Xoài rớt giá, người trồng khốn đốn

Thương lái ngừng mua, xoài ngoại lấn át khiến người trồng xoài ở Đồng Nai điêu đứng, thua lỗ nặng

Xoài được xem là một trong những loại cây ăn trái xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Đồng Nai với diện tích hơn 10.000 ha. Tuy nhiên, giá xoài đang rớt giá mạnh, thu nhập bấp bênh khiến nhà vườn đành để chín rục ngoài vườn do không đủ tiền trả công thu hoạch.

Mất trắng

Theo người dân Đồng Nai, thời gian đầu vụ xoài như tháng 3, tháng 4, giá thương lái thu mua tận vườn rất cao, như: xoài ba mùa mưa ở mức từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg; xoài keo Campuchia, xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc dao động mức 20.000-40.000 đồng/kg… thì hiện nay, giá xoài chỉ còn chưa tới 3.000 đồng/kg, có nơi chỉ 500-700 đồng/kg, thậm chí không thu mua.

Xoài rớt giá, người trồng khốn đốn - 1

Nông dân tỉnh Đồng Nai điêu đứng vì xoài rớt giá thảm hại

Ông Quách Hải Hạc (63 tuổi; ấp Phú Quý 1, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) vất vả chở 1,5 tạ xoài từ vườn ra đại lý năn nỉ mối quen thu mua giúp với giá 3.500 đồng/kg. “Chưa bao giờ tôi thấy giá xoài lại rớt thê thảm đến vậy. Giá này bán ra không đủ trả tiền thuê công thu hoạch. Mùa xoài năm nay, gia đình tôi coi như mất trắng” - ông Hạc than thở.

Có kinh nghiệm trồng xoài hơn 35 năm, thời gian đầu, ông Hạc canh tác hơn 10 ha, đến nay diện tích chỉ còn chưa tới 3 ha cũng vì giá cả bấp bênh. Theo ông Hạc, do giá xoài xuống thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua nên người dân chỉ còn bán được cho những mối lái thân quen.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số vườn xoài ở các huyện Vĩnh Cửu và Định Quán (Đồng Nai), nhiều chủ vườn đã bỏ không mặc cho người ngoài hái mang về vì có để cũng không bán được.

Chuộng xoài ngoại hơn nội

Ông Nguyễn Đức Hòa (46 tuổi) - một trong nhiều đại lý thu mua xoài ở xã La Ngà, Định Quán (Đồng Nai) - cho biết do nhiều đầu nậu ở phía Bắc ngưng thu mua xoài buộc các đại lý như ông chỉ thu mua với số lượng cầm chừng để bán lẻ tại các chợ.

Còn theo một số thương lái thu mua xoài tại Đồng Nai, giống xoài ba mùa mưa đột ngột rớt giá, tồn hàng là do xoài keo của Campuchia đang rộ mùa, giá rẻ nên lượng nhập về tăng đột biến. Giống xoài keo này đang có mặt khắp các chợ từ quê ra tỉnh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, xoài ngoại cũng lấn dần chỗ đứng của xoài nội. “Hiện nay, không có giống xoài nào của Việt Nam cạnh tranh được với trái xoài keo nhập khẩu giá 8.000-10.000 đồng/kg, trong khi xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái giá khoảng 20.000-35.000 đồng/kg; xoài ba mùa mưa có giá rẻ dễ mua thì vị quá chua nên trái xoài ngoại lên ngôi. Cả tháng nay, xoài keo rộ mùa, nhập về ồ ạt, giá giảm chỉ còn một nửa so với tháng trước nên các tiểu thương đều chọn xoài keo về bán” - chị Lê Hoa, chủ vựa trái cây 9 Hoa ở Đồng Nai, nói.

Còn theo các chủ vườn, đa phần xoài thu hoạch ở Đồng Nai được các thương lái thu mua rồi đưa ra phía Bắc tiêu thụ và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng gần 2 tháng nay, thương lái đột ngột ngừng thu mua, tạo nên cảnh tượng ùn ứ, ế ẩm. Để giảm bớt lỗ, nhiều chủ vườn đã hái xoài rồi thuê xe chở ra dọc các tuyến quốc lộ như 1, 20, 50, 51… để bán nhằm vớt vát chút đỉnh. “Dù không bán được nhiều nhưng được giá hơn khi bán cho thương lái. Mình hái từ vườn rồi bán tới tay người đi đường với giá 10.000-15.000 đồng/3 kg cũng gỡ gạc được đôi chút tiền công chăm sóc cả năm trời” - chị Hà Thị Thu Giang (44 tuổi), một chủ vườn đang bán xoài ở Quốc lộ 20, cho biết.

Chất lượng quá kém

Ông Cao Văn Toan - Phó Chủ tịch UBND xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - cho biết La Ngà hiện có gần 1.600 ha xoài, là vùng chuyên canh xoài ba mùa mưa lớn nhất của huyện Định Quán. Do vụ xoài năm nay nắng hạn kéo dài khiến chất lượng xoài kém nên giá cả thấp. Ngoài ra, nông dân vẫn còn lệ thuộc nhiều vào thương lái.

Nói về nguyên nhân các HTX chế biến xuất khẩu xoài trên địa bàn hoạt động cầm chừng, năng suất chưa được một nửa so với dự kiến ban đầu, ông Toan cho biết vì xoài vườn thiếu nước nên trái nhỏ, vị chua chát hơn so với xoài ngoại nên thị trường không ưa chuộng, buộc nhiều HTX phải nhập khẩu xoài ngoại về để chế biến thay vì thu mua của bà con trong tỉnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Thi (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN