Ả Rập Saudi cô lập Qatar, không ngờ làm lợi cho kẻ thù?

Việc Ả Rập Saudi và đồng minh đồng loạt cắt quan hệ với Qatar, đẩy nước này vào thế xích lại gần một quốc gia mà Ả Rập Saudi xem như kẻ thù.

Ả Rập Saudi cô lập Qatar, không ngờ làm lợi cho kẻ thù? - 1

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Theo The Hill (Mỹ), thế giới Ả Rập tuần qua chấn động bởi việc Ả Rập Saudi cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố. Quốc gia vùng Vịnh này còn liên kết với đồng minh để ngừng mọi hoạt động giao thương, nhằm cô lập Qatar.

Tác giả Albert B. Wolf, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hoa Kỳ ở Afghanistan, cựu trợ lý của nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ nhận định, Ả Rập Saudi và đồng minh không chiến thắng trong cuộc khủng hoảng này mà lại tạo cơ hội cho “kẻ thù không đội trời chung” trỗi dậy.

Chuyên gia Wolf phân tích, Qatar đã duy trì chính sách trái ngược với mong muốn của các quốc gia Ả Rập trong nhiều năm. Hãng thông tấn Al Jazeera của nước này thường đăng tải bài xã luận chỉ trích các nước láng giềng và truyền bá lợi ích cốt lõi của Qatar.

Một trong những chính sách này là việc Doha hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập hay duy trì quan hệ gần gũi với Iran – kẻ thù lớn nhất của Ả Rập Saudi.

Theo chuyên gia Wolf, Iran đã theo đuổi chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng đến Qatar và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Giới phân tích gọi GCC là “NATO của thế giới Ả Rập” và Iran coi tổ chức này thành lập nhằm kiềm chế và cô lập Tehran.

GCC thành lập năm 1981 do Ả Rập Saudi đóng vai trò chủ chốt, đặt trụ sở tại Riyadh. GCC hiện có 6 thành viên bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi, và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Iran từng bước can thiệp vào nội bộ GCC, khiến các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là Qatar thay đổi quan điểm, từ đó hạn chế kẻ thù mà Tehran phải đối mặt.

Ả Rập Saudi cô lập Qatar, không ngờ làm lợi cho kẻ thù? - 2

Xe tăng chiên đấu chủ lực Iran do nước này tự sản xuất.

Trong Thế chiến 2, Thủ tướng Anh Winston Churchill theo đuổi chính sách tương tự khi tìm cách đưa chế độ độc tài Mussolini ở Italy thoát khỏi phe Trục. Mỹ cũng dùng chính sách này với chính quyền Sadat của Ai Cập trong Chiến tranh Lạnh.

Khai thác mâu thuẫn giữa Doha và phần còn lại của GCC sẽ giúp Iran cân bằng vị thế chính trị trong khu vực, dù Qatar chưa hoàn toàn rút khỏi GCC.

Vậy Iran đã “lấy lòng” quốc gia giàu có nhất thế giới Qatar bằng cách nào? Một trong những chiến lược của Iran đối với Qatar là kinh tế. Iran sở hữu mỏ khí tự nhiên South Pars khổng lồ, trong khi Qatar lại là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới.

Qatar từ lâu lo ngại về việc Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, tháo bỏ “vòng kiềm tỏa”, khiến Iran xuất khẩu ồ ạt khí tự nhiên với giá rẻ. Doha “đi trước một bước” khi ký thỏa thuận với Iran vào năm 2014, giúp Tehran khai thác mỏ khí South Pars.

Lập trường ủng hộ tổ chức như Hezbollah và Hamas cũng khiến Qatar dễ dàng hiểu Iran hơn. Việc Iran điều 5 máy bay chở 450 tấn lương thực đến cứu trợ Qatar khi quốc gia này rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất cũng khẳng định quan hệ gắn kết Qatar-Iran mà Ả Rập Saudi lo ngại.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan điểm ủng hộ cô lập Qatar nhưng điều này không đem lại nhiều sự khác biệt. Mỹ duy trì quan hệ gần gũi với cả Qatar và Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi cô lập Qatar, không ngờ làm lợi cho kẻ thù? - 3

Bất chấp cấm vận, Iran vẫn đạt được nhiều thành tựu trong công nghệ quốc phòng.

Lầu Năm Góc tuyên bố không rút quân đội khỏi căn cứ lớn nhất Trung Đông ở Qatar. Chính quyền Mỹ buộc phải làm cầu nối xoa dịu căng thẳng, nếu không muốn Qatar ngày càng xích lại gần Iran hơn.

Một số nhà phân tích nhận định, khu vực vùng Vịnh sẽ gắn kết với nhau khi tất cả các nước, bao gồm cả Ả Rập Saudi và Iran, cùng chống kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Iran phản đối Taliban và vụ khủng bố 11.9. Tehrran cũng muốn chống lại sự bành trướng của IS ở Iraq và Syria. Tuần trước, IS nhận trách nhiệm tấn công khủng bố kép ở Iran, khiến 12 người thiệt mạng. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại bởi IS đã vượt al-Qaeda để lần đầu tiên tấn công khủng bố Iran.

Tuy vậy, sự xuất hiện của kẻ thù chung như IS nhiều khả năng không trở thành cầu nối giữa Iran và Ả Rập Saudi. Nhiều thế lực ở vùng Vịnh thậm chí còn muốn chống Iran hơn, nhưng vẫn miễn cưỡng gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Mối bất hòa về hệ tư tưởng giữa người Hồi giáo dòng Sunni ở một số quốc gia vùng Vịnh và người Hồi giáo dòng Shia ở Iran đã kéo dài hàng trăm năm qua và không dễ dàng chấm dứt.

Chuyên gia Albert B. Wolf kết luận, mâu thuẫn giữa Doha với các nước thuộc GCC và Ai Cập có thể sẽ không trầm trọng đến mức làm tan rã “NATO của Ả Rập”.

Nhưng điều này là vừa đủ để các quốc gia vùng Vịnh không thể xây dựng liên minh chống Iran. Và như vậy, Iran chính là nước hưởng lợi lớn nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, ông Wolf nói.

Hậu quả khôn lường khi Thổ Nhĩ Kỳ vội đưa quân đến Qatar

Thổ Nhĩ Kỳ vội thông qua dự luật đưa quân đến bảo vệ Qatar chỉ càng làm phức tạp thêm mâu thuẫn vốn có giữa các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - The Hill ([Tên nguồn])
Khủng hoảng ngoại giao Qatar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN