốc cũng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, sau vụ thử ngày 15-9 của Triều Tiên, Hàn Quốc đã cho thấy những chuyển biến trong thái độ của nước này. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ bị hủy diệt “mà không có khả năng phục hồi” nếu khiêu khích nhằm vào Seoul, đồng thời đe dọa đặt dấu chấm hết cho lập trường đối thoại trước đây. “Đối thoại là không thể trong một tình hình như thế này” - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh.

Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson cũng đã nhất trí sẵn sàng đưa ra các biện pháp “mạnh mẽ và cứng rắn”. Hai nước cùng mục tiêu buộc Triều Tiên ngừng các hành vi được cho là khiêu khích và tham gia đối thoại phi hạt nhân hóa.

John Barry Kotch, nhà sử học chính trị và là cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, nhận định việc dùng giải pháp quân sự sẽ trả một cái giá đắt đỏ. Nhưng theo ông, chấp nhận cho Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân lại là điều quá nguy hiểm đối với mọi tổng thống Mỹ, theo Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng. Nhà Trắng hiện theo đuổi chiến lược “áp lực hòa bình” để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Theo đó, Washington nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế để thắt chặt túi tiền của Triều Tiên và cô lập nước này về mặt ngoại giao, buộc Bình Nhưỡng phải đưa chương trình hạt nhân tên lửa của mình lên bàn đàm phán.

Tại sao Triều Tiên không từ bỏ?

Bình Nhưỡng từ lâu khẳng định nước này muốn sở hữu vũ khí hạt nhân và các tên lửa tầm xa để ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Triều Tiên.

Triều Tiên cũng không ngây thơ tin rằng Mỹ sẽ không thay đổi nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhìn vào các trường hợp như Iraq hay Libya, Bình Nhưỡng tin rằng chỉ bằng cách răn đe trả đũa hạt nhân Mỹ, Washington mới không dám can thiệp quân sự, theo CNN.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá Triều Tiên trước hết sẽ không dùng vũ khí hạt nhân. Ông Kim Jong-un vẫn xem sự tồn tại của đất nước là trên hết và biết rõ việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến quá tàn khốc cho đất nước và nhân dân Triều Tiên.

____________________________

Triều Tiên cần hiểu rằng nếu tiếp tục đi theo con đường (cứng rắn) như vậy, nước này sẽ không có tương lai tươi sáng.

SHINZO ABE, Thủ tướng Nhật Bản, cảnh báo ngày 15-9

Tổng thống HQ gửi cảnh báo lạnh người đến Triều Tiên

“Chúng tôi có sức mạnh tiêu diệt họ đến mức không thể hồi phục”, Tổng thống Hàn Quốc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Anh (PLO)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN