Nhật mua vũ khí Anh đối phó Trung Quốc trên biển

Ngoài những vũ khí tự sản xuất và mua từ Mỹ, Nhật Bản đã chi tiền mua khí tài hiện đại ở Anh để đa dạng hóa năng lực phòng vệ trước Trung Quốc.

Nhật mua vũ khí Anh đối phó Trung Quốc trên biển - 1

Nhật sẽ mua 11 xe đổ bộ-tấn công mặt nước AAV7 của tập đoàn BAE Systems.

Căng thẳng leo thang ở biển Hoa Đông buộc Nhật Bản phải mua những khí tài do Anh sản xuất nhằm đối phó Trung Quốc. Động thái của Triều Tiên gần đây cũng khiến chính quyền Tokyo lo ngại và tăng cường biện pháp phòng vệ.

Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) chính là nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định “vung tiền” mua hàng loạt vũ khí mới. Năm 2012, Nhật Bản quốc hữu hóa chuỗi đảo này và vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc.

Reuters đưa tin rằng ngoài trang thiết bị hiện đại, Nhật Bản sẽ mua 11 xe đổ bộ-tấn công mặt nước AAV7 do tập đoàn vũ khí BAE Systems sản xuất.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang đề xuất dự thảo ngân sách 100 tỉ yên (khoảng 965 triệu USD) nhằm mua nguyên một phi đội chiến đấu cơ F-35. Trực thăng Chinook và máy bay Osprey V-22 cũng được cân nhắc. Nhật muốn sở hữu thêm các máy bay do thám không người lái Global Hawk và tàu ngầm chiến đấu thế hệ mới do Anh sản xuất.

Chính sách “nghiêng trục sang châu Á” của Mỹ và phương Tây đang khiến Trung Quốc hết sức lo ngại. Nhiều nguồn tin cho rằng lính Anh cũng đồn trú với Mỹ tại căn cứ quân sự trên đảo Okinawa.

Hồi giữa tháng 8, Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bị phát hiện hoạt động bí mật ở đảo Okinawa cùng binh sĩ Mỹ. Hành động này được cho là vi phạm thỏa thuận quốc tế giữa Mỹ và Nhật Bản chỉ cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ ở Okinawa.

Hồi tháng 7, giáo sư chính sách ngoại giao John Bew từ đại học Kings’ College London nói rằng Anh phải chuẩn bị cho tương lai ở châu Á bằng cách gắn chặt lợi ích với Mỹ. Sau sự kiện Anh bỏ phiếu rời châu Âu, nền chính trị nước này biến động rất lớn.

John Bew viết: “Với chính sách nghiêng trục sang châu Á, Anh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đi kèm đó là cơ hội lớn”.

Chính sách yêu chuộng hòa bình của Nhật Bản sau thế chiến II đã được thay đổi vào năm 2015. Theo đó, nước này có thể can thiệp quân sự trên biển trong tình thế bị đe dọa. Hàng ngàn người Nhật đã đổ ra đường phản đối sự thay đổi luật pháp này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - RT ([Tên nguồn])
Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN