Ô tô nhập khẩu: Không nhìn thấy "cửa sáng"

Sự kiện: Kinh Doanh

Với 6.000 chiếc, xe nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam trong tháng 10 vẫn không tăng và trong tương lai có thể tiếp tục giảm sút khi điều kiện nhập khẩu ô tô từ Nghị định mới của Chính phủ được áp dụng.

Xe nhập khẩu rơi tự do

Ô tô nhập khẩu: Không nhìn thấy "cửa sáng" - 1

Thị trường ô tô Việt Nam đang trải qua thời gian biến động

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng ô tô ước đạt 6.000 chiếc, trị giá 135 triệu USD. Với con số này, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 10 tương đương về lượng so với tháng 9 và thấp hơn về trị giá so với con số 165 triệu USD hồi tháng 9.

Trái ngược với sự tăng trưởng thường thấy vào các tháng cuối năm, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam cũng đang trong giai đoạn giảm xuống kỷ lục.

Diễn biến từ đầu năm cho thấy tình hình nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đang tiếp tục có chiều hướng giảm dần.

Tính đến hết tháng 10, cả nước đã nhập khẩu về trong nước 77.000 chiếc xe ô tô nguyên chiếc các loại, đạt trị giá 1,687 tỷ USD. Con số này giảm 11,2% về lượng và 13.7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục khó khăn

Ô tô nhập khẩu: Không nhìn thấy "cửa sáng" - 2

Nghị định 116 có nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với xe nhập khẩu

Chưa có một “cửa sáng” nào cho giới kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm đến nay với nhiều biến động và thiếu ổn định do những thay đổi từ chính sách sắp tới tác động khá lớn đến tâm lý khách hàng. Nhưng trong năm 2018, thị trường ô tô sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn.

Ngày 17/10 vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký và sẽ tạo nên những thay đổi lớn của thị trường ô tô. Trong đó, “siết” lại khá mạnh các điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Cụ thể, Nghị định 116 mới nêu rõ, để được kinh doanh ô tô nhập khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng hai điều kiện là có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đúng chuẩn thuộc sở hữu, của đại lý trong hệ thống hoặc đi thuê và có văn bản xác nhận doanh nghiệp được quyền thay mặt hãng ở nước ngoài thực hiện việc triệu hồi xe tại Việt Nam.

Với quy định này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu không chính hãng hiện nay đều sẽ “không đạt yêu cầu”.

Nghị định 116 cũng quy định hàng loạt giấy tờ khác mà doanh nghiệp phải có như: Bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; Bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng xe; Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang một xe đi thử nghiệm.

Các quy định mới này không chỉ khó đối với các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu không chính hãng mà còn khó cả với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng đang kinh doanh tại thị trường trong nước.

Có thể, trong 2 tháng cuối năm, lượng xe nhập khẩu về thị trường Việt sẽ tăng lên để “chạy” quy định mới bởi dù có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết năm nay. Kể từ đầu năm sau, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định này.

Ngoài ra, Nghị định mới của Chính phủ cũng nêu: Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phúc Vinh (ICT News)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN