Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước

Khó khăn lớn của mẫu ngoại quốc ở Việt Nam không phải thu nhập mà là… bị đèo bằng xe máy!

Nhìn vào diện mạo của làng thời trang Việt trong những năm gần đây, có thể thấy, bên cạnh lớp người mẫu Việt thế hệ mới đang “trỗi dậy”, các chân dài có nguồn gốc quốc tế hay gọi nôm na là “mẫu Tây” đang tạo nên một làn sóng ngầm nhưng không kém phần mạnh mẽ.

Sau sự xuất hiện đầy ấn tượng của một số chân dài ngoại quốc như Andrea, Venera Pratova…, những người đẹp có chiều cao nổi trội và khung xương khác lạ này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong làng mốt.

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 1

Maria Ruleva, một người mẫu Ba Lan đang làm việc tại Việt Nam

“Khó khăn lớn nhất là… bị đèo bằng xe máy”

Một trong những người đầu tiên nắm bắt xu hướng thuê người mẫu Tây ở Việt Nam là Alex Phạm Tường Lân, (30 tuổi) giám đốc một công ty chuyên quản lý các chân dài ngoại quốc, có trụ sở tại Hà Nội. Chia sẻ về lý do khởi nghiệp bằng con đường ít người nghĩ tới này, Tường Lân cho biết, cách đây khoảng 4 năm (năm 2011), anh nhận thấy các hãng thời trang đã manh nha sử dụng mẫu nước ngoài để chụp hình quảng cáo.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các công ty chủ yếu vẫn tập trung cung cấp người mẫu Việt. “Có cung, ắt có cầu”, nhận thấy một xu hướng dù mới nhen nhóm nhưng vẫn đầy triển vọng, Phạm Tường Lân quyết định phát triển thương hiệu mới, tập trung vào các người mẫu da trắng, da màu và con lai.

Khi mới khởi nghiệp, công ty của Tường Lân chỉ có khoảng 4 – 5 người mẫu để thử nghiệm thị trường. Tuy nhiên, nhờ định hướng đúng đắn, tới nay, người làm thời trang Việt Nam đã quen dần với việc thuê người mẫu nước ngoài làm việc. “Hiện tại, tôi duy trì ở mức từ 12 – 15 mẫu để đáp ứng nhu cầu trong nước” – Tường Lân chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất của vị giám đốc 30 tuổi khi đi theo con đường chưa mấy ai “phát quang” này là phát triển thị trường. “Thời điểm đó, mọi người vẫn đang quen sử dụng hình ảnh mẫu Việt để chụp sản phẩm nên khi có dịch vụ mới, chúng tôi phải giới thiệu và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình”.

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 2

Giám đốc Alex Phạm Tường Lân và Maria Ruleva, người mẫu thuộc quyền quản lý của công ty anh

Bên cạnh đó, việc quản lý người nước ngoài cũng khác với người Việt. Theo Tường Lân, nếu như với người Việt cần tới sự mềm dẻo, khéo léo thì với người nước ngoài, mọi thứ phải rõ ràng, thẳng thắn ngay từ đầu.

Không chỉ công ty quản lý mà bản thân những người mẫu cũng gặp phải không ít khó khăn khi chập chững bước vào một môi trường xa cách về địa lý, khác biệt về văn hóa.

Maria Ruleva, sinh năm 1995 đến từ Ba Lan là một trong những người mẫu đầu quân cho công ty của Tường Lân ở Hà Nội. Chân dài này cho biết, rào cản lớn đối với cô là ngôn ngữ bởi không phải ê kíp sản xuất nào ở Việt Nam cũng có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Chính vì vậy, mẫu Tây thường cần thêm một quản lý đi cùng để phiên dịch, giúp họ lĩnh hội tốt nhất ý tưởng của ê kip.

Một trong những vấn đề khó lường khác với mẫu Tây là… sợ bị đèo bằng xe máy! Maria Ruleva cho biết, thời gian đầu mới tới Việt Nam cô rất sợ hãi vì đường phố đông đúc, “nhưng dần dần về sau thì quen và thích được đi xe máy hơn cả taxi”.

Bên cạnh những khó khăn, người mẫu Tây lại có nhiều ưu thế mà theo giám đốc Tường Lân, là về nền tảng tốt cho công việc. “Từ bé, mẫu ngoại quốc đã được học về nghệ thuật nên họ khá nhạy bén trong công việc. Ngoài ra, do chúng tôi mang đến cho thị trường thêm sự lựa chọn đa dạng, bắt kịp xu hướng nên cũng có nhiều lợi thế” – Tường Lân khẳng định.

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 3

Maria Ruleva sợ nhất là... được đèo bằng xe máy ở Việt Nam

“Mê” Việt Nam vì dễ tiếp xúc với thương hiệu cao cấp hơn

Dù có khá nhiều ưu thế về nền tảng đào tạo nhưng người mẫu Tây ở công ty của Tường Lân vẫn được tuyển chọn kỹ lưỡng dựa trên nhiều tiêu chí. Người mẫu dưới quyền quản lý của anh đều được chọn qua 3 vòng: Xem portfolio, video casting (tuyển trạch qua video) và phỏng vấn.

Ngoài tiêu chí về hình thể, các cô gái, chàng trai ngoại quốc cần có khả năng tạo dáng trước ống kính, biểu cảm và đi catwalk. Tuy nhiên, ít người biết đến là với Tường Lân, điều cơ bản nhất, chiếm tới 50% quyết định của anh lại là thái độ làm việc chuyên nghiệp của người mẫu.

Phải trải qua nhiều vòng thi tuyển, sinh sống và làm việc tại một nơi xa lạ nhưng không ít chân dài vẫn muốn tìm đến Việt Nam. Bên cạnh lý do môi trường thời trang Việt Nam đang phát triển và có nhu cầu cao với mẫu ngoại quốc, Maria Ruleva thừa nhận, khi tới Việt Nam, cô có nhiều cơ hội hơn.

“Làm việc ở Việt Nam, tôi có cơ hội hợp tác với các nhiếp ảnh gia hàng đầu, được chụp cho các tạp chí và thương hiệu cao cấp. Điều này rất khó thực hiện nếu tôi làm việc trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt như Paris, Milan hay New York. Tôi tin rằng, thời gian làm việc ở Việt Nam giúp tôi có một hồ sơ đẹp để xâm nhập các thị trường khác” – Ruleva thổ lộ.

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 4

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 5

Ở thị trường Việt, mẫu Tây dễ tiếp cận với các nhiếp ảnh gia, tạp chí và hãng thời trang hàng đầu hơn

“Cát sê còn dư để mang về nước!”

Mỗi tháng, tùy theo mùa cao điểm hay thấp điểm, những người mẫu Tây như Maria Ruleva nhận được từ 12 tới 18 hợp đồng. Có những ngày bận rộn, cô phải làm việc từ 5h sáng tới 10h tối.

Do chi phí thuê một chân dài ngoại quốc chụp ảnh hay quay quảng cáo tương đối cao so với mẫu Việt Nam nên không phải hãng nào cũng chịu được mức phí này. Thông thường, chỉ có các nhãn hàng lớn, cao cấp mới thuê mẫu Tây.

Nhờ các hợp đồng khá đều đặn có được qua công ty quản lý cùng nhu cầu đang lên của làng thời trang Việt, cả Alex Phạm Tường Lân và Maria Ruleva đều khẳng định, thu nhập mà mẫu Tây kiếm được không chỉ trang trải được cuộc sống ở Việt Nam mà còn dư để mang về nước.

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 6

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 7

Thu nhập của mẫu Tây còn đủ để mang về nước

Mẫu Tây ở Việt Nam: Cát sê còn dư để mang về nước - 8

Hậu trường chụp ảnh người mẫu Tây tại TP.HCM

Nếu như trong làng thời trang Việt, không ít người mẫu dùng chiêu trò để cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật hợp đồng hay vị trí vedette thì cuộc “đua” giữa các mẫu Tây lại diễn ra theo một cách khác. Sự cạnh tranh nếu có khá lành mạnh, dựa trên sự phấn đấu, nỗ lực về chuyên môn. Vì theo Maria Ruleva, tuy người mẫu Tây ở Việt Nam không nhiều, tuy nhiên, do chỉ có các hãng cao cấp mới mạnh tay chi nên độ cạnh tranh vẫn cao.

Cũng theo giám đốc Alex Phạm Tường Lân, người mẫu đầu quân cho công ty anh đều là mẫu độc quyền, vì vậy đơn vị quản lý luôn cố gắng đảm bảo giảm thiểu những cạnh tranh thiếu lành mạnh tương tự. “Bản thân tôi mong muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp và có lẽ vì rào cản văn hóa, ngôn ngữ nữa, nên chỉ muốn tập trung vào chuyên môn mà thôi!” – chân dài đến từ Ba Lan khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN