Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày

Các chủ cửa tiệm rửa máu của khách hàng khỏi tay, thu dọn các mảnh vỡ và tiếp tục bày sạp chào mời khách chỉ sau vài tiếng bị đánh bom.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 1
Một phụ nữ Iraq đi qua khu nhà ám khói 

Dhulfiqar Oraibi, 16 tuổi, không hề định ra khỏi nhà tối thứ 7 đó vì cậu đã mệt, nhưng vẫn phải cùng anh trai Muthana ra sân bay quốc tế Baghdad đón cha, Ghanim Oraibi đi công tác Italia về. Khi đang nghỉ ngơi, Ghanim bất chợt thấy bất an và leo lên gác nhìn Dhulfiqar đang ngủ, điều mà ông hiếm khi làm, rồi thầm nghĩ liệu đây có phải là lần cuối được thấy con trai út.

Tới rạng sáng Chủ nhật 3.7.2016, cả nghìn người dân bắt đầu ùa ra đường để ăn uống, giải trí, hút shisha và mua sắm, khung cảnh vô cùng náo nhiệt thường thấy trong tháng chay Ramadan trước khi phải nhịn ăn cả ngày cho tới khi mặt trời lặn.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 2
Khung cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom 

Vài tiếng sau, một chiếc xe tải phát nổ. Ghanim thức dậy vì tiếng ồn váng đầu, hoảng hốt khi không thấy đứa con nào ở nhà. Ông không hề biết tất cả đã thức dậy sau khi chợp mắt và hòa vào dòng người trên phố, tranh thủ những giây phút hiếm hoi sau khi thủ tướng Iraq gỡ bỏ lệnh giới nghiêm 12h đêm.

Đường phố trở nên vô cùng hỗn loạn. Cảnh sát, cứu thương và xe chữa cháy hú còi ở khắp nơi. Nhiều người nhanh chóng trốn vào các tòa nhà vì sợ đánh bom liên hoàn, nhưng kiến trúc tệ hại khiến chúng càng dễ bắt lửa. Đêm đó có khoảng 300 người chết vì đánh bom và hỏa hoạn.

Muthana và bạn bè mất hàng tiếng đồng hồ tìm kiếm trong đống đổ nát. Cuối cùng, anh thấy em rể Ahmed Kadhem nhờ vào chiếc đồng hồ, và rạng sáng thấy thi thể của Dhulfiqar với đôi chân cháy rụi. Ngày hôm sau, 2 thanh niên xấu số cùng những nạn nhân khác được đưa về các nghĩa địa của thành phố.

Dù đau thương như vậy, nhưng vụ tấn công này, cũng do IS lại không được truyền thông đưa tin như khủng bố tại Nice và Orlando. Xem cập nhật liên tục về tình hình Mỹ và Pháp, người dân Iraq cũng muốn thế giới chú ý tới họ.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 3

"Baghdad không phải là thành phố của riêng người Iraq. Đó là một địa danh lịch sử với 1 triệu người gồm Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Do Thái giáo cùng chung sống hòa bình. Chúng tôi không xứng đáng chịu đựng những chuyện như thế này và đó là vấn đề cần phải giải quyết", sử gia Iraq, Dhia Assadi nói.

13 năm Mỹ vào Iraq cùng bất ổn song hành, các cuộc tấn công ngày càng tăng lên ở Trung Đông, đặc biệt tại Baghdad, con số lên tới 1.000 vụ mỗi năm. Chỉ cần một lần bom nổ ở các nước phương Tây có thể dẫn đến biến động chính trị, bầu cử và các phe phái chính phủ hay thay đổi chính sách, nhưng ở Baghdad thì không như vậy.

Giống như người Mỹ chẳng còn xa lạ với xả súng trường học, thì Iraq cũng coi việc khủng bố quá "thường". Các chủ cửa tiệm rửa máu của bạn bè, khách hàng khỏi tay, quét các mảnh vỡ và tiếp tục dựng sạp chào mời khách chỉ sau vài tiếng. Phụ nữ, đàn ông, trẻ em lại quay lại tụ họp ở quán xá trong thành phố.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 4
Một tổng đài khẩn cấp tại Baghdad 

Trong nhiều năm qua, Iraq đã có nhiều chính sách, cải thiện công nghệ để ngăn ngừa đánh bom nhưng giá dầu bất ổn và tốn kém quá lớn chống IS khiến Baghdad vẫn trong tình trạng thiếu an toàn, vật lộn với các cuộc tấn công mà thậm chí những thành phố lớn cũng phải lao đao.

"Ở New York là 10 năm 1 lần. Còn tại Baghdad, thì mọi lúc mọi nơi. Bom, bom và bom mỗi ngày", Ramzi Hadi Moussa, giám đốc bộ phận cấp cứu của Bộ Y tế Iraq ca thán. Trẻ em, phụ nữ gào khóc váng cả đường phố, còi hụ vang lên khắp mọi nơi.

Tất cả bắt đầu từ năm 2003, sau khi chế độ của Saddam Hussein bị lật đổ. Người dân không tin rằng IS là thủ phạm, mà cho rằng đó là các phe phái đánh nhau. Chỉ những người dân thường phải khổ sở. Họ tin rằng chính người Mỹ cũng có một phần trách nhiệm trong việc biến thủ đô của họ từ yên bình trở thành địa ngục, dù Mỹ đã giúp đỡ chính phủ mới Iraq trong việc chống khủng bố.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 5
Một chốt kiểm tra phương tiện 

Ở một trụ sở cứu hỏa tại Baghdad, lính ngồi xếp hàng và dán mắt vào điện thoại theo dõi bóng đá, và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng được gọi đi bất ngờ khi có sự việc như hôm 3.7 vừa qua.

"Đó không phải là hỏa hoạn thường. Người ta cứ nghĩ xối nước vào là lửa tắt, nhưng thật ra tệ hơn nhiều", Hamid, một lính cứu hỏa thuật lại.

Các vụ đánh bom thường diễn ra nối tiếp nhau. Cánh tài xế cứu thương hiểu rất rõ điều này. Họ chạy đôn đáo vài nơi suốt đêm là chuyện thường tình. Tuy nhiên vụ ở Karrada tồi tệ hơn rất nhiều. Nạn nhân bị cháy hoặc nát phổi, hay tổn thương vì hóa chất mỹ phẩm bắt lửa, bao quanh là thân nhân tức giận, đau đớn. Tất cả tạo nên khung cảnh vô cùng hỗn loạn.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 6
Oraibi và cháu gái 

"Đó là ngày đẫm máu nhất tôi từng thấy. Hàng trăm người gào thét tìm thân nhân và màu đỏ nhuốm mọi nơi trong không gian đầy mùi thịt cháy", Saleh, 35 tuổi thuật lại. Mức độ vụ tấn công khủng khiếp tới mức cả những bác sĩ Baghdad đã quen thuộc với bạo lực cũng sợ hãi. Tới giờ đã 3 tháng trôi qua và cơ quan y tế mới nhận diện đc ADN của 60 nạn nhân.

Quả bom trên xe tải vụ Karrada nổ giữa thành phố, tức là đã qua rất nhiều chốt kiểm tra, bao gồm cả chó nghiệp vụ. Rõ ràng vụ đánh bom này đã để lộ lỗ hổng trong an ninh, kèm theo là sự tức giận của người dân.

Tuy nhiên, bản thân việc ngăn ngừa khủng bố chẳng hề đơn giản. Baghdad có 9.5 triệu dân, tức 80% dân số Iraq.  Với mức độ phương tiện và người dày đặc như vậy, sai sót đương nhiên sẽ xảy ra. Giám sát hoạt động ngoài thành phố vẫn còn khả thi, còn nội đô phụ thuộc lớn vào các chốt chặn vốn đã quá tải, và chính bản thân nó cũng là mục tiêu tấn công. Nhận diện xe tình nghi dường như là một trò chơi đỏ đen mà chẳng mấy khi người chơi may mắn, kể cả khi có thiết bị quét của Mỹ.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 7

Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải được chôn nội trong vòng 1 ngày, nhưng thân nhân người tử nạn tại Karrada vẫn chưa thể tìm thấy thi thể vợ con, chồng và cha của họ. Mulkia Mehdi, 82 tuổi đã mất 2 con trai và 5 cháu nội. Hằng ngày, bà hát bài ca truyền thống khóc than cho người chết. "Giờ căn nhà trống trải quá", bà nói.

Bất chấp hứa hẹn của chính phủ, những thân nhân này vẫn chưa thể tìm được xác người thân hay thậm chí nhận tiền hỗ trợ dù đã lập hồ sơ đầy đủ. Người sống sót thì vật vã từng ngày. Hakim Chassib, bị liệt toàn thân sau vụ đánh bom năm 2015. "Tôi thấy người mất chân, tay đầu, người ngã qụy vì bị lửa thiêu cháy. Sau đó, bom lại nổ. Tôi rất lo lắng khi không thể di chuyển hay ngủ. Lưng tôi lúc nào cũng đau. Không biết tôi sẽ phải nuôi gia đình thế nào", anh lo lắng.

Cuộc sống trong thành phố bị đánh bom mỗi ngày - 8
Chassib và hai con 

Sau vụ đánh bom Karrada, người Hồi giáo, Thiên chúa giáo xuống đường tưởng niệm các nạn nhân và an ủi lẫn nhau. Gia đình Oraibi đặt tấm ảnh lớn lên giường cậu bé 16 tuổi. Họ nhận được lời chia buồn của hàng trăm người dân trong thành phố cùng "sống chung với lũ". "16 năm qua, tôi chưa hề hiểu nó muốn gì trong cuộc sống. Có lẽ nó không thuộc về thế giới này nữa", cha cậu nói.

"Chúng tôi đã quá quen với cảnh này. Đầu tiên là chiến tranh với người Kurds năm 1970. Rồi đánh nhau với Iran. Tiếp theo là Mỹ 2 lần, tới al-Qaeda, còn giờ là IS", ông nói tiếp. Trên đùi ông, đứa cháu gái luôn miệng hỏi cha, mắt ngấn nước.

"Tạo sao cứ là ở đây? Bảo lũ khủng bố tìm chính trị gia ấy, chúng biết họ ở đâu mà. Tại sao cứ nhắm vào dân thường chúng tôi chứ", Ghanim tức giận nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mẫn Di - BuzzFeed ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN