Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Đừng chồng gánh nặng lên người dân

Sự kiện: Giá xăng

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng cần phải thực hiện theo lộ trình rõ ràng. Việc tăng thuế không có lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hạn chế tăng thuế đầu vào, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sẽ giúp tạo nguồn thu bền vững hơn… là những ý kiến đưa ra tại hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế”, do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 16/5.

Đề xuất cần sớm điều chỉnh các loại thuế nội địa mà cụ thể là phải nâng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường sao cho đủ bù đắp phần thuế nhập khẩu đang giảm dần theo cam kết hội nhập để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước của Chủ tịch VINPA Phan Thế Ruệ không được nhiều ý kiến ủng hộ. Ông Ruệ cũng cho rằng, việc đóng thêm thuế bảo vệ môi trường cũng là trách nhiệm của công dân với đất nước.

“Nghĩa vụ của người công dân là phải góp thêm vào để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước cùng các doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay”, ông Ruệ nói và lý giải rằng nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế.

Đề xuất về việc người dân phải chia sẻ, có trách nhiệm với việc tăng thuế bảo vệ môi trường nhận được ý kiến phản hồi từ các chuyên gia tham dự hội nghị. Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân rất quan tâm chính là việc thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng lên 8.000 đồng/lít nhưng đến nay cơ quan quản lý chưa có lộ trình cụ thể cũng như chưa làm rõ việc chi các khoản tiền thu dưới danh nghĩa thuế bảo vệ môi trường ở đâu, như thế nào.

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Đừng chồng gánh nặng lên người dân - 1

Hình minh họa

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít đồng nghĩa gánh nặng chi phí sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp. “Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy là quá cao. Tăng thuế lên 8.000 đồng/lít sẽ làm tăng chi phí vận tải, tác động tới giá cả của nhiều mặt hàng, gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Không nên áp dụng mức thuế như vậy”, ông Doanh nêu quan điểm và cho rằng nếu bắt buộc phải tăng, chỉ nên tăng thêm từ 1.500 tới 2.000 đồng để tránh đặt gánh nặng lên doanh nghiệp, người dân.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng cần phải minh bạch lộ trình tăng thuế và phải tính đến việc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp. “Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn nếu doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, tăng lượng hàng hóa bán ra. Vì vậy cần tính toán kỹ trước khi đặt vấn đề tăng thuế phí với xăng dầu”, ông Thắng nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng việc “tận thu thuế” bằng cách áp ngay thuế cao ngay từ đầu vào sản phẩm là cách làm không hay dù đây là cách khá “truyền thống” của Bộ Tài chính. “Đầu vào nên “ăn” ít thôi, để sản xuất (vòng 2) phát triển. Khi đó thu chính ở khâu tiêu thụ (vòng 3) mới là cách thu bền vững, giúp nuôi dưỡng nguồn thu mà ngành tài chính hay nhắc đến”, ông Thỏa nói. Vị chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều hành giá cũng cho rằng việc điều chỉnh thuế cần được tính toán cụ thể.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần điều chỉnh hoạt động quản lý quỹ bình ổn giá xăng, đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về mức thấp nhất, chấp nhận mở cửa thị trường xăng dầu để cạnh tranh để cho thị trường xăng dầu hoạt động đúng nghĩa cơ chế thị trường.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, về mặt điều hành, chính sách với thị trường xăng dầu tới đây phải thay đổi theo hướng để doanh nghiệp tự định giá. Như vậy mới đảm bảo cạnh tranh chứ không nên để “giá nằm trong tay quản lý Nhà nước” như cách điều hành hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (Tiền phong)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN