Việt Nam nên học Thái Lan cách làm ô tô

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn.

Giá ô tô ở Việt Nam quá đắt so với các nước trong khu vực, trong khi đó nền sản xuất ô tô trong nước chỉ phụ thuộc vào một số doanh nghiệp (DN) lắp ráp. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm đường phát triển.

Đây là thực tế được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo “TPP, cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1-3 tại Hà Nội.

Chỉ lắp ráp được phụ tùng đơn giản

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, thông tin thị trường ô tô Việt Nam hiện nay đang chịu sự chi phối của hơn 20 DN thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (Vama). Tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô của nước ta giảm mạnh trong năm 2012 nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2013-2015.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, năm 2014, sản lượng ô tô của Thái Lan đạt gần hai triệu chiếc, trong đó thị trường nội địa 800.000 chiếc. Tương tự ở Indonesia dao động 1,2-1,4 triệu xe; còn ở Việt Nam sản lượng chưa đến 200.000 xe.

Đặc biệt, sau nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỉ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển. “DN Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp các phụ tùng linh kiện ô tô được nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Phụ tùng linh kiện được sản xuất trong nước cũng chủ yếu dừng lại ở những phụ tùng đơn giản như tấm ốp trần, tấm chống ồn, khung xe,…” - bà Thùy nói.

Đáng chú ý là quy mô thị trường ô tô Việt Nam nhỏ nhưng giá xe lại cao hơn các nước khác. Điều này sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Bởi theo lộ trình cắt giảm thuế quan, đến năm 2018, sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 5% và 0%.

Việt Nam nên học Thái Lan cách làm ô tô - 1

Nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỉ lệ nội địa hóa ngành ô tô đã không hoàn thành. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm mua ô tô. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Nên học các nước

Bà Thúy cho rằng để có thể cạnh tranh, ô tô Việt Nam cần giảm giá bán, cắt giảm chi phí sản xuất. Thu hút các DN đầu tư nước ngoài vào sản xuất phụ tùng linh kiện (nhà cung cấp cấp 1) từ các cường quốc ô tô như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Học tập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Việt Nam hãy học tập người Thái Lan làm ô tô. Thái Lan không tham vọng xây dựng nhãn hiệu ô tô nào cho mình nhưng họ lại phát triển công nghiệp phụ tùng ô tô rất thành công.

“Họ sản xuất được hầu hết phụ tùng ô tô hiện đại nhất với chất lượng rất cao chứ không dừng lại ở khâu lắp ráp như Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô của chúng ta mà không có nền tảng là công nghiệp phụ trợ sẽ thất bại” - ông Doanh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Doanh, việc tham gia TPP sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tăng sức cạnh tranh để tồn tại. Bởi khi tham gia TPP, các linh kiện phụ tùng sản xuất tại Việt Nam được lắp ráp vào các ô tô sản xuất tại Nhật Bản hay các quốc gia thành viên, nếu đạt tỉ lệ 45% sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% khi vào thị trường các nước nội khối.

Đây là một lợi thế của Việt Nam khi hai nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển trong khối ASEAN là Thái Lan và Indonesia không tham gia TPP. Cơ hội mở ra khi Việt Nam gia nhập hiệp định này là rất lớn nhưng việc giảm thuế nhập khẩu về mức 0% lại là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bởi nếu Việt Nam không có chiến lược phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước thành viên để đảm bảo tỉ lệ 45% có xuất xứ nội khối.

Ông Doanh nói: “Khi đó Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ về linh phụ kiện ô tô hấp dẫn cho các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, khi giá xe nhập khẩu giảm xuống, người dùng sẽ có xu hướng mua xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn là mua xe được sản xuất, lắp rắp trong nước”.

Theo TS Lê Đăng Doanh, người tiêu dùng Việt Nam có tiếp cận được ô tô giá rẻ hay không còn phụ thuộc vào chính sách thuế của Chính phủ. Việt Nam nên học cách hỗ trợ của các nước lân cận.

Điển hình như Malaysia, nếu công ty nào nội địa hóa được 50% thì thuế giảm 5%. Người dân, đơn vị nào mua xe của Malaysia sản xuất, kể cả do công ty nước ngoài sản xuất tại Malaysia thì được vay vốn ưu đãi 3%-4%, còn nếu mua xe nhập ngoại thì phải vay vốn với lãi suất cao có khi lên tới 16%-17%.

Ô tô nhập khẩu giảm mạnh

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 20-2, cả nước nhập khẩu 7.463 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch hơn 195 triệu USD.

Như vậy hai tháng đầu năm cả số lượng và kim ngạch mặt hàng này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể số lượng ô tô nhập khẩu giảm 5.717 chiếc, tương đương giảm hơn 43% so với cùng kỳ; kim ngạch cũng giảm gần 80 triệu USD, tương đương 29%.

Nguyên nhân được các hãng xe chỉ ra là do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ tháng 1-2016 khiến giá xe nhập khẩu tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và người tiêu dùng trong nước sẽ so sánh lựa chọn xe lắp ráp trong nước.

Trong khi đó, năm ngoái cả nước nhập khẩu gần 126.000 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 2,985 tỉ USD, tăng trên 58.000 xe và 1,4 tỉ USD về giá trị so với năm trước đó.

QUANG HUY

Theo ông Hà Duy Tùng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính, vào TPP Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi-lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN