Xử phạt đến 200 triệu, có chặn được "tử thần" thực phẩm bẩn?

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Mặc dù mức phạt mà bộ Công Thương đưa ra tại dự thảo Nghị định xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đến 200 triệu đồng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ phạt tiền thì chưa đủ sức răn đe mà cần thiết phải xử lý hình sự hành vi này.

Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP). Trong đó, mức xử phạt vi phạm đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Theo ý kiến của một số người dân thì mức xử phạt này tương đối lớn, nhưng nếu chỉ tiến hành xử phạt hành chính liệu có khiến tình hình về vi phạm an toàn thực phẩm giảm đi hay cần có những chế tài mạnh mẽ hơn?

Ở góc độ người tiêu dùng, hàng ngày phải chăm lo bữa ăn, sức khỏe của cả gia đình, chị Lê Thị Hồng Mai (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi nghe thông tin cơ sở này, doanh nghiệp kia vi phạm về an toàn thực phẩm, chị không khỏi lo lắng cho bản thân cũng như gia đình mình. Bởi “ăn gì cũng thấy sợ, nhưng không ăn gì cũng chết”, trong khi giá thành thực phẩm đắt đỏ còn chất lượng thì không biết ra sao.

Nói về khung xử phạt mà bộ Công Thương đưa ra, chị Mai cho rằng mức phạt khá cao, nhưng so với những hậu quả gây ra cho con người và xã hội thì chưa tương xứng. “Mức xử phạt nên tùy vào tính chất và quy mô vi phạm. Nếu đó là trục lợi có chủ đích và mức độ nghiêm trọng thì phạt tiền, thậm chí phạt tù. Nhưng đối với những người vi phạm do thiếu hiểu biết thì nên xem xét có mức phạt răn đe phù hợp”, chị Mai nói.

Đánh giá về tình hình an toàn thực phẩm thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, mặc dù công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm hơn, nhưng một trong những vấn đề người tiêu dùng lo lắng nhất chính là tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng. 

Xử phạt đến 200 triệu, có chặn được "tử thần" thực phẩm bẩn? - 1

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng, tại dự thảo này đưa ra mức phạt có thể gấp 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức. "Với mức phạt này, tôi nghĩ cũng không phải là nhỏ", ông nói.

Đại diện hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng chia sẻ, đây là dịp để xem xét ban hành một Nghị định có đủ sức răn đe, bởi thực phẩm là vấn đề liên quan đến sức khỏe, giống nòi. An toàn thực phẩm đồng nghĩa với quyền an toàn của người tiêu dùng được bảo đảm. Do vậy, trong Nghị định không để sót hành vi và bằng những chế tài đủ mạnh để thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc xem thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và gây thiệt hại cho xã hội.

Ở một diễn biến liên quan, người từng thẳng thắn chất vấn ông Cao Đức Phát khi đó là Bộ trưởng NN&PTNT về vấn đề thực phẩm bẩn với câu nói "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế" - ĐBQH khóa XIII Trần Ngọc Vinh cũng thẳn thắn trao đổi: “Việc xử phạt hành chính về vấn đề an toàn thực phẩm trước kia chưa mạnh, bây giờ thay đổi là một điều tiến bộ”.

Xử phạt đến 200 triệu, có chặn được "tử thần" thực phẩm bẩn? - 2

ĐBQH khóa XIII Trần Ngọc Vinh.

Theo ông Vinh, vấn đề thực phẩm bẩn đang rất nhức nhối hiện nay, không những gây nguy hiểm mà còn ảnh hưởng tới cả giống nòi. Thêm nữa, nó phát sinh nhiều bệnh ung thư khiến gia đình lao đao, xã hội phải chịu đựng cảnh bệnh viện quá tải…

Ông Vinh nhận định về mức xử phạt mà bộ Công Thương đưa ra: “Ngoài mức xử phạt hành chính cần phải nâng lên mức xử lý hình sự. Đồng thời, không những xử phạt đối với cá nhân vi phạm mà cần làm rõ trách nhiệm của người quản lý, chính quyền địa phương, cơ sở ở khu vực vi phạm thì mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ ràng nếu tái phạm, cá nhân, tổ chức đó sẽ bị xử lý ra sao”.

Cũng nhìn nhận về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Hải Dương - ông Lê Văn Đạo cho rằng, hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay mắc phải các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm, còn những doanh nghiệp lớn thì ít hơn. Thế nên với  quy mô các doanh nghiệp nhỏ và vừa mức phạt mà bộ Công Thương đưa ra cũng đã đủ sức nặng và tính răn đe.

Theo ông Đạo, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay là do cách sản xuất còn manh mún và nhỏ lẻ, không thành chuỗi khép kín và liên kết với nhau nên khó kiểm soát.

Ông đưa ra giải pháp: “Về lâu dài cần tổ chức lại sản xuất ngành thực phẩm, trước hết là ngành nông nghiệp, sau đó là công thương, kiểm soát các công đoạn sản xuất, đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Còn trước mắt không an toàn ở khâu nào phải xử lý triệt để khâu đó, nhất là với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Di (Người đưa tin)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN