Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì cấm ảnh "Em bé napalm"

Tổng biên tập tờ nhật báo lớn nhất Na Uy gửi bức thư với lời lẽ đanh thép chỉ trích hành động vô lý của Facebook khi xóa hình “Em bé napalm”.

Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì cấm ảnh "Em bé napalm" - 1

Tổng biên tập tạp chí lớn nhất Na Uy gửi thư chỉ trích Mark Zuckerberg vì xóa ảnh "Em bé napalm".

Bức ảnh đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp ngày 8.6.1972 cho thấy mức độ khủng khiếp trong chiến tranh Việt Nam.

Bức ảnh “Em bé napalm” có hình một bé gái 9 tuổi đang chạy trốn trên đường quốc lộ sau trận càn của quân Mỹ. Em không mặc quần áo do sức nóng từ quả bom cháy. “Em bé napalm” sau được công bố danh tính là Phan Thị Kim Phúc, người Trảng Bàng, Tây Ninh.

Tuy nhiên, vì một lí do nào đó, bức ảnh lịch sử này đã bị Facebook kiểm duyệt và chặn đứng. Cách đây ít ngày, cây viết Tom Egeland người Na Uy đăng tải bức ảnh và nói rằng cuộc chiến thay đổi rất nhiều từ khi bức hình “em bé napalm” được công bố.

 Facebook sau đó xóa bài đăng này và đóng tài khoản của Tom. Tờ báo Aftenposten lớn nhất của Na Uy cũng bị thông báo gỡ bỏ bức hình lịch sử trên. Tổng biên tập tờ báo Espel Hansen nói rằng Facebook xóa bức ảnh trước khi họ kịp phản hồi.

Do đó, tờ báo lớn nhất Na Uy đã gửi thư cho CEO Facebook là Mark Zuckerberg chỉ trích quyết định kiểm duyệt bức hình.

Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì cấm ảnh "Em bé napalm" - 2

Ảnh châm biếm Facebook xóa hình "Em bé napalm".

“Tôi là tổng biên tập tờ nhật báo Aftenposten ở Na Uy. Tôi gửi lá thư này để thông báo rằng tôi không chấp thuận yêu cầu gỡ bỏ bức ảnh tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam của phóng viên Nick Út. Hiện tại hay tương lai, tôi không bao giờ chấp nhận sự kiểm duyệt vô lý này”, bức thư viết.

Hansen nhấn mạnh Facebook đã trở thành nền tảng chia sẻ thông tin lớn nhất toàn cầu và đồng thời là nơi giao tiếp, liên lạc giữa con người. Ông yêu cầu Facebook và ông chủ Mark hãy xứng đáng với danh xưng “người biên tập quyền uy nhất thế giới”.

“Tôi rất buồn và thất vọng, thậm chí là sợ hãi về những gì các ông đã làm với một rường cột của xã hội dân chủ. Tôi lo sợ rằng công cụ truyền thông quan trọng nhất thế giới đang hạn chế tự do và gia tăng ảnh hưởng một cách độc tài”.

Hansen nói rằng quyết định xóa ảnh của Facebook cho thấy công ty này không thể phân biệt nổi đâu là ảnh khiêu dâm trẻ em, đâu là bức ảnh chiến tranh lịch sử.

Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì cấm ảnh "Em bé napalm" - 3

Nick Út đạt giải báo chí Pulitzer vì tấm ảnh nổi tiếng.

“Dù tôi là tổng biên tập tờ báo lớn nhất Na Uy, tôi nhận ra rằng các ông đang cản trở không gian và trách nhiệm báo chí của tôi”, Hansen viết. Tổng biên tập này khẳng định Facebook đang lạm dụng quyền lực và không hiểu tại sao lại để xảy ra tình trạng như vậy.

Hansen nhấn mạnh thay vì làm cho thế giới rộng mở và kết nối hơn, hành động của Facebook chỉ khiến “thúc đẩy sự dốt nát và không thể khiến con người xích lại gần nhau”.

Tháng trước, Facebook sa thải một nhóm biên tập viên phụ trách các bài báo theo xu hướng và thay vào đó là hệ thống tự động. Công ty này nói rằng hành động trên giúp ngăn cản sự lệch lạc cá nhân khi một bài báo được đăng tải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – News Au ([Tên nguồn])
Chiến tranh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN