Chuyện nữ quân nhân nắm trong tay “vận mệnh thế giới”

Ẩn sâu dưới lòng đất ở bang Wyoming (Mỹ) có một boongke, bên trong là hai sĩ quan không quân luôn luôn túc trực với khả năng phóng tên lửa hạt nhân - vận mệnh thế giới coi như nằm trong tay hai người này.

Chuyện nữ quân nhân nắm trong tay “vận mệnh thế giới” - 1

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III của Mỹ.

“Khi nhận được báo động, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm từ 10-15 tên lửa đạn đạo liên lục địa”, Đại úy Victoria Fort, thuộc căn cứ không quân Mỹ tại Cheynne, bang Wyoming nói trên Scout Warrior. Sức công phá của tên lửa hạt nhân này đủ sức biến toàn một thành phố thành tro bụi.

Căn hầm bí mật

Nếu như Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân trong khi Đại úy Victoria Fort đang có mặt trong boongke thì cô sẽ là người ấn nút phóng tên lửa. “Chúng tôi được huấn luyện mỗi tháng cho công việc này. Trong các nhiệm vụ tấn công giả định, chúng tôi diễn tập khả năng phóng tên lửa. Mọi chuyện sẽ thất bại nếu chúng tôi không ấn nút kịp lúc”, Đại úy Fort nói.

“Nếu như kẻ thù đang tấn công và chúng tôi sẵn sàng phóng tên lửa, tôi sẽ bảo vệ đất nước mình bằng mọi điều có thể”.

Boongke ở Wyoming được Fort gọi là “pháo đài”, là trung tâm của chiến lược quân sự răn đe hạt nhân. Đây là chiến lược được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh và cam kết trong 5 năm tới, Mỹ sẽ chi 108 tỷ USD để duy trì, nâng cấp năng lực răn đe hạt nhân.

Kể từ Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã vận hành bộ ba hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Đơn vị mà Đại úy Fort phục vụ nằm trong lực lượng răn đe hạt nhân trên mặt đất, từ Trung tâm Điều khiển Phóng (LLC).

Từ căn cứ ngầm dưới lòng đất, sĩ quan quân đội Mỹ chịu trách nhiệm quản lý và điều khiển tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III.

Chuyện nữ quân nhân nắm trong tay “vận mệnh thế giới” - 2

Mỹ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo Minuteman III.

450 quả tên lửa Minuteman được chia đều cho 3 căn cứ không quân ở các thành phố Cheyenne, Minot và bang Montana. Mỗi căn cứ này vận hành 15 LLC. Mỗi LLC có hai chuyên gia không quân theo dõi sát sao kho vũ khí hạt nhân. Bên trong boongke luôn có người trực, mỗi phiên khoảng 24 giờ hoặc cho đến khi có nhóm khác đến thay. “Trong thời điểm trực chiến, tôi không bao giờ được phép ngủ”, Đại úy Fort nói.

Tinh thần thép

Trong ngày đến phiên trực, nữ quân nhân 26 tuổi này đi xe riêng đến căn cứ vào lúc 7 giờ 30 phút sáng. Cô và đồng nghiệp sau đó được đưa đến một địa điểm bí mật nằm đâu đó trong phạm vi 24.864 km2 của căn cứ.

Đến nơi, hai người được đưa xuống lòng đất, mở cửa chống bom hạt nhân, đi qua hàng rào an ninh và đến buồng điều khiển tên lửa hạt nhân. Căn buồng này có kích thước tương đương với một chiếc xe tải thông dụng.

Căn buồng được thiết kế bao gồm một nơi để ngủ, nhà vệ sinh (không có vòi tắm) và một tivi. Mọi thứ đều được gia cố cẩn thận trừ hai chiếc ghế trước bàn điều khiển. Hai chiếc ghế có thể dịch chuyển theo đường ray ấn định sẵn. Trong trường hợp chiến sự nổ ra, các bộ giảm chấn đặt trong boongke sẽ hấp thụ sóng xung kích và bảo vệ Fort cùng đồng nghiệp.

Mặc dù “pháo đài” ở cách xa nhà của Đại úy Fort tại Cheyenne, nơi cô sống cùng với hai con mèo tên Squeeker và Tiny, cô cảm thấy yêu thích công việc giám sát và chỉ huy tên lửa của mình. “Thời gian trôi qua hết sức kỳ lạ vì ở dưới lòng đất, bạn không thể biết được đâu là ngày, đêm”, Fort chia sẻ.

Chuyện nữ quân nhân nắm trong tay “vận mệnh thế giới” - 3

Mỗi quả tên lửa đạn đạo Minuteman III gắn đầu đạn hạt nhân có thể hủy diệt toàn bộ một thành phố.

Để được đóng vai trò quan trọng như bây giờ, Fort đã phải trải qua 10 năm huấn luyện ở nhiều đơn vị khác nhau. Cô mới chuyển đến căn cứ Francis E. Warren hồi tháng 4.

Fort tiếp tục gặt hái những thành tích tuyệt vời ngay cả sau khi cô chuyển sang căn cứ Frances Warren hồi tháng Tư vừa qua. Hàng năm Không quân Mỹ tổ chức phong trào thi đua nhằm chọn ra các nhóm điều khiển tên lửa xuất sắc nhất. Năm nay Fort và một đồng nghiệp của cô đã chiến thắng cuộc thi và được tôn vinh ở vị trí số 1.

Nhưng cô gái đến từ Flordia không phải lúc nào cũng tự tin như vậy. Việc có thể nắm quyền kiểm soát tới 150 quả tên lửa hạt nhân khiến Fort cảm thấy căng thẳng. “Tôi hết sức lo lắng. Khi trực chiến, bạn gần như kết nối với vũ khí hạt nhân và điều đó rất khó để vượt qua khỏi tâm trí”.

Tuy vậy, Fort nói cô không bao giờ để mình bị chi phối. Bởi đó là điều quan trọng, để cho hệ thống hoạt động hiệu quả và nhiệm vụ được thực hiện nhanh chóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng nói: “Dù nguyên tắc răn đe hạt nhân hoàn toàn đơn giản nhưng nó dựa trên hệ thống phức tạp, cần đến các chuyên gia và công nghệ cao”.

Để giải quyết nhiệm vụ phức tạp này, lực lượng không quân Mỹ ở căn cứ Francis E. Warren có nhiệm vụ đơn giản: luôn sẵn sàng, mọi lúc, bất kỳ thời điểm nào. Mọi nhân viên quân sự đều phải đáp ứng nguyên tắc này và Fort không phải là ngoại lệ.

“Chúng tôi không ở tiền tuyến nhưng chúng tôi luôn túc trực để các nước khác phải dè chừng… bởi chúng tôi có loại vũ khí này. Đây là sự răn đe hiệu quả nhất”, Fort chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN