Bà Clinton âm thầm ra tranh cử Tổng thống Mỹ

Bà Clinton đang có tỉ lệ ủng hộ so với các đối thủ tiềm năng cao chưa từng thấy trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây.

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton sẽ mở màn chiến dịch tranh cử Tổng thống vào ngày Chủ nhật tới đây với quy mô ít rầm rộ hơn rất nhiều so với thông lệ: Bà sẽ chỉ đăng một đoạn video lên mạng để tuyên bố tranh cử, sau đó là những sự kiện tiếp xúc cử tri nhỏ lẻ rải rác trong những tuần tiếp theo.

Chiến lược “âm thầm” này của bà Clinton hoàn toàn trái ngược với các đối thủ đến từ đảng Cộng hòa, những người bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình một cách hoành tráng và ồn ã. Cách tranh cử lặng lẽ này cũng rất khác với nỗ lực chạy đua không thành năm 2008 của bà Clinton, khi những đoàn tùy tùng và vệ sĩ tiền hô hậu ủng trong các chuyến vận động tranh cử đã khiến bà trở nên xa cách với cử tri.

Trong bối cảnh đảng Cộng hòa đến nay vẫn chưa tìm ra được một ứng cử viên nào thực sự sáng giá, một nhân vật dày dạn chính trường đại diện cho đảng Dân chủ như bà Clinton có rất nhiều lợi thế nhưng cũng không ít hạn chế. Dù giờ đây bà rất dễ dàng thu hút đám đông, song bà Clinton cần phải chứng minh được với cử tri rằng mình đang nỗ lực hết sức để xứng đáng với chiếc ghế Tổng thống.

Bà Hillary Clinton
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton

Mục tiêu của chiến dịch tranh cử mà bà Clinton đề ra là biến bà thành một “chiến sĩ” đấu tranh cho quyền lợi của tầng lớp trung lưu, đồng thời xây dựng hình ảnh mình là một người có đầu óc thực tế, chú trọng vào kết quả công việc để vận hành chính phủ Mỹ hiệu quả nhất.

Sau khi tuyên bố tranh cử, bà Clinton sẽ tổ chức một số sự kiện nhỏ để tiếp xúc cử tri, trong khi đội vận động tranh cử của bà thiết lập “tổng hành dinh” tại thành phố New York để bắt đầu chiến dịch gây quỹ tranh cử, với mục tiêu đặt ban đầu là quyên được hơn 1 tỉ USD.

Trong chiến dịch tranh cử lần này, bà Clinton sẽ sử dụng ít trợ lý hơn năm 2008 với hy vọng sẽ giúp bà trở nên thân thiện, dễ gần hơn trong mắt công chúng.

Ông Tom Henderson, một quan chức Đảng Dân chủ ở bang Iowa nhận định: “Bà ấy cần phải là một chính trị gia gần gũi, đi vòng quanh sân khấu và gặp gỡ từ 20 đến 40 cử tri mỗi lần. Một khi lôi kéo được những người này, họ sẽ truyền bá hình ảnh của bà ấy cho những người xung quanh”.

Chồng của bà, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng có chung quan điểm: “Tôi nghĩ điều quan trọng mà Hillary đang làm là bà ấy ra đó như thể chưa bao giờ chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống để thiết lập mối liên hệ với cử tri”.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton tranh cử
Bà Clinton thất bại vì không đủ "gần dân" trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Clinton so với các đối thủ tiềm năng đang ở mức cao chưa từng thấy trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây. Đây là điều dễ hiểu, bởi những đối thủ này, chẳng hạn như Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, đều là những nhân vật kém nổi tiếng hơn rất nhiều so với bà Clinton.

Để thu hẹp khoảng cách, các đảng viên Cộng hòa đang ra sức công kích việc bà Clinton đã sử dụng email cá nhân để giải quyết các công việc khi bà còn là , cũng như việc quỹ của gia đình bà chấp nhận các nguồn đóng góp từ nước ngoài.

Ông Reince Priebus, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) tuyên bố: “Cử tri muốn bầu người mà họ có thể tin tưởng, và hồ sơ của Hillary chứng minh rằng bà là người không thể tin tưởng được”.

Trong khi đó, nhiều đảng viên Dân chủ cũng lo ngại rằng bà Cliton chưa đủ “gần dân” trong chính sách của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và Phố Wall, đồng thời lại là người sẵn sàng thỏa hiệp. Một số người thậm chí đã đề nghị đảng Dân chủ đưa Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ra ứng cử thay thế bà Clinton, dù thượng nghị sĩ này đã nhiều lần tuyên bố sẽ không ra tranh cử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN