Mỹ đưa ra 7 phương án quân sự đối phó Triều Tiên

Báo cáo của Quốc hội Mỹ đã xác định bảy phương án quân sự mà Washington có thể dùng để đối phó mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 31-10 cho hay trong báo cáo gửi các nghị sĩ Mỹ hôm 27-10, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa ra bảy phương án quân sự mà Washington có thể dùng để đối phó Triều Tiên.

Các phương án này gồm nhiều giải pháp từ tăng cường ngăn chặn và kiềm chế Bình Nhưỡng tới thay đổi chế độ tại Triều Tiên và rút hoàn toàn lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Các phương án khác gồm duy trì nguyên trạng quân sự hiện nay, ngăn Triều Tiên sở hữu các hệ thống vũ khí có thể đe dọa Mỹ chẳng hạn bằng cách bắn hạ tất cả tên lửa Bình Nhưỡng phóng thử, và giảm thiểu số tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên cũng như các cơ sở hạt nhân của nước này.

Mỹ đưa ra 7 phương án quân sự đối phó Triều Tiên - 1

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cùng các tàu chiến khác của Mỹ và Hàn Quốc tuần tra ở Tây Thái Bình Dương ngày 3-5-2017. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, báo cáo của CRS cảnh báo nếu một cuộc xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, nó có thể cướp đi sinh mạng của 300.000 người trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Giả thuyết này chỉ tính trường hợp Triều Tiên sử dụng vũ khí truyền thống, chưa dùng tới vũ khí hạt nhân.

“Việc leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên có thể ảnh hưởng tới 25 triệu người dân sống ở biên giới liên Triều, trong đó có ít nhất 100.000 công dân Mỹ. Thậm chí nếu Triều Tiên chỉ dùng vũ khí truyền thống thì số người chết trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến ước tính sẽ từ 30.000-300.000 người” – báo cáo có đoạn.

Không chỉ vậy, Triều Tiên có thể sẽ khiến Tokyo tham gia cuộc chiến khi phóng tên lửa vào lãnh thổ Nhật, nơi nhiều khí tài quân sự Mỹ đang được triển khai.

Một cuộc xung đột quân sự như vậy cũng đặt ra các thách thức khác như việc sơ tán công dân Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên hay việc tái thiết nền kinh tế của Triều Tiên và Hàn Quốc sau chiến tranh.

Báo cáo trích một nghiên cứu hồi năm 2010 của nhóm chuyên gia RAND cho biết tổng số tiền rót vào một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí truyền thống như vậy có thể chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Hàn Quốc. GDP của Hàn Quốc năm 2016 là 1,4 ngàn tỉ USD.

Nhận định về tính khả thi của việc Mỹ khởi động tấn công Triều Tiên, ông Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng một cuộc tấn công như vậy cũng sẽ không thể nào loại bỏ được mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và chỉ khiến Mỹ cùng các đồng minh khu vực đối mặt tình thế tồi tệ hơn.

“Một cuộc tấn công quân sự mang tính ngăn chặn sẽ không thể tiêu diệt toàn bộ năng lực của Triều Tiên. Nó có nguy cơ gây ra một cuộc chiến trên diện rộng hơn, gây tổn hại cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi đó, hàng triệu người sẽ thương vong” – ông Green nói. Vị chuyên gia cảnh báo viễn cảnh sẽ còn tồi tệ hơn nếu Triều Tiên đưa vũ khí hạt nhân cho các nhóm khủng bố.

Triều Tiên: Mỹ âm mưu lật đổ ông Kim Jong-un bằng... thể thao

Triều Tiên vừa tuyên bố đã phát hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới nhất của Mỹ bằng cách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BẢO ANH (PLO)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN