Trốn thuế - chuyển giá và lỗ hổng pháp luật

Nhiều tên tuổi lớn như Metro Cash & Cary, Coca Cola hay Canon đã làm ăn tại Việt Nam hàng chục năm nay. Nhưng việc Metro Cash& Cary vừa bị Tổng cục Thuế lật chiêu bài trốn thuế - chuyển giá cho thấy những lỗ hổng pháp lý cũng như trở ngại trong việc quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ chuyện Metro

Như NTNN đã đưa tin, nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam Cash & Cary vừa bị Tổng cục Thuế bóc chiêu bài trốn thuế, chuyển giá. Cơ quan này đã phanh phui ra sự thật sau 12 năm kinh doanh không đóng thuế ở Việt Nam, Metro đã hoạch toán nhiều chi phí không đúng, không thật. Kết quả Metro buộc bị truy thu thuế đến 507 tỷ đồng.

Trốn thuế - chuyển giá và lỗ hổng pháp luật - 1

Cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hành vi chuyển giá tại Metro Cash & Carry VN. I.t

Metro chỉ là một trong danh sách các doanh nghiệp FDI đã sử dụng chiêu bài chuyển giá, trốn thuế. Bằng chứng là ngay sau Metro, Honda Vietnam tiếp tục là doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá trốn thuế vừa được công bố với số tiền bị truy thu lên tới 182 tỷ đồng. Điều đó cũng có nghĩa Ngân sách Nhà nước tiếp tục bị thất thu.

Hoạt động chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư - kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp khi có cơ hội đều tìm cách thu lời bằng cách hợp thức hóa các báo cáo tài chính, để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế.

Từ sự việc của Metro hay Honda Vietnam, nhiều chuyên gia cho rằng có thể khái quát "công cụ” mà các doanh nghiệp ngoại thực hiện hành vi trốn thuế. Theo phân tích của Ban cải cách và hiện đại thuế (Tổng cục Thuế), chuyển giá thông qua giao dịch tài sản vô hình này là 1 trong 4 nhóm hành vi chuyển giá phổ biến nhất. Thủ đoạn điển hình là các công ty mẹ nước ngoài chuyển giao công nghệ, thương hiệu cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền, nhưng thực tế, việc định giá đối với loại tài sản vô hình này không dễ. Lợi dụng đặc thù đó, các doanh nghiệp ngoại thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào của công ty ở Việt Nam bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều đáng nói là các chiêu trò chuyển giá thường diễn ra giữa tập đoàn mẹ và công ty con. Tập đoàn mẹ nắm bí quyết công nghệ sản xuất và có khả năng cung cấp các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp con có vốn tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm đặc biệt, sản phẩm độc quyền, vì vậy rất khó bóc tách được giá thành, chi phí. Những doanh nghiệp ngoại này có hệ thống thương mại – phân phối khép kín trong tập đoàn, giữa công ty mẹ với các công ty thành viên và giữa các công ty thành viên với nhau, có thể tạo ra các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh.

Cần luật chơi riêng cho doanh nghiệp FDI

Samsung Vina được coi là ví dụ tiêu biểu cho thành công về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam những năm qua. Nhưng tại buổi gặp gỡ các nhà cung cấp trong nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào năm ngoái, lãnh đạo công ty này cho biết để xuất khẩu 24 tỷ USD mỗi năm, hãng phải nhập về một lượng nguyên liệu đầu vào tương đương 19,8 tỷ USD.

Từ đây cho thấy nhu cầu bức thiết phải phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Nhưng trong số 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, chỉ có 7 công ty nội, mà chủ yếu "làm bao bì và đóng gói".

Ông Lưu Hoàng Long- Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử (VEIA) khẳng định rằng việc đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện cho Samsung không khó. Điều ông lo ngại là sau khi bỏ cả triệu USD để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng thì liệu hãng có bao tiêu sản phẩm (?).

Rõ ràng, sự liên kết của công ty nội và công ty ngoại đang rất kém. Không chỉ Samsung, trước đó nữa Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam cũng từng có những cam kết về tỷ lệ nội địa hóa nhưng chưa thực hiện được trọn nhiệm vụ.

TS Lê Đăng Doanh từng nhận xét, nhiều địa phương xé rào trải thảm đỏ hút đầu tư ngoại, nhưng vốn đầu tư ngoại đang bộc lộ những điểm yếu nhất định. Nhiều nhà đầu tư ngoại chọn Việt Nam ngoài mục đích khai thác nhân công giá rẻ còn có ý định hưởng các ưu đãi thuế nhất định do Chính phủ Việt Nam cam kết. Vì vậy đã đến lúc cần có luật chơi riêng cho khối doanh nghiệp FDI.

Tuyên chiến với chuyển giá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về một số điều kiện kinh doanh được áp dụng riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần phải có danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN