'Phải giảm tính độc quyền xăng dầu'

Để giá xăng sát với giá thị trường, tính độc quyền trong xăng dầu phải giảm, và cho cạnh tranh bình thường', ông Cao Sỹ Kiêm nói với báo chí ngày 12/11 về điều hành giá xăng dầu hiện nay.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết: Về cách tính giá xăng dầu hiện nay, có một độ chênh, tức là thường điều chỉnh sau diễn biến. Tôi có một nhận xét là vẫn chưa có cái khẩn trương, chưa sát với yêu cầu, kể cả thời điểm. Một vài chỗ, hoặc mức độ có khi cần tăng nhiều, thì lại tăng ít. Có khi giảm nhiều, thì lại giảm ít. Có khi đáng nhẽ làm sớm hơn thì làm lại không kịp thời. Trong điều hành vừa qua cũng có những cái ấy, nên gây ra hiệu ứng, khiến người ta thấy không đồng tình, và nghi ngờ khi nói với cách làm.

'Phải giảm tính độc quyền xăng dầu' - 1

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Internet

Ngày 11/11, giá xăng đã giảm 250 đồng/1lit: Đây là lần thứ 3 liên tiếp Quốc hội họp là giá xăng giảm, nhưng Quốc hội họp xong giá xăng lại tăng ?

Việc đó chắc không dính với nhau nhiều. Vì tăng giảm giá xăng dầu còn phục thuộc vào thị trường, vào cung-cầu. Cung-cầu có xảy ra, cần phải tăng, cần phải giảm theo lộ trình và theo hướng mình đã phổ biến. Đến lúc nào đó, thấy cần giảm, hoặc cần tăng, thì họ làm bình thường. Có những kỳ Quốc hội không họp, nhưng họ vẫn tăng, giảm. Vì điều hành phải có cái gì đó rất dài, rất công khai, minh bạch, và rất thường xuyên. Chứ động tác này mà che giấu, thì không có hiệu lực gì nhiều. Chúng ta phải xem tăng, giảm có vô lối gì không, có xa rời với thị trường không? Nó vô lối, cách xa, hoặc vênh váo, thì mới nói chính xác được

Vậy vì sao giá xăng của mình vì sao chưa thực sự theo sát với thị trường?

Vì nó còn có chính sách, còn có chiếu cố đến các đối tượng, hoặc những yêu cầu của từng thời kỳ. Mà chúng ta lại có cái rất không đúng như các nước là còn có tính độc quyền trong chỉ đạo xăng dầu. Cho nên, điều hành không phải là do cung-cầu. Hình thành thế nào thì chúng ta chấp nhận. Nhưng do độc quyền đã đành, lại còn do chính sách của chúng ta phải chiếu cố vùng này, vùng kia, chiếu cố lĩnh vực này, lĩnh vực kia. Có khi đúng, nhưng lại đảm bảo yếu tố chống lạm phát, không được tăng, giảm vào một lúc, thì nhiều yếu tố chi phối.

Để giá xăng sát với giá thị trường, tính độc quyền trong xăng dầu phải giảm, và cho cạnh tranh bình thường. Thứ hai là cách tính để cho hợp với thông lệ quốc tế, thì phải sát dần. Hai cái đấy giải quyết được, thì thị trường cũng bình thường, nhưng chúng ta chưa làm được. Tôi cho rằng, xăng dầu chúng ta có yếu tố là chính sách. Mình cứ cộng dồn để nhiều thời kỳ, không điều chỉnh đến khi nó không thể chịu được nữa rồi mới điều chỉnh. Điều chỉnh đến lúc thấy hốt hoảng thì điều chỉnh dồn một lúc khiến sốc. Đáng lẽ phải làm ngay, thì mình lại để lùi một thời gian. Khi người dân nhìn thấy cách làm như vậy cảm thấy có cái gì không lành mạnh.

Đến nay, chúng ta chưa xử lý được độc quyền xăng dầu, vì sao thưa ông?

Khi đã có độc quyền, công nhận độc quyền thì không thể xử lý được. Ví dụ trong xăng dầu chỉ để 2, 3 anh thôi. Mà 1 anh lại chơi tới 70-80% thì nó có quyền đặt ra giá của nó. Có quyền đặt ra chi phí, rồi cộng lên mà ta không kiểm soát nổi. Chứ còn nếu có 5 anh, thì tôi chọn anh thấp nhất, đẩy anh cao ra. Còn nếu giải quyết được mô hình cạnh tranh, thì nó xóa được tất cả. Nếu mô hình tổ chức để một anh chiếm tới 80% thị phần, thì nó cộng chi phí các thứ, không có anh đối chứng, không thể nào phát hiện được.

Xin cám ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Phúc (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN