Người tị nạn Syria kiện Facebook vì không ngăn chặn thông tin giả mạo

Bức ảnh chụp anh Anas Modamani đang "chụp ảnh tự sướng" với Thủ tướng Đức – bà Angela Merkel đã khiến người đàn ông này gặp không ít phiền phức.

Theo CNN đưa tin, vào khoảng tháng 08/2015, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã đến thăm nơi ở của những người tị nạn ở thủ đô Berlin. Người đàn ông có tên Anas Modamani đã có cơ hội chụp ảnh tự sướng với bà. Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hiện diện trên trang nhất của báo chí nước này và được ca ngợi là hình ảnh hiếm có giữa lãnh đạo Đức và người tị nạn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, hình ảnh được sử dụng với mục đích bất chính, tung tin giả mạo. Cái tên Anas Modamani và chân dung của anh được cho là kẻ khủng bố.

Người tị nạn Syria kiện Facebook vì không ngăn chặn thông tin giả mạo - 1

Hình ảnh của anh Modamani với Thủ tướng Đức.

Vào khoảng tháng 03/2016, thời điểm xảy ra vụ đánh bom ở thành phố Brussels (Bỉ), anh Modamani vẫn đang sống với gia đình mẹ nuôi tại thủ đô Berlin với công việc thủ quỹ tại một cửa hàng ăn nhanh MCDonald. Qua một người bạn, anh được biết hình ảnh của mình được đăng trên Facebook với nội dung nghi án người tị nạn Syria đánh bom tại sân bay gây chết người.

Modamani và người mẹ nuôi của mình – Anke Meeuw đã tiến hành báo cáo, gắn cờ vi phạm các bài đăng trên Facebook có nội dung giả mạo này để yêu cầu đội ngũ của Facebook gỡ bài. Các bài đăng đã được gỡ bỏ nhưng ngay sau đó, lượt chia sẻ đã lên đến 200.000 lần.

Tiếp theo, hàng loạt vụ việc xảy ra đều có liên quan tới hình ảnh của Modamani: anh là người tị nạn Syria thiệt mạng trong vụ đánh bom ở thành phố Ansbach, Đức; anh được xác định là người đàn ông Tunisia lái chiếc xe tải đâm vào một chợ Giáng sinh tại Đức.

Bà Anke Meeuw liên tục sử dụng mạng để yêu cầu Facebook gỡ bài nhưng luôn được câu trả lời: “Hình ảnh này không vi phạm tiêu chuẩn của chúng tôi”. Sau đó, 2 mẹ con bà đã phải nhờ tới sự trợ giúp của ông Chon jo Un – luật sư chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông pháp luật của Đức.

Anh Modamani đã gửi đơn lên Tòa án Đức, yêu cầu phía Facebook ngăn chặn hình ảnh của mình đăng trên các tin bài giả mạo. Theo đề nghị từ phía luật sư của mình, anh yêu cầu trang mạng xã hội này phải xóa tất cả các bài viết giả mạo, xuyên tạc sử dụng hình ảnh trên.

FaceBook đang nỗ lực hạn chế sự lan truyền các tin tức xuyên tạc, giả mạo và lừa đảo sau áp lực trong vụ đưa thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tới vụ bầu cử tổng thống Mỹ. Bộ trưởng tư pháp Đức – ông Heiko Maas cho biết, chính phủ nước này đang xem xét luật đưa ra hình phạt đối với các mạng xã hội không gỡ bỏ các tin tức bịa đặt.

Phía FaceBook tuyên bố: “Chúng tôi cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo luật pháp của Đức có liên quan đến nội dung được chia sẻ bởi người dùng trên Facebook. Chúng tôi đã nhanh chóng vô hiệu hóa việc truy cập những nội dung được người đại diện pháp lý của Modamani báo cáo. Vì vậy, chúng tôi tin rằng những hành động pháp lý ở đây là không phải là biện pháp cần thiết và hiệu quả nhất để giải quyết tình hình.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Vy ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN