Siêu thị nhộn nhịp, chợ nhỏ tăng giá

Kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhiều người đi du lịch nên tình hình mua sắm tại TP HCM chỉ tập trung vào vài nhóm hàng

Do thời tiết lúc này quá nóng nên hoạt động mua sắm chủ yếu diễn ra ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Các chợ truyền thống chỉ nhộn nhịp vào sáng sớm và chiều tối.

Sức mua tăng nhẹ

Theo khảo sát của phóng viên, tại các siêu thị khu vực quận 7 như: Co.opmart, Lotte Mart…, 2 ngày qua rất đông khách đến mua sắm và vui chơi. Nhiều người dẫn cả gia đình vào đây trốn nóng.

Siêu thị nhộn nhịp, chợ nhỏ tăng giá - 1

Khách hàng mua sắm tại Co.opmart xa lộ Hà Nội chiều 1-5 Ảnh: Hoàng Triều

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết 2 ngày đầu nghỉ lễ, các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt gia cầm và các loại giải khát, đặc biệt là bia, bán rất chạy. Ước tính, sức mua tăng khoảng 30% so với tuần trước và gấp đôi so với ngày thường. Sức mua tập trung ở TP HCM, chứ không dịch chuyển nhiều về các tỉnh, thành khác như dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua. Dự đoán, sức mua 2 ngày tới chỉ tăng nhẹ, không biến động nhiều.

Để phục vụ dịp nghỉ lễ 4 ngày, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra chuẩn bị lượng hàng bình ổn giá và nhu yếu phẩm khá lớn, đồng thời tổ chức khuyến mãi mạnh để phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ được trữ nhiều như bắp cải, khổ qua, bí đỏ, gà thả vườn, cá điêu hồng, xúc xích, chả giò, thịt ba rọi xông khói, nước giải khát với giá tốt hoặc luân phiên giảm 5% - 20%.

Theo bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn food, các siêu thị tuy khá đông khách nhưng không bằng mọi năm. Ngay cả hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại Nhà Thi đấu Phú Thọ từ ngày 26-4 đến 1-5 cũng vắng khách so với kỳ vọng. Tại hội chợ này, khách chỉ chú ý đến những hoạt động mới mẻ, thiết thực như chương trình bán hàng đồng giá 20.000 đồng vào mỗi tối.

Thịt tiêu thụ không nhiều

Chiều 1-5, tại một quán ăn bình dân trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), chủ quán giải thích tô hủ tiếu giá không đổi nhưng ít hơn thường ngày do giá nguyên vật liệu tăng. Bà chủ quán cho biết sáng cùng ngày, bà đến chợ Vườn Chuối (quận 3) lấy hàng thì được người bán báo giá nguyên vật liệu tăng từ 5.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg do ngày lễ. Tại chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1), tiểu thương chỉ lấy hàng bán cầm chừng vào sáng sớm. Đến chiều, vài sạp hàng tươi sống mở bán nốt lượng hàng đã lấy.

Ông Nguyễn Như Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, chuyên các sản phẩm gia cầm - nhìn nhận thông thường dịp lễ, người tiêu dùng chuộng các loại hải sản nhưng năm nay, do e ngại cá chết bất thường ở miền Trung nên nhiều loại thịt được chọn thay thế. Tuy vậy, tổng lượng thịt tiêu thụ dịp này cũng thấp hơn ngày thường do công sở, nhà máy, trường học nghỉ.

Đại diện Chi cục Thú y TP HCM xác nhận lượng sản phẩm động vật nhập về TP trong ngày lễ thấp hơn ngày thường. Dù ngày nghỉ nhưng lực lượng này vẫn duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát tại các chợ, lò mổ, trạm đầu mối giao thông…

Ngày 30-4, Chi cục Thú y đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an TP HCM đột kích cửa hàng thực phẩm Phú An (trên đường Đào Tấn, phường 5, quận 5) và phát hiện hơn 1 tấn thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trong đó hơn 100 kg thịt gà đã biến chất. Chủ cửa hàng đã xin tiêu hủy toàn bộ số thịt gà; lượng thịt còn lại được niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để có cơ sở xử lý tiếp.

Giám sát an toàn thực phẩm thủy sản ở miền Trung

Liên quan đến tình hình thủy sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung, để có cơ sở đánh giá mức độ an toàn, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) vừa có công văn khẩn gửi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế yêu cầu lấy mẫu giám sát.

Theo đó, việc lấy mẫu (1-2 ngày/lần) sẽ được tiến hành tại các cảng và bến cá với các loại cá biển đánh bắt gần bờ, xa bờ để phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) và vi sinh vật (salmonella). Các mẫu thủy sản phải gửi đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhằm bảo đảm chính xác cũng như tính pháp lý.

Theo Nafiqad, trong tháng 4, thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản, Nafiqad và các địa phương phát hiện 2/384 mẫu được lấy vi phạm. Cụ thể, 1 mẫu tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi Kiên Lương - Kiên Giang bị phát hiện kháng sinh cấm AoZ hàm lượng 13,41ppb và 1 mẫu cá tra thương phẩm tại Bến Tre có dư lượng kháng sinh cấm Enrofloxacin hàm lượng 13ppb. Nafiqad đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan tổ chức điều tra nguyên nhân, lấy mẫu kiểm tra tăng cường và xử lý các trường hợp phát hiện mẫu vi phạm theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN