Trận đánh vỡ "trái tim" phát xít Đức của không quân Anh

Sự kiện: Vũ khí quân sự

19 máy bay của không quân Anh bất ngờ đột kích vào trung tâm công nghiệp nặng của phát xít Đức ở thung lũng Ruhr, phá 3 đập nước, gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất chế tạo xe tăng, vũ khí của phát xít Đức trong Thế Chiến II.

Trận đánh vỡ "trái tim" phát xít Đức của không quân Anh - 1

Một nửa số máy bay ném bom Anh bị phát xít Đức bắn rơi hoặc gặp tai nạn trên đường thực hiên chiến dịch ném bom đập nước.

Những trận đột kích với số lượng ít ỏi lính đặc nhiệm hay lực lượng không quân tinh nhuệ thường diễn ra điều kiện gần như bất khả thi, với xác suất rủi ro cực cao, thường khiến nhiều người phải trả giá bằng  mạng sống. Mời bạn đọc theo dõi loạt bài về những trận đột kích lớn như vậy trên thế giới.

Trước Thế Chiến 2, người Anh đã xác định ngành công nghiệp nặng phát xít Đức ở thung lũng Ruhr, bao gồm những con đập là mục tiêu chiến lược quan trọng nhưng không có vũ khí phù hợp để tấn công. Những con đập này không chỉ cung cấp năng lượng thủy điện, nước tinh khiết cho sản xuất thép mà còn cấp nước uống và nước cho hệ thống giao thông kênh đào.

Thung lũng Ruhr được coi là trái tim của phát xít Đức, sản xuất hàng loạt xe tăng, đạn dược và máy bay chiến đấu, phục vụ âm mưu xâm lược châu Âu cũng như chuẩn bị cho đợt tấn công quy mô nhằm vào Liên Xô ở Mặt trận phía Đông.

Cho đến năm 1943, nhiệm vụ được giao cho kỹ sư hàng không danh tiếng Barnes Neville Wallis. Wallis chế tạo thành công quả bom nặng 4 tấn, có thể bật nảy xuyên qua phòng tuyến của phát xít Đức và kích nổ tại bức tường bê tông phía dưới con đập.

Phi đội 617 được thành lập vào ngày 21.03.1943 để thực hiện chiến dịch táo bạo này. 19 chiếc máy bay ném bom hiệu Lancaster được sửa đổi cho phù hợp. Phi công phải bay với tốc độ 400 km/h,  chỉ cách mặt nước khoảng 30 mét, độ cao cần thiết để có thể sử dụng bom nảy thành công.

Chỉ huy Guy Gibson cùng 133 thành viên phi hành đoàn trên 19 chiếc Lancaster chỉ có chưa đầy 2 tháng để làm quen với những chiếc máy bay cải tiến, bay với độ cao sát mặt nước ngay trong đêm.

Trận đánh vỡ "trái tim" phát xít Đức của không quân Anh - 2

19 máy bay Lancaster chia làm 3 đợt tấn công đập nước phát xít Đức.

Mãi đến ngay trước khi mở màn chiến dịch, thành viên phi hành đoàn mới biết được mục tiêu mà mình sắp nhắm tới. 18 giờ ngày 16.5.1943, chỉ huy Guy Gibson truyền đạt những thông tin cuối cùng, "Chúng ta sẽ tấn công những con đập lớn nhất của Đức".

19 giờ 30 phút, phi hành đoàn được ăn bữa cuối cùng với hai quả trứng và thịt xông khói. Một số người đã nghĩ đây có lẽ là nhiệm vụ cuối cùng và để lại thông điệp nhắn gửi cho người thân.

21 giờ 28 phút, 9 máy bay trong đợt tấn công đầu tiên cất cánh, bao gồm 3 nhóm, mỗi nhóm cách nhau 10 phút. Đợt tấn công thứ hai sử dụng đường bay khác để đánh lừa phát xít Đức và đợt tấn công cuối cùng phải chờ đến gần nửa đêm.

Do thời tiết xấu, chiếc máy bay đầu tiên đã đi chệch hướng và bị tuyến phòng thủ dày đặc của phát xít Đức bắn hạ. Toàn bộ những người trên máy bay thiệt mạng. Các máy bay nằm nhóm đầu tiên đều bị bắn rơi hoặc nếu quay trở về cũng bị thiệt hại nặng nề, không một chiếc nào có thể tiếp cận được mục tiêu.

Nhóm thứ hai trong đợt tấn công đầu tiên do chỉ huy Guy Gibson dẫn đầu may mắn hơn và có thể hạ xuống tầm thấp sát mặt nước để tránh phát xít Đức. Tuy nhiên, những thách thức khi đó đối với phi hành đoàn là các chướng ngại vật vốn không thể kịp xác định trong đêm tối.

Trận đánh vỡ "trái tim" phát xít Đức của không quân Anh - 3

Máy bay ném bom Lancaster.

0 giờ 28 phút ngày 17.5.1943, chỉ huy Gibson mở đầu đợt trấn công vào đập Möhne. Những quả bom nảy đặc biệt của tiến sĩ Barnes Neville Wallis đã chứng minh hiệu quả. Theo quán tính từ máy bay, chúng nảy trên mặt nước, lọt qua hệ thống phòng thủ quanh các con đập và bay thẳng tới công phá bức tường chắn nước bằng bê tông. Ba quả bom như vậy khiến đập Möhne sụp đổ trong tích tắc.

1 giờ 54 phút, con đập thứ hai, Eder cũng sụp đổ, tạo ra 202 triệu tấn nước đổ xuống thung lũng và các khu vực xa hơn nữa. Kể từ đây, tín hiệu liên lạc bị gián đoạn và các máy bay phải tự đưa ra quyết định cho riêng mình. Bởi chỉ huy Gibson từng nói: "Phi đội này phải làm nên lịch sử hoặc bị tiêu diệt hoàn toàn".

Có ba chiếc Lancaster tiếp cận được đập Sorpe để thả bom sau nhiều lần bay lượn vòng. Đợt tấn công không thể phá hủy đập Sorpe vì lý do kỹ thuật. Chiếc máy bay còn lại hướng đến tấn công đập Lister nhưng không tiếp cận được mục tiêu.

Trong số 19 máy bay cất cánh, 11 chiếc ném bom trúng mục tiêu nhưng chỉ có 8 chiếc trở về thành công, 3 chiếc sớm phải quay trở về do trúng đạn, 5 chiếc bị bắn rơi trước khi đợt tấn công bắt đầu.

Các máy bay do thám của Anh sau đó phát hiện, những con đập bị xuyên thủng tạo ra dòng nước lũ xối xả, quét khắp thung lũng Ruhr, phá huỷ các nhà máy quân sự, nhà cửa và trạm phát điện tại đây.

Trận đánh vỡ "trái tim" phát xít Đức của không quân Anh - 4

Đập Möhne bị phá hủy sau chiến dịch táo bạo của không quân Anh.

Nhà máy thuỷ điện trên sông Möhne của Đức cũng bị cuốn trôi, gây rối loại hệ thống cung cấp năng lượng của chúng. Trong khi đó, nước các con sông trong vùng dâng cao đột ngột, nhấn chìm đường sắt và cầu cống khiến giao thông bị đình trệ.

Tổng cộng 1,294 người dưới mặt đất thiệt mạng, bao gồm 749 tù nhân Ukraine tại các khu trại dưới đập Eder. 92 nhà máy bị hư hại, 12 bị phá hủy hoàn toàn. Một vài nhà máy điện bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, 8 cây cầu hư hại và 25 cây cầu khác bị phá hủy.

Nhà sử học Robert Owen nói chiến dịch Chastice đã đi vào lịch sử bởi sự dũng cảm của các thành viên phi hành đoàn. "Mỗi người đều đóng góp yếu tố quan trọng làm nên thành công của cuộc đột kích. Đó là kỹ sư chế tạo bom nặng 4 tấn có thể nảy trên mặt nước. Đó là các thành tổ bay với kinh nghiệm và sự dũng cảm".

"Giống như cuộc chiến giữa người “tí hon David và gã khổng lồ Goliath”, chỉ với một số lượng nhỏ các máy bay nhưng đã phá hủy con đập vốn được coi là bất khả xâm phạm, xuyên qua tuyến phòng thủ dày đặc ở ngay trái tim ngành công nghiệp nặng của phát xít Đức và họ đã thành công".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN