Phương án giá điện năm 2017: Chờ ẩn số từ giá than

Sự kiện: Kinh Doanh

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện vẫn chưa trình lại phương án giá điện năm 2017 do phải hiệp thương lại giá than. Nếu giá than vẫn tăng theo lộ trình như hiện nay, EVN sẽ bị đội chi phí gần 4.700 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp muốn tăng giá, trước tiên phải xem xét lại việc tiết giảm chi phí sản xuất để tránh đặt gánh nặng cho người dân.

Nhiều áp lực tăng giá

Liên quan đến kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa có yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải chỉ đạo EVN rà soát kế hoạch đầu tư, phương thức huy động vốn để xác định nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động tính toán phương án chi phí, giá thành, giá bán điện năm 2017. Trong đó, phấn đấu giảm thêm tỷ lệ tổn thất điện năng; xác định lộ trình để phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí thường xuyên của cả tập đoàn. Cũng liên quan đến giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có văn bản yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 - 2020 theo hướng giãn thời gian điều chỉnh bình quân tối thiểu là 6 tháng/lần (thay vì 3 tháng/lần như dự thảo của Bộ Công Thương xây dựng hồi năm 2016).

Phương án giá điện năm 2017: Chờ ẩn số từ giá than - 1

Theo các chuyên gia, EVN sẽ phải tiếp tục tăng năng suất, giảm tổn thất điện năng trước khi đề xuất tăng giá điện. Ảnh: Như Ý.

Xác nhận với PV Tiền Phong chiều 30/3, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, hiện EVN chưa trình phương án giá điện của năm 2017 do phải đàm phán, hiệp thương giá than với Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Theo ông Tri, với việc giá than tăng thêm 7% từ cuối tháng 12/2016, chi phí sản xuất điện sẽ bị tăng thêm khoảng 4.700 tỷ đồng và đây là áp lực rất lớn với ngành điện trong bối cảnh hơn 2 năm rưỡi qua giá điện không được điều chỉnh.

“Trước EVN đã xây dựng phương án giá điện cho năm 2017 nhưng là phương án cũ dựa trên giá than chưa có sự điều chỉnh. Đến nay giá than đã tăng lên làm thay đổi giá đầu vào của điện. EVN vẫn đang đàm phán và tiếp tục hiệp thương giá tiếp với Vinacomin về giá bán than cho điện”, ông Tri nói.

Thông tin từ Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực cho hay, đến thời điểm hiện tại EVN chưa có đề xuất mới về việc tăng giá điện. Cùng với việc giá than điều chỉnh từ năm 2016, việc ngành điện đang chịu sức ép rất lớn về tăng giá là có thật.

Theo thông tin từ EVN, nhiều chi phí đầu vào của sản xuất điện (đặc biệt là giá than) đã tăng liên tục từ năm 2015, nhưng hiện vẫn chưa được cân đối trong giá điện. Theo tính toán của EVN, năm 2017, dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh. Đây sẽ là thách thức lớn với tình hình tài chính của tập đoàn này. Bên cạnh đó, nhiều khoản chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện như biến động tỷ giá, giá than, giá khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng…

Phương án giá điện năm 2017: Chờ ẩn số từ giá than - 2

Nhân viên Cty Điện lực Hà Nội ghi chỉ số công tơ điện của các hộ dân trên phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

EVN phải tiếp tục cải tổ trước khi định tăng giá

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, với việc tăng giá than, giá điện hay lĩnh vực nào khác cũng cần điều hành theo giá thị trường. Như với ngành than, tiền lương công nhân 4-5 năm nay không thay đổi, tính bình quân công nhân đào hầm lò chưa đạt 10 triệu đồng/tháng. Trong khi giá thành khai thác than ngày càng tăng. Với chi phí tăng, nếu bán ra, không được tăng giá, ngành than sẽ bị lỗ và phá sản. “Giá than cần phải được điều chỉnh nhưng phải điều chỉnh theo lộ trình cho phép”, ông Ngãi nói và cho rằng việc này sẽ giúp ngành than bù đắp được phần chi phí bỏ ra.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu than điều chỉnh, giá điện sẽ thay đổi theo vì giá than chiếm 50%-60% giá thành sản xuất điện. Quan điểm của Chính phủ hiện nay rất rõ về việc giá điện. Với EVN, nếu muốn tăng giá điện, bản thân họ phải làm nhiều việc, trong đó trước tiên là tiếp tục đẩy mạnh giảm tổn thất điện năng. Cùng đó, EVN phải sắp xếp lại lao động, tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí…Chưa kể ngay trong vận hành, ngành điện cũng phải sử dụng tiết kiệm điện để có giá thành chi phí sản xuất điện hợp lý nhất.

“Chúng ta cần có cái nhìn công bằng, nếu không làm sao ngành điện phát triển được. Nếu không tăng giá, EVN không có lãi sẽ không có vốn đầu tư. Khi thiếu điện thì sẽ thiệt hại hơn là tăng giá điện. Khi giá thành điện lùi đến mức không thể lùi được hơn được nữa, nếu lùi thì EVN sẽ lỗ thì khi đó đương nhiên phải tăng giá điện cho EVN. Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy EVN sẽ tính toán lại và phải trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt và xem lại giá thành bán ra lỗ hay lãi”, ông Ngãi nói.

“EVN muốn tăng giá điện trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh giảm tổn thất điện năng. Cùng đó, EVN phải sắp xếp lại lao động, tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí…Chưa kể ngay trong vận hành, ngành điện cũng phải sử dụng tiết kiệm điện để có giá thành chi phí sản xuất điện hợp lý nhất”.

 Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN