Quan chức Nga dọa hủy diệt Na Uy vì cho lính Mỹ đồn trú

Na Uy mới đây phải nhận lời cảnh báo sắc lạnh từ quan chức Nga, rằng nước này có thể là mục tiêu tấn công hạt nhân, sau khi cho phép 330 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú.

Quan chức Nga dọa hủy diệt Na Uy vì cho lính Mỹ đồn trú - 1

Binh sĩ Mỹ cùng lực lượng Anh, Na Uy và Hà Lan tham gia tập trận hồi đầu năm nay.

Theo Daily Mail, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich nói việc lính thủy đánh bộ Mỹ đến căn cứ quân sự Vaernes là một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Washington ở châu Âu.

Điều này khiến Na Uy trở thành mục tiêu trong trường hợp đối đầu hạt nhân xảy ra. Ông Klintsevich nói trên kênh truyền hình TV2 của Nga rằng Điện Kremlin coi 330 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Na Uy là mối đe dọa quân sự trực tiếp.

Na Uy gia nhập NATO năm 1949 nhưng chỉ sau khi đảm bảo với Liên Xô rằng nước này không bao giờ cho phép binh sĩ nước ngoài hiện diện tại đây. “Lính Mỹ hiện diện ở Na Uy là điều nguy hiểm cả với người dân và quốc gia này”, ông Klintsevich nói.

Quan chức Nga dọa hủy diệt Na Uy vì cho lính Mỹ đồn trú - 2

Binh sĩ Mỹ phóng thử tên lửa trong cuộc diễn tập ở Na Uy.

“Làm sao chúng ta phản ứng với việc này? Na Uy chưa bao giờ là mục tiêu của vũ khí chiến lược Nga. Nhưng với diễn biến như vậy, người dân Na Uy sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Klintsevich cảnh báo. “Bởi Nga sẽ phải thay đổi để phản ứng phù hợp và Moscow có cách để đối phó với diễn biến này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, Ine Eriksen Søreide bác bỏ những chỉ trích của Nga. Bà Søreide nói việc binh sĩ Mỹ hiện điện ở Vaernes, cách biên giới Nga 1126 km chỉ nhằm mục đích thử nghiệm và sẽ còn cân nhắc lại trong năm tới. “Nga không có cớ gì để phản ứng vì vấn đề này. Đó là điều bình thường mà tất cả các nước NATO đang làm”.

Thiếu tướng Niel Nelson, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu và châu Phi nói việc đưa binh sĩ đến Na Uy sẽ giúp cho lính thủy đánh bộ Mỹ có cơ hội huấn luyện trực tiếp với quân đội nước sở tại.

Không giống như nước láng giềng Thụy Điển, vốn duy trì lập trường trung lập. Na Uy từ lâu đã cho phép các binh sĩ NATO đến huấn luyện trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Daily Mail ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN