Thịt nhiễm kháng sinh: Chưa xử phạt được!

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.

Chi cục Thú y TP HCM thường xuyên tổ chức lấy phân tích tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Ông có thể cho biết kết quả cụ thể?

Năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện 25/159 (gần 16%) mẫu có tồn dư kháng sinh (sulfadimidin hoặc tetracycline). Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với Trung tâm Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 lấy 111 mẫu, phát hiện 6 mẫu tồn dư sulfadimidin (5,4%). Trước đó, kết quả giám sát năm 2014 ghi nhận tỉ lệ vi phạm là 17,67%.

Thịt nhiễm kháng sinh: Chưa xử phạt được! - 1

Việc lấy mẫu được tiến hành trên cả thịt bò, heo, gà nhưng chú ý hơn đến nhóm thịt gà công nghiệp do vòng đời ngắn (khoảng 42 ngày), nếu người chăn nuôi có sử dụng kháng sinh thì rất dễ bị tồn dư do không đào thải hết. Theo nguyên tắc về lấy mẫu, số mẫu trên đủ lớn để có thể kết luận kết quả đợt giám sát phản ánh tình hình thịt nhiễm kháng sinh lưu hành trên thị trường và người dân TP HCM đang sử dụng.

Thịt nhiễm kháng sinh: Chưa xử phạt được! - 2

Khách hàng mua thịt gà được chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm tại siêu thị Ảnh: Tấn Thạnh

Sau khi có kết quả xác định mẫu thịt vi phạm, công tác thu hồi, tiêu hủy lô hàng và xử phạt chủ hàng được thực hiện ra sao?

Hiện nay, công tác lấy mẫu chủ yếu để giám sát và cảnh báo nhằm chấn chỉnh khâu chăn nuôi. Việc thu hồi, tiêu hủy thịt nhiễm kháng sinh cũng như xử phạt vi phạm hành chính chưa thực hiện được.

Lý do là tại thời điểm lấy mẫu, lô thịt được lấy là sản phẩm hợp pháp, có giấy chứng nhận kiểm dịch nên không đủ cơ sở để tạm giữ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Hơn nữa, phần lớn thịt hiện nay là sản phẩm tươi sống, thời gian lưu thông ngắn (trong ngày) nên khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 7-14 ngày) thì đã tiêu thụ hết.

Chi cục có đề xuất giải pháp nào để có thể thu hồi, tiêu hủy được thịt nhiễm kháng sinh nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng?

Cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện việc tạm giữ những lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ (kết quả kiểm tra nhanh dương tính), không chỉ là kháng sinh mà còn những chỉ tiêu khác liên quan đến an toàn thực phẩm như chất cấm. Nhất là cơ chế hỗ trợ rủi ro cho lực lượng thực thi trong trường hợp kết quả chính thức từ phòng xét nghiệm là âm tính. Khi đó, lô hàng sẽ được cho giải tỏa để lưu thông bình thường nhưng các chi phí về bảo quản, giá trị giảm sút do từ hàng tươi thành đông lạnh cần phải được giải quyết thỏa đáng để tránh khiếu kiện từ chủ hàng.

Do vậy, căn cơ để giải quyết vấn đề phải là chấn chỉnh từ khâu sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi không lạm dụng kháng sinh, thực hiện đúng thời gian cách ly vật nuôi trước khi giết mổ, thực hiện chăn nuôi tốt (VietGAP).

Nhưng rõ ràng, nếu chỉ tuyên truyền thì chưa thể giải quyết được vấn đề?

Cái khó của TP HCM là chưa kiểm soát được sản phẩm chăn nuôi từ gốc, trong khi cả nước có đến 70% là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, tình trạng thu gom vẫn phổ biến, nhiều lô hàng không truy xuất được nguồn gốc. Việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi đang được thực hiện qua từng công đoạn, theo từng địa phương và có những khoảng hở. Để bảo đảm có sản phẩm chăn nuôi sạch đến tay người tiêu dùng, cần hình thành những chuỗi khép kín cung cấp thịt, trứng sạch.

TP HCM đã xây dựng 19 mô hình chuỗi được kiểm soát chặt chẽ qua tất cả công đoạn (chăn nuôi, xử lý, giết mổ) dù nguồn cung cấp từ các tỉnh. Trong đó, sản phẩm trứng gà phát triển mạnh nhất, chiếm đến 58% thị phần, thịt gà công nghiệp chiếm 22,14% và thịt heo chiếm khoảng 10%.

Những sản phẩm này có bảo đảm không bị tồn dư kháng sinh và chất cấm không, thưa ông?

Những sản phẩm này xuất phát từ các trang trại VietGAP hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh nên bảo đảm không có tồn dư kháng sinh và chất cấm. Ngoài việc tự kiểm tra của chủ cơ sở và các cơ quan cấp chứng nhận, chúng tôi còn tổ chức lấy mẫu giám sát riêng.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn thẩm định cơ sở đóng gói, giết mổ, nơi kinh doanh phải đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được cấp giấy chứng nhận chuỗi nên sản phẩm bảo đảm không bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong quá trình giết mổ, lưu thông. Người dân có thể tìm mua thực phẩm tại các điểm bán an toàn đã được cơ quan chức năng công bố.

Chuẩn bị tiêu hủy heo nhiễm chất cấm

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết để chuẩn bị tiêu hủy lô heo nhiễm chất cấm (chủ yếu là salbutamol nhằm tạo nạc, tăng trọng) theo Nghị định 119 và Thông tư 01/2016 vừa có hiệu lực, Chi cục Thú y TP HCM đã tổ chức tuyên truyền với chủ các cơ sở giết mổ, thương nhân thuê ô dậu tại các cơ sở và thương lái đưa heo về TP HCM. Việc chuẩn bị đã xong nên từ nay về sau, nếu phát hiện lô heo dương tính với chất cấm và chủ hàng tái phạm, chi cục sẽ phối hợp với cảnh sát môi trường tổ chức tiêu hủy toàn bộ.

Buông lỏng kiểm soát tôm xuất khẩu

Ngày 29-3, ông Võ Thành Tiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL, cho biết dù địa phương liên tục tuyên truyền, cảnh báo hạn chế sử dụng chất kháng sinh trong quá trình nuôi và chế biến tôm xuất khẩu song tình trạng tôm nhiễm dư lượng kháng sinh vẫn tràn lan. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước đó, ngày 28-3, Bộ Công Thương thông báo Tổng cục Thuốc và Thực phẩm Ả Rập Saudi căn cứ vào các báo cáo của Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE) có đề cập việc xuất hiện bệnh đốm trắng ở tôm xuất xứ từ Việt Nam. Tổng cục này đã thông báo cho các đơn vị kiểm tra thực phẩm nhập khẩu không được thông quan các lô hàng tôm tươi, tôm đã được làm lạnh hoặc kết đông có nguồn gốc từ Việt Nam cho tới khi các điều kiện y tế được bảo đảm. Vụ việc được nhận định sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Theo ông Võ Thành Tiếm, tôm dễ mắc nhiều dịch bệnh nên người nuôi buộc phải sử dụng các chất kháng sinh để phòng ngừa, dẫn đến nhiễm kháng sinh. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là khâu chế biến gây nhiễm kháng sinh. Bởi lẽ, trong quá trình chế biến, nhiều cơ sở đã lạm dụng các chất bảo quản để sản phẩm được tươi, lâu phân hủy, đặc biệt là bơm chích tạp chất vào tôm. “Có đến 80% - 90% tôm bị phát hiện có tạp chất đều được chế biến xuất khẩu chứ không tiêu hủy theo quy định” - ông Tiếm dẫn chứng.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp chế biến thủy sản gian dối trong việc kiểm định dư lượng kháng sinh trong tôm. “Quy trình kiểm định dư lượng kháng sinh trong tôm hiện nay là doanh nghiệp tự chọn mẫu gửi cho cơ quan kiểm định. Do đó, những doanh nghiệp gian dối sẽ chọn mẫu tốt nhất để kiểm định, trong khi cả lô hàng thì kém chất lượng. Cách kiểm định này lại gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Tiếm băn khoăn.

Nguyên nhân dẫn đến chuyện kiểm định theo kiểu chiếu lệ có thể là do chủ doanh nghiệp đồng tình, cũng có thể do một bộ phận cố tình qua mặt chủ doanh nghiệp. Trong việc này, cần có sự trợ giúp lớn từ chính cơ quan kiểm định.

Duy Nhân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN