Nhật Bản nhọc nhằn trở thành “quốc gia bình thường"

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Ngày 1-11, trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã được bầu lại làm Thủ tướng nước này, trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Một trong những mục tiêu của ông Shinzo Abe là chỉnh sửa Hiến pháp, hướng Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường”, nhằm đối phó linh hoạt với các thách thức an ninh mới. Điều này có thể thành hiện thực khi ông Abe hội đủ các yếu tố thuận lợi. Song, con đường thì không hề dễ dàng.

Khởi đầu không dễ dàng

Ông Abe, 63 tuổi, bắt đầu giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 12-2012, với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng năng lực quốc phòng. Ông từng tuyên bố Hiến pháp hòa bình soạn thảo sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vốn hạn chế lực lượng quân sự nước này trong việc tự phòng vệ có thể sẽ được sửa đổi vào năm 2020.

Theo nhà lãnh đạo này, sau 68 năm kể từ khi có hiệu lực, nay đã đến lúc Nhật Bản cần xem xét sửa đổi bản hiến pháp một cách sâu rộng để phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc và nhằm khôi phục hoàn toàn vị thế cũng như đóng góp nhiều hơn của Nhật Bản cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây do hãng tin Kyodo thực hiện, 52,6% số người được hỏi muốn duy trì Điều 9 Hiến pháp hiện hành, trong khi 38,3% số người được hỏi ủng hộ đề xuất sửa đổi của Thủ tướng Abe.

Để được thông qua, dự thảo Hiến pháp này cần có được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ quốc hội cùng đa số người dân trong một cuộc trưng cầu ý dân. Chỉ một cuộc điều tra nhỏ thôi đã đủ thấy đường đi gian nan mà ông Abe và nội các của ông sẽ phải vượt qua.

Trong khi đó, chỉ 2 ngày sau khi ông Shinzo Abe chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ nữa, ngày 3-11, khoảng 40.000 người dân Nhật Bản đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội của nước này ở thủ đô Tokyo và tham gia các cuộc tuần hành nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày ban hành Hiến pháp hòa bình, với mục đích phản đối việc sửa đổi văn kiện này.

Nhật Bản nhọc nhằn trở thành “quốc gia bình thường" - 1

Binh sĩ Nhật Bản tham gia một cuộc huấn luyện. Ảnh: Business Insider.

Trước đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được đề cập trong cương lĩnh tranh cử 6 điểm của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản cho cuộc bầu cử Hạ viện hôm 22-10 vừa qua. Vốn được LDP đặt làm mục tiêu từ khi đảng này thành lập năm 1955, bản Dự thảo Hiến pháp được xây dựng lần đầu trên cơ sở các cuộc thảo luận cả trong và ngoài đảng với 4 điểm cụ thể, bao gồm các vấn đề liên quan tới bổ sung một nội dung đặc biệt về quy chế của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Mặc dù SDF đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của đạo luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng này, nhưng lại không được đề cập trong Điều 9 Hiến pháp, vốn đặt ra yêu cầu Nhật Bản từ bỏ chiến tranh, không duy trì trạng thái chiến tranh tiềm tàng.

Song song với việc khởi động lại dự án cải cách Hiến pháp, đặc biệt là Điều 9 của Hiến pháp nhằm chính thức công nhận sự tồn tại của SDF, Thủ tướng Abe đã tuyên bố tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và duy trì năng lực tấn công giới hạn.

Người dân không muốn mạo hiểm

Phân tích những nguyên nhân tại sao nhiều người dân Nhật không muốn cải cách Hiến pháp, trang mạng straitstimes.com cho rằng, có sự thỏa mãn và hài lòng nói chung của nhiều người dân Nhật Bản với mọi thứ đang có. Kết quả điều tra dư luận về đời sống người dân của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy 74% người được hỏi “có phần hài lòng” về cuộc sống của họ, con số cao nhất kể từ năm 1963.

Mặc dù vẫn còn những phàn nàn về tình hình thu nhập, nhưng không nhiều người bày tỏ về điều này. Như vậy, làm thế nào để đưa ra những thay đổi lớn ở một quốc gia, nơi mà thậm chí những tiến triển chậm chạp cũng bị coi là diễn ra quá nhanh? Đối với Nhật Bản, sự điều chỉnh cần thiết nên được đưa ra “từng chút một” trong lúc họ tự chuẩn bị cho chính mình và các nước láng giềng về thay đổi đó.

Giáo sư Liu Di thuộc Đại học Kyorin ở Tokyo nói rằng ông Abe đã nỗ lực đề cao phương châm "đưa Nhật Bản trở thành một đất nước bình thường" nhằm chiếm được cảm tình của người dân. Giáo sư này cho rằng ông Abe có thể thành công trong nỗ lực này. Về lâu dài, việc thay đổi sẽ mở đường để Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và một số nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Thêm vào đó, quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Abe, khiến nhiều người dân Nhật Bản và các nước trong khu vực lo ngại, khi quân đội Nhật Bản tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Tuy nhiên, có một điều tích cực khiến việc cải cách của ông Abe được người dân chấp nhận đó là việc Thủ tướng Abe muốn củng cố liên minh với Mỹ nhằm đối phó với Triều Tiên. Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản chỉ cách nhau ít tháng đã cho thấy hai bên thực sự muốn tăng cường quan hệ đồng minh trong bối cảnh cả khu vực quá phức tạp. Cả Nhật Bản và Mỹ đều nhận thức được rằng năng lực toàn diện của Trung Quốc đã trỗi dậy từ 6 năm trước, khi Trung Quốc vượt Nhật Bản về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Xu hướng không muốn đối đầu với Bắc Kinh của Washington đang tăng lên sau các cam kết tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây. Tất cả điều này khiến Nhật Bản không còn nhiều lựa chọn ngoài việc chuẩn bị cho con đường trở thành quốc gia “bình thường” để bảo vệ sự tín nhiệm và ảnh hưởng của họ ở châu Á. Quan trọng nhất vẫn là, làm thể nào để người dân Nhật Bản và phần còn lại của châu Á chấp nhận một Nhật Bản “bình thường”, với quân đội chính quy và năng lực hạt nhân được tuyên bố công khai?

Quay ngược thời gian

Cùng quay ngược thời gian, từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, năm 2012. Tại thời điểm đó, sửa đổi Hiến pháp trở thành mối quan tâm lớn của đảng cầm quyền. Có thể nói rằng những quy định tại Điều 9 Hiến pháp đã góp phần làm cho Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế do không phải đầu tư cho phát triển quân sự và mang lại hòa bình cho nước này trong một thời gian dài. Vậy thì tại sao hiện nay Nhật Bản lại muốn sửa đổi những quy định đó?

Trước hết cần hiểu nguyên nhân bên trong nước Nhật luôn khao khát đó là phải sửa đổi Điều 9 để có một quân đội mạnh tương xứng với sự lớn mạnh về kinh tế. Sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Nhật Bản từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Những bước phát triển thần kỳ của kinh tế đã làm cho Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới, đồng thời cũng làm nảy sinh ở nước này tư tưởng về một “quốc gia bình thường” với lập luận rằng hiện nay Nhật Bản là một cường quốc trên thế giới về kinh tế nhưng không có một tiềm năng quân sự tương ứng.

Nhật Bản nhọc nhằn trở thành “quốc gia bình thường" - 2

Xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh là mục tiêu của Nhật Bản. Ảnh: telegraph.co.uk.

Do đó, Nhật Bản cần theo đuổi mục đích trở thành một “quốc gia bình thường”, tức là cần xóa bỏ hết các rào cản để phát triển quân sự như các quốc gia khác, hơn nữa quân đội phải được hiện đại hóa để ngang tầm với một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bên cạnh đó, cần phải dỡ bỏ những rào cản để có thể tự do đưa quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không chỉ ở những vùng im tiếng súng mà còn có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới, đồng thời Nhật Bản có thể gửi quân đội đến những nơi khói lửa đạn bom để sát cánh chiến đấu bên cạnh các đồng minh của mình.

Tham vọng trở thành một cường quốc có tiếng nói nhất định đối với cộng đồng quốc tế đã đặt Nhật Bản trước sự lựa chọn phát triển quân sự và tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Như vậy, có thể nói rằng việc Nhật Bản muốn có một sức mạnh quân sự tương ứng với một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và xa hơn nữa là muốn khẳng định địa vị của mình trên trường quốc tế không chỉ bằng sức mạnh kinh tế mà còn bằng sức mạnh quân sự đã thúc đẩy Nhật Bản tiến hành sửa đổi Điều 9 Hiến pháp để mở đường cho việc tiến hành tái vũ trang, hiện đại hóa quân đội.

Với quy định như hiện nay thì chính điều 9 Hiến pháp 1946 đã trở thành rào cản đối với tham vọng quân sự của Nhật Bản và muốn thực hiện được tham vọng đó thì Nhật Bản cần tiến hành dỡ bỏ rào cản đó. Bởi lẽ, hiện nay tuy Cục phòng vệ Nhật Bản đã được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng nhưng Lực lượng phòng vệ do Bộ này quản lý vẫn chưa được hiện đại hóa để tăng cường sức mạnh và vẫn chưa được tự do tham chiến ở nước ngoài do những ràng buộc về mặt hiến pháp.

Tự chủ phòng vệ

Còn một nguyên nhân quan trọng thứ hai gần đây được một số quan chức trong Chính phủ Nhật Bản thẳng thắn đưa ra cho rằng, không có lý do gì mà Nhật Bản cứ phải duy trì những quy định chặt chẽ trong Hiến pháp để dẫn đến an ninh của đất nước không được đảm bảo. Một số chính khách Nhật Bản liên tiếp kêu gọi Nhật Bản không thể cứ mãi dựa vào cái ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ mà cần phải chú trọng tăng cường “tự chủ phòng vệ”.

Có thể thấy rằng, Nhật Bản đang muốn khẳng định mình, lấy lại niềm tự hào dân tộc bằng cách loại bỏ những áp đặt từ bên ngoài. Chính việc sửa đổi Hiến pháp trong đó có sửa đổi Điều 9 là một cách khẳng định mình, khẳng định về quyền tự quyết của một dân tộc đối với vấn đề chính trị, an ninh của dân tộc đó.

Ngoài ra, Nhật Bản với tiềm lực của mình cũng muốn vươn lên nâng tầm ảnh hưởng ở châu Á, cạnh tranh với các cường quốc khác trong khu vực vì vậy, việc ưu tiên phát triển quân sự là vấn đề đặt lên hàng đầu. Nếu Nhật Bản sửa đổi Điều 9 sẽ mở đường cho nước này tái vũ trang và có thể sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và thậm chí là có thể thực hiện được quyền phòng vệ từ xa thông qua việc “đánh đòn phủ đầu”. Điều mà cho đến nay Nhật Bản chưa làm được do tiềm năng quân sự chưa đủ mạnh và chưa có căn cứ pháp lý cho việc gửi quân ra nước ngoài tham chiến.

Cuối cùng, xuất phát từ tình hình thế giới nói chung, nhất là sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ vì nước này ủng hộ về mặt tinh thần cũng như vật chất cho Mỹ chống khủng bố. Do vậy, cũng như Mỹ, Nhật Bản phải luôn đề phòng cảnh giác trước sự tấn công của các lực lượng khủng bố cũng như của các nước thù địch với Mỹ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Nhật Bản là phải có một quân đội tinh nhuệ với trang bị vũ khí hiện đại và có thể hoạt động ở hải ngoại để đáp lại những cuộc tấn công nhằm vào nước này.

Nhật Bản sẽ thế nào nếu tất cả mọi ý định thay đổi diễn ra thuận lợi. Với những quy định như hiện nay thì ngay cả khi chiến tranh có sự tham gia của đồng minh nổ ra thì Nhật Bản cũng không có căn cứ pháp lý để gửi quân ra nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Nhật Bản nhận thấy rằng nếu Nhật Bản không tham gia vào việc phòng vệ chung sẽ là một thảm họa cho liên minh.

Ngoài ra, việc diễn giải lại Điều 9 còn cho phép Nhật Bản quyền phòng vệ tập thể và có thể là khởi đầu cho những thay đổi lớn trong chính sách an ninh và chính trị và quan hệ an ninh với các nước khác không chỉ Mỹ.

Như vậy có thể thấy rằng xuất phát từ tình hình trong nước và khu vực cũng như tình hình chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay, những nhà lãnh đạo trong đảng cầm quyền của Nhật Bản nhận thấy cần phải sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản để phù hợp hơn với hoàn cảnh mới.

Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản có nội dung: “Khao khát hòa bình thế giới dựa trên trật tự và công bằng, người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Để đạt được mục đích trên thì việc duy trì các lực lượng lục quân, hải quân, không quân cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không được phép. Quyền tham chiến của quốc gia không được thừa nhận”.

Nhật Bản: Còn phải làm việc tới chết đến bao giờ?

Công ty quảng cáo lớn của Nhật Bản Dentsu vừa bị một tòa án ở Tokyo phạt 500.000 yên (khoảng 4.400 USD) vì buộc nhân viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoa Huyền (An ninh thế giới)
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN