Lí do ít nước chịu mua vũ khí Trung Quốc

Dù rất muốn tấn công vào “chiếc bánh” khổng lồ của thị trường vũ khí nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc vấp phải vấn đề chất lượng khiến các đối tác nghi ngại.

Lí do ít nước chịu mua vũ khí Trung Quốc - 1

Chiếc JF-17 của không quân Pakistan mua của Trung Quốc tại triển lãm hàng không Châu Hải.

Triển lãm hàng không 2 năm một lần tổ chức ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là dịp để nước chủ nhà trưng bày những khí tài mới nhất với khách hàng tiềm năng từ châu Á, châu Phi.

Tổng cộng hơn 900 vũ khí được Trung Quốc trưng bày trong triển lãm 6 ngày. Hơn 700 đơn vị sản xuất từ 42 quốc gia góp mặt trong triển lãm và Trung Quốc góp mặt tới 400 gian hàng.

Dù nhiều chuyên gia quân sự khẳng định chất lượng của vũ khí Trung Quốc đã cải thiện nhưng các đơn vị sản xuất đang phải vật lộn để xây dựng thương hiệu. Thị trường vũ khí hiện nay đang bị Mỹ và Nga chiếm lĩnh phần lớn.

Trong triển lãm hàng không ở thành phố Pretoria, Nam Phi hồi tháng 9, Trung Quốc không tìm được khách hàng nào trong khi đang xoay xở vất vả với đơn hàng bán máy bay huấn luyện L-15 Falcon và máy bay chiến đấu JF-17. Andrei Chang, sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense trả lời trên tờ SCMP.

Lí do ít nước chịu mua vũ khí Trung Quốc - 2

Bắn thử tên lửa chống hạm tháng 7.2016.

Andrei cho biết Cameroon đã nhận 4 trực thăng chiến đấu Harbin Z-9 từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cho nước này vay 100 triệu USD năm ngoái. Tuy nhiên một chiếc máy bay Z-9 đã gặp nạn ngay khi vừa vận hành. Cameroon vẫn đang đàm phán với Trung Quốc về vụ tai nạn và không có ý định mua thêm bất kì máy bay nào vì lo ngại chất lượng kém.

Giáo sư Jonathan Holslag từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels cho biết vấn đề tài chính cản trở nhiều quốc gia mua vũ khí mới. Những nước này lưỡng lự trước quyết định chi một khoản tiền lớn cho những khí tài mà không rõ chất lượng.

 “Thị trường vũ khí cạnh tranh khốc liệt và nhiều quốc gia đưa ra giá bán rất thấp”, Holslag nói. Ông khẳng định nhiều khách hàng trước đây của Trung Quốc rất e ngại trước vấn đề chất lượng sản phẩm. “Bán vũ khí bao gồm việc sửa chữa, huấn luyện và riêng điều này đã tạo ra khoảng cách xa giữa Trung Quốc và các quốc gia khác”.

Các nhà sản xuất khí tài Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn nếu muốn bán vũ khí, nhất là khi tên lửa chống hạm nội địa C-705 bắn trượt mục tiêu khi diễn tập ở Indonesia hồi tháng 9. Đáng lưu ý, Tổng thống Joko Widodo cũng chứng kiến cuộc tập trận này.

Lí do ít nước chịu mua vũ khí Trung Quốc - 3

Tên lửa đất chống hạm duyệt binh tháng 9.2015.

Tạp chí quân sự danh tiếng Jane IHS cho biết hai tên lửa C-705 của Trung Quốc bắn trượt mục tiêu sau khi khai hỏa từ tàu chiến tên lửa KCR-40 trong cuộc diễn tập quân sự Armada Jaya quy mô lớn ở Java.

Trước đó, Indonesia có được giấy phép để tập đoàn nội địa sản xuất tên lửa chống hạm C-705 tới năm 2017 hoặc 2018, báo Jakarta Post đưa tin.

Hiện chưa rõ hợp đồng sản xuất có bị ảnh hưởng bởi vụ thử “xịt” hay không nhưng nhiều chuyên gia vũ khí cho rằng kết quả này sẽ có tác động tiêu cực lên doanh số bán vũ khí của Trung Quốc. Tên lửa chống hạm C-705 được dẫn đường bằng hệ thống GPS hoặc GLONASS có tốc độ cận âm.

Lí do ít nước chịu mua vũ khí Trung Quốc - 4

Tàu ngầm Trung Quốc diễn tập cùng hải quân Nga năm 2012.

“Rất khó để mọi tên lửa bắn chính xác mục tiêu đã định”, chuyên gia quân sự Châu Trần Minh, người từng làm việc trong tập đoàn Công nghệ và Khoa học vũ trụ Trung Quốc, nói. Tập đoàn này là nhà thầu chính trong chương trình vũ trụ của Trung Quốc. “Thông thường nhà sản xuất khuyến cáo mức độ chính xác khoảng 90 đến 95% khi bắn”.

 “Khi tên lửa bắn ra, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng quyết định việc trúng mục tiêu, trong đó có độ cao tên lửa cần phải đạt trong giai đoạn đầu hoặc khi nào nên chuyển hướng”, chuyên gia Châu nói.

Ông Châu cho biết năng lực của tên lửa C-705 cũng như các loại tầm ngắn như C-701 và C-704 đã được chứng minh trong cuộc chiến của phiến quân Houthi (Yemen) với lực lượng tàu chiến Ả Rập Saudi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN