Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston

Đồ bộ veston từ xưa tới nay luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tủ quần áo của phái mạnh.

Những tưởng veston xưa nay được mặc định là lãnh địa riêng dành cho dân công sở văn phòng hoặc các quý ông có vai vế cao trong xã hội. Hoặc chí ít, vest chỉ được dùng trong ngày lễ tết, hiếu hỉ. Tuy nhiên, nếu tản bộ một vòng quang phố cổ Hà Nội, quan niệm của bạn hẳn sẽ thay đổi hoàn toàn.

Chuyên đề Veston ấn tượng cùng năm tháng sẽ đưa đến cho bạn đọc hiểu rõ hơn và có những góc nhìn mới mẻ hơn về loại âu phục này trong thời hiện đại!

Complet (tiếng Pháp), suit (tiếng Anh) – hay còn gọi là comple, com-lê, veston theo cách phiên âm của người Việt là thứ trang phục không thể thiếu được trong tủ quần áo của các quý ông. Ngày xưa, thứ đồ bộ này chỉ dùng trong các dịp đặc biệt, trọng đại song ngày nay, nó trở thành trang phục quen thuộc ngày thường mà bất cứ ai, kể cả tín đồ thời trang hay không phải tín đồ thời trang đều nên có ít nhất một bộ trong tủ quần áo.

Không chỉ là thứ quần áo thông thường, veston còn giúp người đàn ông thể hiện phong cách, gu thẩm mỹ, sự chu toàn trong ăn mặc, để cao vẻ thành đạt trong cuộc sống.

Quả vậy, nhà tạo mẫu lừng danh Calvin Klein đã từng nói: "Tính cách và quyền lực của người đàn ông được thể hiện qua bộ đồ suit". 

Cuộc du nhập của veston 

Nhìn chung, cách ăn vận veston của đàn ông Việt Nam từ trước tới nay, do ảnh hưởng từ cách ăn mặc Âu hóa của Pháp (miền Bắc, miền Trung) và cách ăn của người Mỹ (miền Nam) từ thời trước giải phóng, nên cũng đi theo xu hướng kinh điển của veston thế giới. Tuy vậy, tùy thuộc vào sở thích, hoàn cảnh sống, điều kiện khí hậu mà các mẫu veston cũng có ít nhiều thay đổi sao cho phù hợp.

Người dân Hà thành làm quen với áo veston từ khá sớm, khi quân Pháp tràn vào lần thứ hai vào năm 1882. Lúc này các thợ may khéo tay tại Hà Nội đã biết học lỏm và quan sát để tự tay may những bộ veston đầu tiên theo đặt hàng của lính Pháp.

Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (xuất bản ở Paris 1896), bác sỹ Hocquard mô tả: “Khi đến Hà Nội, chúng tôi thấy những người bạn cùng đội hải quân mặc những bộ complet (veston) tuyệt đẹp bằng vải Flanen do những người thợ An Nam may. Cửa hàng may cũng giống như những cửa hàng của các tiểu thương Hà Nội. Đó là một ngôi nhà tranh khá giống nhà kho lớn được mở cửa hướng ra đường. Phía trong ngôi nhà chia thành hai buồng bởi tấm liếp tre đan lưới mắt cáo. Thợ may ngồi vắt chéo chân. Ba (tên chủ tiệm may) giải thích với họ là phải để lại một bộ làm mẫu. Giá khoảng bảy đồng bạc làm trong hai ngày đúng như mẫu”.

Tuy vậy, thời đó, có rất ít người Việt mặc veston Tây, phần vì e ngại, phần vì giá cả của thứ trang phục này cũng không hề rẻ chút nào.

Theo một số tài liệu ghi lại, những năm đầu thế kỷ 20, tại khu Đấu Xảo (nay là cung văn hóa hữu nghị Việt Xô) đổi thành tên Mauce Long và tại đây cho mở các lớp dạy cắt may đồ Tây, thu hút rất nhiều người tới học và học viên sau đó ra phố mở hiệu may veston. Nổi tiếng thời ấy có ba hiệu ở phố Hàng Trống là Phúc Mỹ, Tân Hưng và Tân Đức Hiệp.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục đàn ông ở Hà Nội dần được Âu hóa khá nhanh. Họ bắt đầu làm quen với các kiểu Âu phục, trong đó có veston. Nét ăn mặc trang nhã ấy hiện vẫn là một vẻ đẹp văn hóa trong lịch sử thời trang của thủ đô.

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 1

Ảnh đám cưới năm 1954 (ảnh sưu tầm)

Trong khi đó, mãi về sau, tầm những năm 90 trở lại đây. Ở nông thôn miền Bắc, người dân mới bắt đầu quen thuộc với kiểu trang phục trịnh trọng này.

Veston ngày xưa thường được may đứng dáng, rộng rãi không ôm, một hàng khuy. Cách mặc thời trước cũng rất lịch sự và chỉnh tề. Đã đóng bộ veston là phải đi cùng áo sơ mi trắng và caravat chứ không ai phối cùng đủ kiểu áo thun, áo chẽn như bây giờ.

Veston thời trước có có tiền công may đắt nên nó chỉ thường được dùng vào dịp cưới xin. Giá may thời bao cấp khoảng 70 - 100 đồng, trong khi lương tháng của giới công nhân viên chức trung bình chỉ khoảng 50 đồng. Do đó, các chủ rể thường phải đi mượn của nhau chứ cũng ít người có đủ điều kiện để thửa riêng cho mình một bộ.

Nổi tiếng nhất thời trước, từ khoảng những năm 50 tới đầu thập niên 90 có nhà may Tiến Thành – là một trong những nhà may đồ bộ đầu tiên ở Hà Nội tọa lạc ở 46 Lê Thái Tổ… Đến nay nhà may Tiến Thành vẫn còn tồn tại nhưng không còn ở vị trí cũ 46 Lê Thái Tổ nữa mà sau năm 1997 đã chuyển sang số 8 phố Hàng Dầu. Đặc biệt, người chủ của nhà may không ai khác chính là NSƯT Tiến Đạt, con trai của nghệ nhân may veston Tiến Thành. Và ông cũng là một người được công chúng biết tới với các vai diễn giám đốc hoặc vai phản diện trong phim truyền hình hoặc kịch nói.

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 2

NSUT Tiến Đạt là truyền nhân của cha mình, nghệ nhân may veston Tiến Thành (ảnh sưu tầm)

Nhà may veston Tiến Thành tại số 46 Lê Thái Tổ từng là địa chỉ may đo đồ bộ quen thuộc của rất nhiều các chính khách như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị… và nhiều nguyên thủ quốc gia nước ngoài khác.

Ở miền Trung, tại vùng bị tạm chiếm thì giới thanh niên, trung niên công sở chuộng kiểu đồ bộ Tây phương. Họ thích diện áo vest đi cùng quần âu đồng bộ màu sáng, đơn ngực (một hàng khuy) hoặc ngực đôi (hai hàng khuy), thắt caravat đi giày da, chống gậy ba toong…. Diện mạo của người mặc cũng được chải chuốt để phù hợp với kiểu ăn vận bảnh bao này, tóc được cắt ngắn, rẽ ngôi, chải bóng mượt.

Để hình dung rõ hơn ta có thể thấy ngay ở hình ảnh của cựu hoàng Bảo Đại thường đóng bộ lịch lãm với áo khoác một hàng hai khuy kèm áo gile phối cùng sơ mi trắng, caravat cổ điển to bản và quần tây ống đứng cùng màu cho các sự kiện lớn và thậm chí là quần khác màu kèm caravat có họa tiết đặc sắc hơn trong những khoảnh khắc đời thường.

Không chỉ ưa chuộng các gam màu cơ bản như xanh tím than, đen, ghi sáng mà một vài ảnh tư liệu của cựu hoàng Bảo Đại còn chuộng những kiểu mặc veston mang nét gần giống cách diện veston ngày nay như áo làm từ vải họa tiết kẻ, caravat “hoa lá cành”.

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 3 Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 4

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 5

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 6 Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 7

Ông hoàng cuối cùng của triều Nguyễn lịch lãm với veston

Ở miền Nam, nhất là tại Sài Gòn (cũ) trước năm 1975, cách ăn mặc của người dân cũng được Tây hóa rất đậm nét. Hầu hết đàn ông đều quen với kiểu veston cùng áo sơ mi, đi giày Tây, đội mũ phớt. Veston có nhiều màu sắc, chất liệu vải và kiểu may.

Từ năm 1975 đến nay, đa số đàn ông mọi lứa tuổi trong cả nước đều mặc quần tây có xuất xứ từ châu Âu, vào nước ta từ khi Pháp sang đô hộ. Kiểu quần âu cũng biến đổi nhiều, từ quần ống hẹp 20cm, cho tới quần ống rộng hơn vào những năm 40, từ 50-70 thì lại thu lại xuống ống 20 cm. Quần âu có ly lật vào trong hoặc lật ra ngoài, túi chéo cho dễ đút tay vào túi quần hơn hoặc túi thẳng có tính thẩm mỹ hơn….

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 8

Tổng đốc Nam Kỳ và cũng là một trong 4 người giàu nhất Nam Kỳ xưa, Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914) cho thấy hình ảnh của bộ vest Tây đã du nhập rất sớm vào nước ta

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 9

Ảnh đám cưới ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1979 (ảnh sưu tầm)

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 10

Hình ảnh thời trẻ của cố nhạc sĩ, ca sĩ  Duy Khánh 

Áo sơ mi của nam giới thường mặc áo sơ mi có ve cổ áo và măng sét to bản. Thanh niên mặc áo chiết ly, gấu áo lượn, dáng đuôi tôm trẻ trung.

Áo khoác ngoài thuộc đồ bộ veston có thời gian ve to, rồi lại nhỏ, nay lại to vừa. Có loại ve nối, hoặc ve liền với kiểu ve nhọn, ve xếch, ve danton. Không chỉ có loại áo xẻ sau và không xẻ mà có thời gian người ta còn chuộng kiểu áo có đường xẻ nhỏ hai bên hông tạo sự thoải mái.

Caravat có thời gian rất nhỏ làm bằng vải ni lông. Nay lại rất to làm bằng các loại vải hoa. Cho tới thời hiện đại thì nhiều người đã bỏ thói quen thắt caravat to bản mà thay vào đó là nơ hoặc caravat bản nhỏ hoặc không thắt.

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 11

Áo vest từng có thời có phần ve áo rất to như thế này

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 12

Có lúc phần ve áo lại thu nhỏ

Veston những năm đầu đổi mới và hiện tại

Tới những năm 90, người ta vẫn chuộng kiểu áo khoác ngoài dáng hơi suông, rộng, áo gile cũng rộng chứ không ôm khít như bây giờ. Theo như nói vui của những người đã đi qua giai đoạn này thì cho rằng, thời ấy “đói” ăn, ai cũng gầy gò nên họ chuộng mặc veston màu sáng như màu ghi, xám, màu tàn tro thuốc để trông có vẻ… béo tốt hơn. Mốt nhất thời ấy là veston may hơi thùng thình một chút để tiện cho người thân mượn khi cần, không bổ sau, áo hai khuy là phổ biến nhưng kiểu áo ba khuy và khi mặc chỉ cài khuy giữa mới là mốt nhất thời bấy giờ. Một số nhà may cũng có bổ dọc ở thân áo sau như veston hiện đại nhưng với thời ấy, kiểu thiết kế này lại không được “sành điệu” lắm!

Cũng vào khoảng đầu những năm 90, các loại quần áo Trung Quốc tràn vào nước ta. Một bộ đồ veston may sẵn có giá khoảng 80 đồng, rẻ và tiện hơn đồ may nên nhiều cửa hiệu may veston ở Hà thành bị xóa sổ.

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 13

Vào thời bao cấp tại Hà Nội chỉ xuất hiện lác đác bóng dáng của những bộ veston

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 14

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 15

Sau đó tới những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nó đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều

Khoảng cuối năm 90 thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21, trào lưu mặc veston có phần hiện đại hơn nhiều, người ta đã bắt đầu mặc quần ống côn và áo thun với chiếc áo khoác của đồ bộ comple.

Tới thời hiện đại, trang phục veston của nam giới được cải tiến khá nhiều. Những bộ veston được may sao cho vừa vặn với cơ thể. Có loại veston ôm dáng, chít eo, màu mè, làm từ nhiều chất liệu như dạ, nhung… mang phong cách Hàn Quốc. Cánh thanh niên còn chỉ lấy nguyên áo vest từ đồ bộ để mặc chung với quần bò ống côn, quần kaki chun bó chẽn, quần vải thô khác màu ống đứng… hiện đại và trẻ trung. Ngoài ra, những mẫu complet mang phong cách thuần chất Châu Âu ôm thân vừa phải, một hàng khuy phổ biến hoặc hai hàng khuy đứng đắn, complet một khuy hiện đại, complet hai khuy cổ điển…., áo chít nhẹ phần eo tạo thành hình chữ V đẹp mắt, cầu vai có thể vuông vức (dáng Ý) hoặc cầu vai thả tự nhiên (dáng Mỹ)….

Thậm chí một số nam ca sĩ, diễn viên còn mặc chỉ độc nhất mỗi chiếc áo vest lên người và khoe thân hình cơ bắp sáu múi. Tuy nhiên cách ăn mặc này ở nước ta vẫn khó được chấp nhận và nhìn nhận theo một cách nào đó, nó phần nào đã làm hỏng nét đứng đắn hào hoa của một thứ trang phục đã trở thành huyền thoại. 

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 16

Veston thời hiện đại

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 17

Cách đàn ông xưa bảnh bao cùng veston - 18

Áo vest nam giới ngày nay còn được biến tấu theo cách ăn mặc rất gợi cảm như thế này

Vài nét về lịch sử veston thế giới:

Comple hay veston được cho là xuất hiện đầu tiên tại nước Anh vào năm 1660 với người tiên phong là vua Charles II.

Tới đầu thập niên 1800, George Bryan Brummel đã cải cách khá nhiều đồ bộ veston. Veston lúc này được cắt vừa vặn với cơ thể, thường được mặc chung với khăn quàng.

Tới cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì bộ veston đã được thay đổi đi nhiều chi tiết cầu kỳ. Những năm 60, ve áo được thu bớt lại, giảm thiểu các đường cắt  Rồi tới năm 80, người ta đơn giản hóa bộ veston, áo gile và caravat thậm chí còn bị bỏ qua.

Tuy trong lịch sử có rất nhiều kiểu veston song người ta chỉ quy chuẩn nó theo ba phong cách chính. Một là veston Anh dáng mềm, có đệm vai, phần cúc được đặt ngang eo khiến áo trông dài hơn, thân áo ôm nhẹ, eo cao, túi nằm ở hai bên hông và có nắp. Hai là veston Ý có phần vai vuông, một thân ngắn và đơn ngực (một hàng khuy), có hai nút bấm, áo không có đường xẻ phía sau, cầu vai rộng hơn. Ba là là phong cách Mỹ, vai thả tự nhiên với phần thân thẳng, tay áo và thân rộng rãi, dáng hộp, xẻ sau, túi áo có nắp.

Kỳ 4: Bi hài chuyện chú rể đi chọn vest!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Veston ấn tượng cùng năm tháng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN