Phải giảm tiền điện cho người nghèo

Theo các chuyên gia, cần điều chỉnh lại biểu giá điện bậc thang xuống còn 5 bậc hoặc 3 bậc thay vì để mức 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, cách tính giá phải làm sao có lợi nhất cho người nghèo và ít ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp.

Phải giảm tiền điện cho người nghèo - 1

Theo các chuyên gia, biểu giá điện phải có lợi cho người nghèo và ít ảnh hưởng người thu nhập thấp. Ảnh: Như Ý

Theo các chuyên gia, cả 3 phương án biểu giá điện được EVN xây dựng, đều có điểm bất cập cho từng đối tượng sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, tiền điện với những người giàu, sử dụng nhiều điện không thay đổi. Theo cách tính của EVN trong phương án 1 (giữ nguyên 6 bậc như hiện hành), những người dùng càng nhiều điện sẽ càng phải trả nhiều tiền.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người nghèo, bên cạnh việc hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/tháng từ ngân sách đối với hộ nghèo, EVN đề nghị bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng không quá 50kWh/tháng. Hộ chính sách xã hội sử dụng trên 50kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ.

Còn trong phương án số 2, EVN muốn áp dụng giá điện sinh hoạt đồng mức tính đồng giá 1.747 đồng/kWh. Cụ thể, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100kWh/tháng. Với cách tính này, những hộ sử dụng trên 240kWh/tháng sẽ được hưởng lợi giá điện thấp hơn so với hiện tại. “Cách tính này có điểm yếu là có lợi cho người thu nhập cao, đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân vùng sâu vùng xa. Chưa kể đến cách tính này không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm”, một chuyên gia về ngành điện nói với Tiền Phong.

Phương án 3 được EVN xây dựng theo tiêu chí rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc. Tuy nhiên, dù chia ra nhiều phương án, nhưng tựu chung, khi vào mùa hè, việc thanh toán tiền điện với mức giá cao sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với những hộ dùng điện với mức trung bình trở lên. Theo tính toán của ngành điện, ngay cả khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang thì người dùng nhiều điện vẫn phải trả tiền điện với giá cao. 

Tuy nhiên, với kịch bản 2, các hộ sử dụng từ 50kWh và 100kWh/tháng bị tác động không đáng kể trong khi những hộ bị tăng tiền điện rơi vào những người có mức thu nhập trung bình, những người dùng từ 107kWh/tháng đến 233,88kWh/tháng. Còn với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), các hộ sử dụng đến 50kWh/tháng không bị tác động. Các hộ bị tác động tăng tiền điện sử dụng ở các mức từ trên 50kWh-100kWh và 300kWh/tháng.

Người thu nhập thấp có được hưởng lợi?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang cần đảm bảo hai yếu tố: Có lợi cho người dân, cụ thể là người nghèo, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Hiện nay gần 70% người dân sống ở khu vực nông thôn, chưa kể hàng triệu học sinh sinh viên, cán bộ làm công ăn lương, công nhân lao động nên việc điều chỉnh giá điện bậc thang cần hết sức cân nhắc. Hiệp hội cho rằng chỉ nên có ba bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt với bậc đầu tiên áp dụng từ 0-150 kWh. Đây là mức hợp lý vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho ngành điện đồng thời không gây ảnh hưởng cho những người có thu nhập thấp.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong cơ cấu tiền điện thương phẩm hiện nay, ngành công nghiệp chiếm tới 60%, 40% còn lại là điện dành cho nhà hàng, khách sạn, dịch vụ và dân dụng. Điện sinh hoạt thực tế chỉ chiếm 10% vì vậy bậc thang 1 có điều chỉnh cũng không đáng bao nhiêu. “Các bậc tiếp theo thì càng dùng nhiều, càng phải trả nhiều tiền là đương nhiên. Với người nghèo, người thu nhập thấp càng làm cho họ ít bị ảnh hưởng càng tốt”, ông Ngãi nói.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Giáo sư, TSKH Trần Đình Long, với lượng điện sử dụng không thay đổi và với mức giá được đưa ra để tính, thì dù chọn phương án bậc thang điện nào, tổng tiền thu của EVN không thay đổi. Vấn đề phải chọn và xây dựng phương án có lợi nhất, ít bị ảnh hưởng nhất cho người dân có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp.

Theo ông Long, nếu điều chỉnh biểu giá điện xuống còn 5 bậc là hợp lý. Còn nếu chọn phương án chỉ có 3 bậc sẽ khiến bước nhảy giữa các bậc sẽ khá cao, người ở mức sử dụng điện trung bình sẽ bị ảnh hưởng trong khi sẽ có một số ít người có thu nhập cao được giảm bớt tiền so với cách tính 6 bậc hiện nay.

Dự kiến tuần tới, EVN sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, người dân, cơ quan liên quan đóng góp Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bậc thang (với 3 phương án được đưa ra) trước khi trình Bộ Công Thương trong tháng 10 (để trình Chính phủ phê duyệt). Đây sẽ là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo tổ chức tại 3 miền, có mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN