Đằng sau việc Nga, TQ đồng ý cấm vận dầu mỏ Triều Tiên

Liên Hợp Quốc ngày 11.9 đã thông qua lệnh cấm vận mạnh mẽ nhất nhằm vào Triều Tiên từ trước đến nay, nhưng lệnh trừng phạt này đã phải sửa đổi để có được sự đồng ý của Nga và Trung Quốc.

Đằng sau việc Nga, TQ đồng ý cấm vận dầu mỏ Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo Los Angeles Times, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt thứ 9 nhằm vào Triều Tiên với 15 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt này có những sự khác biệt so với dự luật mà Mỹ đề xuất.

Nguồn tin thân cận ở Liên Hợp Quốc tiết lộ, đến tối ngày 10.9, Trung Quốc vẫn phản đối dự thảo trừng phạt mà Mỹ đưa ra. Sự hợp tác của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy trừng phạt Triều Tiên.

Mỹ ban đầu muốn ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên, phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới vẫn cho phép Triều Tiên nhập khẩu dầu với mức 4 triệu thùng dầu thô một năm và các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức 2 triệu thùng một năm. Các chuyên gia ước tính động thái này sẽ giúp giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên.

Mỹ cũng từ bỏ ý định phong tỏa tài sản của ông Kim. “Đó là đàm phán. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”, quan chức Mỹ nói.

Trên thực tế, Mỹ thừa nhận là không biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tài khoản ngân hàng, bất động sản hay tài sản cất giấu nào khác có thể phong tỏa ở nước ngoài hay không.

Trong lệnh trừng phạt mới, Liên Hợp Quốc không nhắc đến việc dùng vũ lực để chặn tàu Triều Tiên bị nghi vận chuyển hàng cấm, như thiết bị dùng cho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Đằng sau việc Nga, TQ đồng ý cấm vận dầu mỏ Triều Tiên - 2

Lệnh trừng phạt Mỹ đề xuất đã phải thay đổi nhiều đển được Nga và Trung Quốc thông qua.

Liên Hợp Quốc cũng không yêu cầu tất cả quốc gia trục xuất toàn bộ người lao động Triều Tiên mà chỉ khuyên không nên gia hạn hợp đồng với 93.000 lao động này.

Kết hợp với lệnh trừng phạt trước, ước tính 90% sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên trong các lĩnh vực nông sản, than đá, dệt may sẽ bị phong tỏa. Xuất khẩu dệt may đem về cho Triều Tiên 726 triệu USD vào năm ngoái.

Theo giới chuyên gia, lệnh cấm vận mới nhất đã giúp Mỹ đạt mục đích trừng phạt Triều Tiên, chỉ 8 ngày sau khi bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận không toàn diện mà chỉ giới hạn ở một mức nhất định nhiều khả năng sẽ không thể ngăn Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

“Mỹ và Trung Quốc về cơ bản có hai mục đích khác nhau khi trừng phạt Triều Tiên”, Joseph Cirincione, chủ tịch quỹ an ninh toàn cầu Ploughshares nói. “Mỹ muốn dựa vào trừng phạt để buộc Triều Tiên lùi bước, còn Trung Quốc chỉ muốn Triều Tiên chấp nhận đàm phán. Nhưng Mỹ dường như không còn ý định này”.

Hiện chưa rõ phản ứng của Triều Tiên sau lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đạt sự đồng thuận về cấm vận dầu mỏ Bình Nhưỡng.

Năng lực khai thác dầu mỏ đáng kinh ngạc của Triều Tiên

Mỹ đang cân nhắc gói cấm vận mới nhằm vào Triều Tiên, bao gồm cả khả năng lần đầu tiên áp đặt cấm vận dầu mỏ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Los Angeles Times ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN