Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng

Một chiếc máy bay nặng 2,3 tấn với duy nhất một phi công đã hoàn thành hành trình bay vòng quanh trái đất lịch sử của mình.

Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng - 1

Máy bay Solar Impulse 2 cất cánh ở Abu Dhabi tháng 3.2015

Máy bay sử dụng năng lượng mặt trời tên Solar Impulse 2 đã hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên, sau khi hạ cánh xuống Abu Dhabi sáng sớm ngày 26.7 (giờ địa phương).

Chiếc máy bay có một sải cánh rộng hơn một chiếc Boeing 747 và mang hơn 17.000 tế bào năng lượng mặt trời trên cánh. Solar Impulse 2 bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới vào tháng 3.2015 tại Abu Dhabi. Nó đã vượt qua Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và không sử dụng lấy một giọt nhiên liệu. Chuyến bay dài nhất kéo dài hơn 23 ngày.

Trả lời tờ Guardian, phi công duy nhất của Solar Impulse 2, Bertrand Piccard, cho biết anh cảm thấy rất xúc động khi sắp kết thúc hành trình: "Đây là một thời điểm rất, rất đặc biệt. Tôi đã phấn đấu vì mục tiêu này trong suốt 15 năm qua”.

Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng - 2

Solar Impulse 2 bay qua Ấn Độ

"Tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng chuyến bay này không chỉ là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không, mà còn là lần đầu tiên trong lịch sử năng lượng", anh nói.

"Tất cả công nghệ sạch chúng tôi sử dụng đều có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đã bay 40,000km, và giờ đến lượt người khác đưa việc này đi xa hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo tùy thuộc vào mỗi hộ gia đình, mỗi người đứng đầu đất nước, mỗi thị trưởng thành phố, mỗi doanh nhân, giám đốc điều hành của một công ty”.

"Những công nghệ này có thể làm cho thế giới tốt hơn nhiều và chúng ta phải sử dụng chúng, không chỉ vì môi trường, mà còn vì nó đem lại lợi ích và tạo ra việc làm."

Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng - 3

Chiếc máy bay năng lượng mặt trời hướng tới Hawaii

Vào ban ngày, các tấm bảng năng lượng mặt trời sẽ giúp sạc pin cho máy bay, nhưng “khối pin” chiếm 1/4 trọng lượng chiếc máy bay 2,3 tấn. Phi công sẽ đưa máy bay lên độ cao 29.000 feet (hơn 8.800m) trong suốt cả ngày và hạ xuống 5.000 feet (hơn 1.500m) vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng. Chiếc máy bay bay với tốc độ khoảng 30mph (hơn 48km/h), mặc dù nó có thể bay nhanh hơn nếu có nhiều ánh nắng.

Chiếc máy bay có thể bay gần như mãi mãi, nhưng các phi công thì không thể, do điều kiện khắc nghiệt trên máy bay.

Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng - 4

Phi công Piccard bên trong buồng lái máy bay

Tuy nhiên, hành trình vòng quanh thế giới của Solar Implulse 2 cũng gặp nhiều khó khăn. Tại Trung Quốc năm 2015, hiện tượng gió giật ngang tại sân bay đã khiến Solar Impulse 2 phải hoãn bay trong 2 tuần. Ngoài ra, những chiếc pin quá nóng khi bay qua Thái Bình Dương đã khiến máy bay phải dừng lại nghỉ trong một nhà chứa máy bay ở Hawaii. Nhóm thực hiện cũng gặp rắc rối tài chính vào năm 2015 nhưng sau đó đã kêu gọi thu về 20 triệu euro từ các nhà tài trợ.

Máy bay 2,3 tấn bay vòng quanh thế giới không cần xăng - 5

Báo chí phỏng vấn phi công Picard khi anh chuẩn bị cất cánh từ Trung Quốc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - The Guardian ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN