Vùng khoai lang lớn nhất miền Tây điêu đứng

Nhiều nông dân ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long – vùng khoai lang lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang điêu đứng vì khoai bị bệnh, năng suất, giá bán giảm.

Lão nông Lê Minh Đạt, ngụ ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân vừa thu hoạch được 1ha khoai lang tím Nhật buồn, nói: “Năm 2013, có thời điểm giá khoai lang lên đến gần 1,2 triệu đồng/tạ (60kg). Thấy vậy, tôi mới chuyển từ sản xuất lúa sang khoai, thế nhưng từ đó đến nay giá khoai không còn được như vậy nữa, cứ biến động liên tục và theo hướng giảm dần. Cách đây vài ngày tôi chỉ bán được 180.000 đồng/tạ, thua lỗ gần 4 triệu đồng”.

Vùng khoai lang lớn nhất miền Tây điêu đứng - 1

Người dân xã Thành Đông, huyện Bình Tân buồn rầu thu hoạch khoai lang.  Ảnh: H.X.

Không chỉ giảm giá, khoai lang còn bị giảm sản lượng, chất lượng do sâu bệnh. Ông Ngô Văn Tua – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (xã Thành Đông) cho biết: “Trong khi các cơ quan chức năng đang đau đầu trong triển khai các biện pháp phòng trừ con tàn mạt hại khoai thì 6 thang nay lại xuất hiện thêm loại ốc “lạ” khó tiêu diệt hơn. Nó nó có thân hình rất nhỏ, hình dáng gần giống ốc đắng nhưng sống trên cạn, sở thích là ăn vỏ củ khoai”. Ông Sơn Minh Luận – Giám đốc HTX Khoai lang Tân Thành (xã Tân Thành) cũng than thở: “Ốc lạ gây thiệt hại khoảng 60-70% năng suất khoai, nhiều hộ bỏ luôn ruộng khoai vì thương lái không mua. Nhiều hộ dân đã tìm, pha trộn nhiều loại thuốc phun nhưng vẫn không diệt hết được. Nó tấn công không phải một vài ruộng khoai mà cả vùng khoai, ở đâu có ốc đó là ở đó bị mất mùa…”.

Hiện nay, diện tích khoai toàn tỉnh Vĩnh Long đã tăng đột biến, lên đến khoảng 12.000ha. Ông Tua cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân trồng khoai bị thua lỗ là do thời gian qua, nhiều hộ dân đã ồ ạt trồng khoai theo dạng chuyên canh, không cho đất có khoảng thời gian nghỉ ngơi. Từ đó, sâu bệnh từ vụ trước sẽ có điều kiện sống tiếp, tấn công vào vụ khoai sau.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Sản xuất khoai lang chưa bền vững và an toàn trong khi thị trường cũng bấp bênh vì lượng khoai phần lớn xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng chắc chắn. Đặc biệt, các thương lái nước ngoài luôn có sự thay đổi về quy cách thu mua làm cho người dân thiếu thông tin về giá cả, không hiểu về nhu cầu thị trường”. Theo ông Liêm, thời gian tới, người dân phải thực hiện việc luân canh giữa trồng khoai lang với lúa hoặc cho đất có thời gian nghỉ giữa 2 vụ khoai liên tiếp và áp dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác khoai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huỳnh Xây ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN