Xăng dầu tăng giá, DN kéo co với sức mua

Sự kiện: Giá xăng

Cho tới chiều ngày 31/3, ba ngày sau khi xăng dầu tăng giá, ghi nhận thực tế từ thị trường cho thấy, giá cả các mặt hàng thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong rổ giá tính chỉ số giá tiêu dùng) gần như không tăng. Vận tải, loại hình dịch vụ trực tiếp ảnh hưởng bởi giá xăng, cũng chưa tăng giá. Lý giải của doanh nghiệp là: sức mua đang quá yếu, nếu tăng giá nữa thì... đóng cửa doanh nghiệp.

“Điệp khúc xăng tăng giá, giá cước vận tải hành khách ngay lập tức nhích lên đã không còn lặp lại như bao lần trước đây. Dù ở lần này mức tăng giá xăng đạt kỷ lục trong thời gian vừa qua nhưng doanh nghiệp chỉ còn biết bóp bụng, tiết giảm chi tiêu tối đa, để gắng gượng kinh doanh, chứ không dám nghĩ đến chuyện tăng giá cước”, ông Lê Huy Cường, phó tổng giám đốc taxi Sài Gòn Hoàng Long (TP.HCM) chia sẻ.

Doanh nghiệp vận tải hành khách “bóp bụng” để tồn tại


Theo ông Cường, tăng sao được khi hiện tại lượng vận chuyển hành khách của các hãng taxi, chứ không riêng gì hãng của ông, đang có dấu hiệu chững lại không còn năm sau cao hơn năm trước như trước đây. Tăng giá nữa thì mất khách. Do đó, hiện tại đơn vị ông đang tính toán làm sao để đảm bảo hoạt động kinh doanh nhưng không phải tăng giá.

“Chuyện quyết định không tăng giá cước taxi dù xăng tăng đến 1.430 đồng/lít là quyết định của hầu hết các doanh nghiệp taxi trong hiệp hội Taxi TP.HCM”, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM, khẳng định.

Còn đứng ở cương vị quản lý hãng taxi Vinasun, ông Hỷ cho hay, ngay khi xăng tăng giá, đơn vị ông đã vận động anh em tài xế và đi đến thống nhất cùng nhau chia khó. Theo đó, kể từ ngày 30.3, nếu tài xế nào chạy một ngày trên 200km thì hãng sẽ hỗ trợ 16.000 đồng tiền chi phí phát sinh do xăng tăng giá; còn mức hỗ trợ thấp nhất là 9.000 đồng/ngày đối với tài xế nào chỉ chạy vài chục km/ngày. Liên quan đến giải pháp chia khó này, trao đổi qua điện thoại, anh Trần Hoàng Hải, một tài xế của Vinasun cho hay, với quyết định trên, anh em tài xế có thiệt đôi chút nhưng lại rất mừng vì hãng quyết định không tăng giá. “Từ sau tết đến nay, không biết có phải do đời sống ngày càng khó khăn, rồi người dân hạn chế chi tiêu hay không mà thu nhập của tôi hạ so với năm ngoái thấy rõ. Tăng giá nữa thì tìm đâu ra khách”, anh Hải nói.

Xăng dầu tăng giá, DN kéo co với sức mua - 1

xăng dầu tăng giá (từ 28/3) nhưng giá cước vận chuyển hàng hoá thực phẩm từ nguồn về chợ sỉ, chợ lẻ vẫn giữ nguyên. Ảnh: Thanh Hảo

Tương tự động thái của các hãng taxi, ngày 31/3, đại diện lãnh đạo hai bến xe lớn nhất TP.HCM là bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây đều cho biết chưa có doanh nghiệp nào dám tăng giá cước và rất có thể các doanh nghiệp kinh doanh trong bến chỉ còn cách “bóp bụng” để giữ khách. Đặc biệt, ông Thượng Thanh Hải, phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, còn chia sẻ một thông tin “ngược chiều” là hiện tại không ít doanh nghiệp trong bến đang giảm giá cước để tìm khách nhằm trụ lại với nghề.

Tăng giá là... “đóng cửa doanh nghiệp”

Sau ba ngày xăng dầu tăng giá, giá cước vận chuyển hàng hoá thực phẩm từ nguồn về chợ sỉ, chợ lẻ tính đến ngày 31/3 vẫn giữ ở mức cũ. Bà Phương, chủ quầy kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay: “Mấy lần trước xăng tăng giá là hôm sau giá vận chuyển tăng liền, còn lần này các chủ xe nói chờ qua tháng 4, lượng hàng bán tăng lên nhiều mới tăng giá”.

Cũng theo bà Phương, do sức mua thấp, để bán được hàng các sạp bán sỉ đều chấp nhận giữ nguyên giá hàng, nếu giá vận chuyển tăng lên thì tiểu thương chỉ còn cách giảm bớt lợi nhuận chứ không thể tăng giá được. Việc nhà xe chưa tăng giá cước vận chuyển cũng được chị Nguyễn Thanh Hương, chủ đại lý rau ở Đức Trọng, Lâm Đồng xác nhận. Theo chị Hương, giá cước vận chuyển rau củ quả từ các vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Đà Lạt về một số chợ đầu mối TP.HCM vẫn giữ nguyên mức 500 đồng/kg. “Có thể chợ ế, giá rau đang giảm quá trời nên nhà xe chưa tăng cước”, chị Hương phán đoán.

Khảo sát tại chợ lẻ, cước vận chuyển rau củ, thịt heo, hải sản từ chợ đầu mối về cũng giữ nguyên mức cũ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1 cho biết giá cước chở một con heo từ Đồng Nai về chợ bằng xe lạnh là 80.000 đồng.

Còn ở các hệ thống siêu thị, hầu như chưa có nhà cung cấp nào đề nghị tăng giá. Thời điểm này, các nhà kinh doanh siêu thị cũng đưa ra quan điểm “kềm chế tăng giá” rất rõ: nhà cung cấp phải chứng minh tổng chi phí tăng bao nhiêu phần trăm thì mới có thể tăng giá, còn nếu đơn thuần đưa ra lý do điều chỉnh giá theo giá xăng thì siêu thị sẽ không lấy hàng. Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết: “Giá bán lẻ các mặt hàng tại các siêu thị và cửa hàng Co.op vẫn không thay đổi. Vì hơn lúc nào hết, trong bối cảnh này thì nhà kinh doanh phải biết tính toán chi li, tiết kiệm chi phí để bù vào mức tăng giá xăng dầu”. Bà Thu khẳng định: “Để kéo sức mua, còn phải khuyến mãi giảm giá, chứ tăng giá lúc này là tự đóng cửa doanh nghiệp”.

Giá đầu vào vẫn thấp do ế

Hơn một tuần nay, giá hầu hết các loại rau củ quả tại vùng sản xuất lại có dấu hiệu giảm khá mạnh, chị Nguyễn Thanh Hương, chủ đại lý rau ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho hay. Theo chị, giá cà chua bán sỉ cho tiểu thương chợ đầu mối nông sản dưới thành phố còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng. Cải bắp giảm 1.000 đồng còn 4.000 đồng/kg, cải thảo còn giảm thê thảm hơn, chỉ chưa tới 1.200 đồng/kg. “Sản lượng rau củ mùa này dồi dào nhưng chợ ế quá nên giá cứ rớt hoài”, chị Hương Than.

Thịt heo, trứng, thịt gia cầm cũng đang trong tình trạng dội chợ. Giá heo hơi tại trại vẫn chỉ duy trì ở mức 33.000 – 37.000 đồng/kg như một tháng trước đây. Còn trứng gia cầm từ 1.500 – 1.600 đồng/quả. Khảo sát nguồn thực phẩm nuôi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ cho thấy, lượng hàng còn quá nhiều, đặc biệt là heo. Một số chủ trại heo dự đoán nếu thị trường phía Bắc, nhất là Trung Quốc mà không sớm có nhu cầu, chắc chắn thị trường thịt heo ở phía Nam sẽ ế kéo dài đến hết các tháng hè.

Do giá sỉ duy trì ở mức thấp quá dài nên giá thực phẩm bán lẻ ở các chợ buộc phải giảm. Theo chị Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, mấy tuần nay trời nắng nóng nên thịt bán ế ẩm. Lúc đầu phiên giá thịt ba rọi, thịt đùi còn bán được 75.000 – 85.000 đồng, nhưng càng về trưa thì có khi giảm giá còn khoảng 70.000 đồng mà vẫn ế. “So với đầu tháng 3 thì thịt heo bán lẻ đã giảm trung bình 7.000 – 10.000 đồng/kg. Với tình trạng chợ ế như thế này, mai mốt mà cước vận chuyển có tăng nữa thì tiểu thương cũng không dám tăng giá”, chị Thuỷ khẳng định.

Với mặt hàng thuỷ hải sản, dù trời nắng nóng, lượng hao hụt nhiều nhưng giá vẫn không tăng. Chẳng hạn, cá lóc vẫn ở mức 65.000 đồng/kg, cá điêu hồng từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, cá bạc má 55.000 đồng, cá nục, cá ngừ khoảng 45.000 – 65.000 đồng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Lê – Hoàng Bảy – Bích Thuỷ (Sài Gòn tiếp thị)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN